Bị làng phạt vạ vì làm ở quán karaoke
Với ước mong đổi đời, cải thiện kinh tế giúp đỡ gia đình nên 4 cô gái, gồm: Y Máy (SN 2003), Y Hằng (SN 2003), Y Măng (SN 2003), Y Luyến (SN 2002, cùng ngụ thôn Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) rời quê đến tỉnh Quảng Nam tìm kiếm việc làm. Nhưng rồi, các cô gái bị làng phạt vạ, bắt nộp heo vì vi phạm luật tục. Thấy vô lý, tất cả họ đồng loạt làm đơn nhờ chính quyền xã Măng Ri can thiệp.
Theo nội dung đơn, Y Máy sinh ra trong một gia đình đông con, cuộc sống khó khăn nên học xong lớp 9 phải ở nhà phụ cha mẹ chăm sóc 4 sào ruộng. Giữa năm 2019, được người bạn trong thôn giới thiệu, cô đến Quảng Nam làm phục vụ pha chế, dọn dẹp cho quán karaoke, lương 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Tháng 4/ 2020, khi Y Máy đang làm ở quán karaoke thì nhận được điện thoại của cha mẹ, nói dân làng buộc gia đình nộp phạt một con heo trị giá 5 triệu đồng cho cả làng làm thịt ăn. Sau nhiều cuộc họp, cha mẹ cô phải chấp thuận.
“Vì không hiểu biết pháp luật nên gia đình tôi đã đưa cho già làng một con heo. Tôi làm một tháng chỉ có 4,5 triệu đồng. Tôi đã ứng trước 1,5 triệu, còn 3 triệu mang về nhà để cha mẹ tôi mua gạo ăn và chữa bệnh nhưng già làng ép phải nộp con heo trị giá 5 triệu đồng”, Y May viết.
Bố mất sớm, anh chị đã có gia đình riêng, một mình Y Luyến phải bươn chải nuôi mẹ già. Được bạn giới thiệu, đầu năm 2020, cô đến Quảng Nam dọn phòng trong quán karaoke, lương hơn 4 triệu đồng một tháng. Mới lãnh lương được 2 lần, Y Luyến phải quay về làng vì quán đóng cửa trong đợt dịch bệnh. Vừa rồi, gia đình cô bị làng mời họp, bắt nộp heo phạt vạ nhưng vì không có tiền nên xin hoãn.
Với đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê nhưng trước sức ép của già làng, sợ bị cả làng cô lập, gia đình Y Hằng đã mua một con heo đóng phạt cho cả làng theo luật tục.
|
Đời sống đồng bào Xơ Đăng ở Măng Ri vẫn còn tồn tại nhiều luật tục |
Sau khi nhận được đơn thư của 4 cô gái, chính quyền xã Măng Ri cũng đã mời những người có liên quan đến xã để làm việc.
Tại buổi làm việc, ông A Bai - già làng thôn Ngọc La cho rằng, các cô gái nói trên chưa kết hôn nhưng “đã có quan hệ nam nữ” ở các quán karaoke, đồng thời lôi kéo những người đang ở tuổi học sinh bỏ học đi làm nên vi phạm tục lệ, luật làng. Việc phạt vạ là cả làng thống nhất chứ không phải mình ông quyết định.
Bà Y Ai - Phó Chủ tịch xã Măng Ri cho biết, sau khi nhận được đơn của 4 cô gái, chính quyền địa phương đã mời các bên liên quan lên làm việc và giải thích việc buộc các cô nộp phạt là sai pháp luật. Tại buổi làm việc, ông A Bai xin rút kinh nghiệm, còn 4 cô gái đã rút đơn.
“Việc làng buộc các cô gái nộp phạt là sai pháp luật. Tuy nhiên, đó là hương ước của làng có từ lâu đời, chính quyền không thể ngăn cấm, chỉ tuyên truyền cho dân làng, sau này nếu có phạt vạ, chỉ phạt con gà hoặc một vật gì đó tượng trưng để chuộc lỗi. Phạt heo, trâu, bò… là quá nặng so với điều kiện kinh tế của người dân”, bà Y Ai nói.
Được biết, theo phong tục của đồng bào Xơ Đăng ở những xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông như: Măng Ri, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Ngọc Lây…, con gái và con trai quan hệ trước hôn nhân, ngoại tình… là điều cấm kỵ. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt vạ, nhẹ thì phải nộp gà, nặng là heo, trâu, bò. Ai không chấp hành sẽ không được công nhận là công dân của làng, thậm chí bị đuổi khỏi địa phương.
Đổi thay ở thủ phủ sâm Ngọc Linh
Xã Măng Ri gồm 6 thôn, làng, có tổng cộng 426 hộ với 1.736 nhân khẩu, trong đó gần 100% là người dân tộc Xơ Đăng. Theo các già làng ở Măng Ri, xã được lấy tên Măng Ri theo tiếng Xơ Đăng có ý nghĩa là từ ghép tên của cây đa và cây măng sâm lũ - một trong những loại cây có nhiều trên địa bàn xã và thường được bộ đội sử dụng làm thực phẩm trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Mảnh đất Măng Ri ấn tượng, được biết đến không chỉ là vùng căn cứ cách mạng mà còn là thủ phủ của các loại cây dược liệu, trong đó có “quốc bảo” - sâm Ngọc Linh. Đây là loại dược liệu đặc hữu chỉ có ở vùng rừng núi Ngọc Linh, trong đó Măng Ri chính là mảnh đất hiện có nhiều diện tích sâm Ngọc Linh nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trước đây, khi sâm Ngọc Linh chưa được biết đến nhiều thì đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Măng Ri đã biết dùng nó như “phương thuốc bí truyền”, thường gọi là cây “thuốc giấu” để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Từ khi sâm Ngọc Linh được phát hiện và công bố về công dụng, đồng bào Xơ Đăng ở vùng thung lũng Măng Ri đã biết gìn giữ, bảo vệ và phát triển loại dược liệu quý này.
“Hiện tại, đời sống của gia đình khá hơn trước kia nhiều. Bây giờ, gần như các hộ đều phát triển kinh tế gia đình bằng cách trồng cây dược liệu sâm dây và sâm Ngọc Linh. Nhiều hộ gia đình nơi đây đã thoát khỏi cảnh nghèo, ổn định cuộc sống nhờ việc trồng các loại cây dược liệu”, ông A Doi (ngụ xã Măng Ri) cho biết.
Một nét đặc trưng ở Măng Ri đó là hầu hết diện tích lúa nước được canh tác trên những chân ruộng bậc thang. Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng đồi, đan xen giữa đó là những ngôi làng với mái nhà rông cao vút đẹp tựa như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
Ông A Nít - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri cho biết, khi ông lớn lên đã thấy người dân canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang và ông cũng chỉ được nghe kể lại là đời cha ông của mình cũng đã trồng lúa nước như vậy.
|
Những thửa ruộng bậc thang vàng óng ở Măng Ri. |
Với việc canh tác sản xuất theo hình thức ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng đã tạo cho mảnh đất Măng Ri vẻ đẹp riêng mà ít nơi nào có được. Vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, nếu có dịp đến mảnh đất Măng Ri, du khách sẽ được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài tuyệt đẹp lưng chừng núi. Sắc vàng của lúa chín, hòa cùng màu xanh thẫm của núi rừng Tây Nguyên giữa tiết trời se lạnh càng điểm tô cho Măng Ri vẻ đẹp thơ mộng, đắm say lòng người.
Theo ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri, thời gian qua, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con Xơ Đăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất Măng Ri. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh diện tích cây trồng là lợi thế của xã như: cà phê xứ lạnh và các cây dược liệu: như cây sâm dây, cây đương quy, cây sơn tra và cây ngũ vị tử, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, gần đây kinh tế - xã hội của địa phương có sự phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, trong chương trình phát triển du lịch, huyện Tu Mơ Rông lấy xã Măng Ri làm điểm du lịch trung tâm. Bởi xã có diện tích rừng tự nhiên giáp ranh với khu bảo tồn Ngọc Linh, có sản phẩm sâm Ngọc Linh nổi tiếng, khu căn cứ Tỉnh ủy những năm kháng chiến.
“Ở Măng Ri có cánh đồng ruộng bậc thang rộng hàng trăm héc ta rất đẹp, nhất là vào mùa lúa chín. Nơi đây có những thôn làng người Xơ Đăng vẫn còn mang đậm nét kiến trúc truyền thống cổ xưa, có sức thu hút, hấp dẫn với du khách”, ông Thành cho biết./.