Phúc thẩm vụ BIDV bị thiệt hại: Con gái ông Trần Bắc Hà khóc xin giữ lại tài sản đứng tên mẹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại tòa, con gái ông Trần Bắc Hà đã khóc, xin HĐXX phúc thẩm xem xét, giữ lại 2 bất động sản đứng tên mẹ mình mà hai chị em hiện sinh sống.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Sáng 28/6, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa 3 bị cáo trong vụ án Ngân hàng BIDV bị thiệt hại ra xét xử phúc thẩm ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng).

Phiên tòa được mở theo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan của các bị cáo, kháng cáo của người có quyền lợi liên quan là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà). Trước khi phiên tòa diễn ra, bà Lan đã qua đời nên chị Trần Lan Phương – con gái bà Lan là người thừa kế quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ.

Theo bản án sơ thẩm bị cáo Đinh Văn Dũng đã cấu kết với con trai ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) là Trần Duy Tùng và 2 người khác chiếm đoạt 23,5 tỷ đồng tiền bán bò của Công ty Bình Hà (là tài sản bảo đảm cho các khoản vay của Công ty Bình Hà tại BIDV). Bị cáo còn chiếm đoạt 11 tỷ đồng, dùng số tiền này góp vốn vào Công ty Bình Hà, đồng thời làm vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân. Do đó, ông Đinh Văn Dũng bị cấp sơ thẩm tuyên 12 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Sau phiên tòa, ông Đinh Văn Dũng kháng cáo kêu oan. Tại tòa, ông Văn Dũng nói mình không đồng ý với cáo buộc chiếm đoạt tiền. Cáo buộc ông chiếm đoạt tiền là phi lý. Theo lời ông Văn Dũng, tiền là ông được cho vay. Lời khai của các bị cáo khác, ông Văn Dũng cho rằng không trung thực.

Đến lượt mình, bị cáo Đoàn Hồng Dũng phân trần, cho rằng nếu ông không bị doanh nghiệp khác trừ đi công nợ thì ông cũng đủ tiền trả nợ. Do đó, ông Hồng Dũng xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình. Ông Hồng Dũng xin tòa cho bản thân và gia đình được khắc phục hậu quả. Ông Hồng Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền hơn 240 tỷ đồng.

“Ngay lập tức trả thì bị cáo không có ngay. Bị cáo đã bán hết tài sản, trả nợ cho ngân hàng rồi. Giờ bị cáo huy động gia đình, anh em thôi”, bị cáo Hồng Dũng nói tại tòa.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình. Theo lời khai của bị cáo Sơn, bà làm theo chỉ đạo của chồng, không biết gì.

HĐXX phúc thẩm.

HĐXX phúc thẩm.

Sau khi thẩm vấn các bị cáo xong, HĐXX đã hỏi bà Phương – con gái ông Trần Bắc Hà. Bà Phương nói mình vẫn giữ nguyên toàn bộ yêu cầu kháng cáo từ mẹ.

Theo bản án sơ thẩm, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của BIDV. Mặc dù ông Hà đã chết, không xem xét trách nhiệm hình sự nhưng là người có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả làm thiệt hại cho BIDV. Do đó, các tài sản đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và các tài sản khác có liên quan đến quyền lợi của ông Hà cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Cty Bình Hà và Cty Trung Dũng với BIDV.

HĐXX cấp sơ thẩm đã kê biên 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu ông Trần Bắc Hà và vợ là bà Ngô Kim Lan. Đối với 2 bất động sản đứng sở hữu của bà Ngô Kim Lan (gồm Bất động sản số 60A Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3 TP HCM và bất động sản tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM), bản án sơ thẩm cho rằng, đây là hai bất động sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân và ông Hà có quyền lợi liên quan nên quyết định kê biên, phong tỏa các tài sản đó để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, HĐXX cấp sơ thẩm ra quyết định ngăn chặn giao dịch liên quan đến hơn 7,9 tỷ đồng số dư trên tài khoản của bà Ngô Kim Lan; giải tỏa ngăn chặn hơn 1,6 tỷ đồng và 95.206 USD số dư trên tài khoản của chị Trần Lan Phương. Bởi theo tài liệu điều tra chưa có cơ sở để khẳng định tài khoản của chị Phương có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Bắc Hà và Trần Duy Tùng. Chị Phương có đơn xin lại các tài sản trên nên cần giải tỏa việc phong tỏa tài sản đó để đảm bảo quyền lợi cho chị Phương.

Tại phiên toà phúc thẩm, chị Phương không đồng ý với việc tiếp tục kê khai, phong tỏa tài sản của mẹ. Theo chị Phương, hai bất động sản đứng tên cá nhân của mẹ chị là tài sản riêng.

“Bất động sản ở Hiệp Bình Chánh, TP HCM là mẹ tôi mua từ năm 2005, còn bất động sản ở 60A Bà Huyện Thanh Quan là được em gái mẹ tôi tặng mẹ tôi từ năm 2013. Năm 2017, bố mẹ tôi thoả thuận đây là tài sản riêng của mẹ tôi. Ngoài ra, trong tài khoản của mẹ tôi có hơn 7,9 tỷ là tiền công ty nơi mẹ tôi làm việc đã chuyển vào tài khoản sau khi bà về hưu. Thay mặt mẹ, tôi xin HĐXX xem xét giữ lại hai bất động sản của mẹ tôi – đây là nơi mà chị em tôi đang sinh sống” – chị Phương nghẹn ngào.

Đọc thêm