Có luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh còn đề nghị thay đổi với một thẩm phán vì cho rằng vị này trước đó đã ngồi trong vụ án “con ruồi 500 triệu”…
Ngày 27/12, TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ “đại án” 9 ngàn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNBC) ra xét xử phúc thẩm. Theo đó, 36 bị cáo, trong đó có 25 bị cáo kháng cáo và 11 bị cáo không kháng cáo đều có mặt tại phiên tòa. Có 162 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng chỉ có 27 người kháng cáo (vắng 6 người không có lý do). 135 người có quyền, nghĩa vụ liên quan, còn lại chỉ có 55 người có mặt, vắng 80 người…
Trong phần thủ tục, Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đề nghị cần thiết phải triệu tập bà Phạm Thị Trang (Trang phố núi) vì nhân vật này rất quan trọng. Luật sư bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn đề nghị phải triệu tập ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương đến tòa (bị cáo Thắm đang bị tạm giam, chuẩn bị hầu tòa trong một vụ án khác - PV) và nhóm Phú Mỹ. Luật sư bảo vệ cho nhóm Trần Ngọc Bích đề nghị triệu tập thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và một đơn vị kiểm toán. Luật sư cũng như bị cáo Danh tha thiết HĐXX triệu tập ông Trần Quý Thanh để được đối chất…
Do xét thấy tính chất phức tạp của vụ án nên đại diện VKSND Cấp cao đề nghị được hội ý khi HĐXX đề nghị cho biết ý kiến về phần thủ tục. Sau khi hội ý, đại diện VKS cho rằng việc triệu tập ông Trần Qúy Thanh đã được triệu tập hợp lệ và ông Thanh đã có ủy quyền cho người đại diện. Đối với yêu cầu triệu tập Phạm Thị Trang, bà Trang cũng có đơn xin xét xử vắng mặt và đã được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco chứng thực chữ ký của người này. Riêng với vấn đề triệu tập ông Hà Văn Thắm và 13 người trong nhóm Phú Mỹ thì đề nghị HĐXX xem xét nếu trong quá trình xét xử thấy cần thiết thì cho triệu tập.
Sau đó, HĐXX tiếp tục hội ý và quyết định tiếp tục xét xử vụ án. HĐXX cũng không chấp nhận đề nghị của luật sư về thay đổi một thẩm phán trong HĐXX vì cho rằng đây là hai vụ án khác nhau.
Trước đó, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Phạm Công Danh 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”; 20 năm tù tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt Danh phải chịu là 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm tù). Các đồng phạm của Danh là bị cáo Phan Thành Mai bị tuyên phạt 22 năm tù; bị cáo Mai Hữu Khương 20 năm tù, bị cáo Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ án treo tới 16 năm tù.
Theo nội dung vụ án, Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mua lại và tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín, sau đó đổi tên thành VNCB.
Khoảng tháng 5/2013, Danh chỉ đạo các thuộc cấp của mình tại VNCB là Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên TV HĐQT); Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn) và nhiều thuộc cấp khác nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng từ VNCB mà không báo cáo Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) để chuyển 581 tỉ đồng từ VNCB ra ngoài. Danh còn được xác định đã rút 5.490 tỉ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB. Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh là hơn 7.000 tỉ đồng.
Ngoài khoản thiệt hại trên, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014, Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và hai pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất đem thế chấp vay 5.000 tỷ đồng của VNCB. Từ những phi vụ này, Danh gây thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ cho VNCB. Như vậy, chỉ tính riêng trong vụ án này, Danh và các đồng phạm đã gây ra thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB.
Về phần dân sự, HĐXX buộc Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh liên đới bồi thường toàn bộ số tiền mà những công ty do Danh lập ra để rút tiền ra VNCB. Bà Quách Kim Chi (vợ Danh) và Phạm Công Danh phải liên đới bồi thường theo tỷ lệ góp vốn trong Tập đoàn Thiên Thanh. Tòa tuyên buộc bà Hứa Thị Phấn, là đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ phải trả lại 948 tỷ đồng cho VNCB, đây là số tiền mà Danh đã chuyển cho bà Phấn do phạm tội mà có. Đối với 124 sổ tiết kiệm mà bà Bích thế chấp để vay 5.190 tỷ đồng, tòa tuyên giải tỏa kê biên chuyển về cho VNCB giải quyết theo hợp đồng tín dụng với nhóm ông Thanh, bà Bích. Các tài sản đang cầm cố cho ngân hàng thì giao cho các ngân hàng xử lý. Các tài sản đang bị kê biên thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP Đà Nẵng tiếp tục kê biên. Để đảm bảo thi hành án, các tài sản do hai vợ chồng Danh chưa cầm cố nhưng vẫn bị kê biên thì tiếp tục kê biên. HĐXX cũng quyết định khởi tố tại tòa hàng loạt vụ án liên quan.
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ kéo dài 1 tháng từ nay tới 27 Tết âm lịch.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của vụ án.