Hôm nay (22/12), Ban Quản lý dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính”.
Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cuối cùng về sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính.
Từ tháng 5/2016 đến tháng 12/2016, Ban Quản lý dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS phối hợp với VEPR tổ chức nghiên cứu "Vượt qua những thách thức phát triển bền vững của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính trong bối cảnh phát triển mới".
Với quá trình khảo sát thực địa tại 05 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế và Điện Biên), nghiên cứu đã tập hợp những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến sự phát triển bền vững về nguồn lực tài chính của các tổ chức xã hội ở Việt Nam.
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu, Việt Nam có số lượng các tổ chức hội, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp xã hội (doanh nghiệp phi lợi nhuận) lên đến con số hàng chục nghìn, chưa kể đến các tổ chức cộng đồng không đăng ký.
Đây là những đối tượng cần được nghiên cứu để có khung pháp lý về hoạt động, tổ chức cho phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước, đảm bảo quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý Nhà nước trong bối cảnh dự thảo Luật về Hội sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét.
|
PGS.TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) công bố kết quả nghiên cứu |
Qua kết quả nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị như đơn giản hóa thủ tục quản lý, thành lập các TCXH, đặc biệt ở những lĩnh vực phúc lợi xã hội, phục vụ các nhóm yếu thế…
Phân loại các TCXH để xác định rõ chỉ các tổ chức công ích, tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng sẽ có điều kiện để thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước.
Cần xây dựng cơ chế mô hình phân bổ ngân sách theo cơ chế cạnh tranh để những TCXH có năng lực có thể tham gia đấu thầu thực hiện các dịch vụ công của Nhà nước.
Nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng hơn cho các hoạt động xã hội của các TCXH, đặc biệt là chính sách về thuế, xóa bỏ phân biệt giữa các TCXH.
Đẩy mạnh giao cho các hội chuyên trách, phục vụ thành viên quản lý các nguồn tài nguyên có liên quan đến ngUồn lợi của hội viên và thu thuế, đặc biệt là những hội hiện đang gắn liền với các nhiệm vụ được giao của Nhà nước.