Nhiều ý kiến trái chiều
Tại Bắc Ninh, đầu năm 2022 là thời điểm nhiệm kỳ Trưởng khu phố các khu phố thuộc địa bàn TP Bắc Ninh chuẩn bị kết thúc, địa phương này đã thực hiện các trình tự, thủ tục để bầu các Trưởng khu nhiệm kỳ mới. Ngày 20/3/2022, cử tri các khu thuộc phường Nam Sơn đã tổ chức bỏ phiếu bầu cử Trưởng khu nhiệm kỳ 2022 – 2024.
Theo Quyết định (QĐ) 123/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố, việc lựa chọn nhân sự để cử tri bầu Trưởng khu phố sẽ được thực hiện qua 3 bước.
|
UBND phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh. |
Tài liệu mà PV có được cho thấy, tại khu Sơn Trung và Thái Bảo, Hội nghị bước 3 đều có “kịch bản” là đại diện các đoàn thể sẽ đưa ra ý kiến về các ứng viên, sau đó tổ chức bỏ phiếu kín để ấn định danh sách ứng cử viên chính thức. Khu Sơn Trung có hai ứng viên là ông Nguyễn Văn Hậu – Trưởng khu đương nhiệm và ông Nguyễn Văn Khanh, kết quả bỏ phiếu kín, ông Hậu được 6/7 phiếu, ông Khanh được 1/7 phiếu; khu Thái Bảo cũng có hai ứng viên là ông Nguyễn Xuân Cử - Trưởng khu đương nhiệm và ông Nguyễn Văn Thính, kết quả bỏ phiếu kín, ông Cử được 5/7 phiếu, ông Thính được 2/7 phiếu.
Sau đó, ông Hậu, ông Cử được ấn định là hai ứng viên chính thức để cử tri bỏ phiếu bầu Trưởng khu. Tại cuộc bỏ phiếu bầu cử, ông Nguyễn Văn Hậu đạt tỷ lệ 92,2% số phiếu, còn ông Nguyễn Xuân Cử đạt 79,94% phiếu bầu.
Tuy vậy, việc thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội nghị bước 3 lại khiến cho ứng cử viên bị loại không “tâm phục khẩu phục”. Trong đơn thư gửi tới báo Pháp luật Việt Nam, họ cho rằng việc ấn định danh sách ứng cử viên như trên đã làm mất tính dân chủ, công bằng, và không có cơ sở pháp lý.
Theo Nguyễn Văn Thính, khoản 3 điều 15 của QĐ 123 không có quy định về việc bỏ phiếu kín, vì vậy Trưởng Ban công tác mặt trận khu Thái Bảo tổ chức bỏ phiếu kín để ấn định danh sách là không đúng với QĐ 123.
Còn ông Nguyễn Văn Khanh thì cho rằng, không có quy định nào về việc bỏ phiếu để ấn định danh sách chính thức, và cũng không có quy định nào nói rằng người được nhiều phiếu hơn thì sẽ trở thành ứng viên chính thức, ít phiếu hơn thì bị loại. “Những lá phiếu này là do đại diện các đoàn thể bỏ phiếu, trong khi tôi được người dân giới thiệu ứng cử từ đầu, nên họ không thể đại diện cho cử tri quyết định danh sách chính thức được”, ông Khanh nói.
Tham khảo ý kiến một số người dân khu Thái Bảo, nhiều người cho rằng nếu đã dân chủ thì cứ để 2 người, vì luật quy định là 1 đến 2 người, tại sao lại phải loại một người. Giả sử cứ để 2 người ra bầu, ai được nhiều phiếu hơn người đó làm. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, vì quy định Hội nghị bước 3 có quyền ấn định danh sách chính thức, nên cần phải có hình thức để ấn định.
Dấu hỏi về năng lực Trưởng khu
Trong khi đó, nhiều cử tri lại bày tỏ lo lắng về năng lực các ứng cử viên được ấn định trong quá trình công tác. Bà Nguyễn Thị Ngợi – Chi phó Chi hội phụ nữ khu Thái Bảo cho biết, trình độ năng lực của ông Nguyễn Xuân Cử còn hạn chế, bảo thủ, khả năng giao tiếp ứng xử với nhân dân chưa tốt.
“Đơn cử như đợt dịch vừa rồi, các cháu về làm từ thiện, thì ông Cử có thái độ không tốt, thể hiện văn hóa ứng xử không phù hợp, chê rau từ thiện của các cháu, lại còn xưng hô mày – tao”, bà Ngợi nói và cho biết không ủng hộ ông Cử làm Trưởng khu.
Ngoài ra, một số người dân khu Thái Bảo cũng phản ánh về việc ông Cử thiếu gương mẫu, vi phạm quy định về trật tự xây dựng như làm bậc thềm trên hệ thống thoát nước, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhưng lại không bị kiểm tra, xử lý khiến nhiều người bức xúc; hay việc buông lỏng quản lý để hộ dân lấn chiếm Đình Thái Bảo nhưng không xử lý được…
Còn tại khu Sơn Trung, đơn thư gửi tới báo Pháp luật Việt Nam cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, do việc buông lỏng quản lý, không bám sát thực tế, và năng lực hạn chế của Trưởng khu nên nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng đã không bị phát hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý kịp thời.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương (hiện là Trưởng Ban công tác mặt trận khu Sơn Trung) đã tự ý xây nhà xưởng trên khu đất giao với diện tích 130m2, tại thửa 44 tờ bản đồ số 27 tại khu Sơn Trung, phường Nam Sơn; hay trường hợp thửa 13&14 tờ bản đồ số 27 là đất lâm nghiệp, có thời hạn sử dụng đến năm 2049, tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chủ đất đã tiến hành san, ủi thành nhiều cấp làm thay đổi hiện trạng thửa đất đào ao, xây tường vây quanh cao 3m và xây chắn cả đường đi của dân.
Chính quyền nói gì?
Tại buổi làm việc với PV báo Pháp luật Việt Nam, UBND phường Nam Sơn cho biết, việc tổ chức bầu cử Trưởng khu được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh. Trả lời về quy trình bỏ phiếu kín tại Hội nghị bước 3, ông Đỗ Thế Anh – Chủ tịch MTTQ phường Nam Sơn khẳng định, đơn vị căn cứ vào quy định tại QĐ 123 để ban hành hướng dẫn tổ chức bầu cử, nhưng không chỉ đạo việc bỏ phiếu kín.
Theo ông Thế Anh, trong QĐ 123, hội nghị bước 3 có nội dung thảo luận, ấn định hai nội dung, thứ nhất là có quyền ấn định về số lượng từ 1 đến 2 người, thứ hai, hội nghị có quyền chốt danh sách chính thức. Tại các cuộc bầu cử ở Nam Sơn có 7 đơn vị chọn hình thức biểu quyết giơ tay, 2 đơn vị chọn hình thức bỏ phiếu kín để ấn định danh sách.
“Theo tôi hiểu, muốn chốt số lượng và chốt danh sách chính thức thì phải có hình thức, nhưng trong này (QĐ 123 của UBND tỉnh Bắc Ninh -PV) lại không ghi hình thức nào cả, nên phải có hình thức để làm. Chính vì vậy, khu Sơn Trung và Thái Bảo chọn hình thức bỏ phiếu kín. Tôi thấy rằng việc này là có cơ sở”, không Thế Anh khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Hoằng – Chủ tịch UBND phường Nam Sơn, trong hội nghị bước 3 này, các đại biểu có quyền đưa ra ý kiến nhận xét. Khi đưa ra ý kiến nhận xét về những khuyết điểm của ứng viên, sau đó lại giơ tay biểu quyết thì không phù hợp, nên việc bỏ phiếu kín là phù hợp nhất. Ngoài ra, việc bỏ phiếu kín cũng không phải là toàn bộ đại biểu đều nhất trí loại ứng viên, trong những người có ý kiến về một cá nhân nào đó trong cuộc họp, nhưng họ vẫn có quyền bỏ phiếu cho người đó, chứ không phải 100% là gạch.
Liên quan đến phản ánh về cách ứng xử của ông Cử - Trưởng khu Thái Bảo, ông Hoằng cho biết có sự việc lời qua tiếng lại và xưng hô mày – tao với đoàn thiện nguyện hỗ trợ thực phẩm cho người dân. Sự việc này xảy ra trong thời điểm cao điểm dịch bệnh, bị quay clip và đưa lên mạng xã hội.
“Thường trực HĐND xã đã họp và mời cấp ủy lên làm việc, xét thấy việc này cần phải chấn chỉnh ngay lập tức. Về mặt pháp lý thì thường trực giao UBND phường tạm dừng công tác của đồng chí Cử trong 15 ngày để làm báo cáo giải trình”, ông Hoằng nói. Ông Hoằng cũng cho biết, xét thấy hành vi của ông Cử không ở mức độ nghiêm trọng, ban thường vụ Đảng ủy xã đã có văn bản kiểm điểm phê bình, sau đó UBND xã đã khôi phục công tác cho ông Cử.
Liên quan đến một số phản ánh về đất đai, xây dựng, trả lời PV, UBND phường Nam Sơn cho biết, thửa đất số 44, tờ bản đồ số 27 tại khu Sơn Trung có diện tích 298m2, thuộc loại đất ở nông thôn. Phần diện tích tăng ngoài giấy chứng nhận mà gia đình bà Phương được cấp sổ có một phần nằm trong quy hoạch đường giao thông, phần còn lại là phù hợp quy hoạch đất ở. Hiện gia đình bà Phương đang có đơn xin hợp thức hóa phần diện tích dôi dư, đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
|
Quyết định số 40/QĐ-XPVP ngày 21/4/2022 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất của UBND TP Bắc Ninh. |
Đối với vụ việc tại thửa 13&14 tờ bản đồ số 27, sau khi PV gửi thông tin đến UBND phường Nam Sơn, cơ quan này đã kiểm tra và lập biên bản đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của ông Đặng Văn Tổng (phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh).
Quyết định số 40/QĐ-XPVP ngày 21/4/2022 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất của UBND TP Bắc Ninh đã chỉ rõ ông Đặng Văn Tổng đã thực hiện 3 hành vi vi phạm hành chính, cụ thể:
Thứ nhất, tự ý chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Diện tích đất chuyển mục đích trái phép khoảng 670m2 tại khu Sơn Trung, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
Thứ hai, tự ý chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Diện tích chuyển mục đích trái phép khoảng 160m2 tại khu Sơn Trung, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
Thứ ba, tự ý san gạt khu đất thành các bậc thang làm thay đổi độ dốc bề mặt đất với diện tích khoảng 2.960m2 tại khu Sơn Trung, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
Tổng mức phạt tiền cho ba hành vi vi phạm trên là 36,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.