Phượt Băng Cốc với VietJetAir

“Săn” vé máy bay giá rẻ, đặt phòng qua Agoda, “ôm” theo Ipad để tìm đường qua Google Maps…Chuyến đi phượt ở Băng Cốc dễ dàng và thú vị hơn hình dung quá nhiều, đến mức, ra tới sân bay để trở về rồi vẫn còn tiếc hùi hụi…

“Săn” vé máy bay giá rẻ, đặt phòng qua Agoda, “ôm” theo Ipad để tìm đường qua Google Maps…Chuyến đi phượt ở Băng Cốc dễ dàng và thú vị hơn hình dung quá nhiều, đến mức, ra tới sân bay để trở về rồi vẫn còn tiếc hùi hụi…

1.Sân bay Tân Sơn Nhất , 10 giờ trưa. Còn gần 2 giờ đồng hồ máy bay cất cánh nhưng quầy thủ tục của VietJetAir vẫn còn kín mít hành khách xếp hàng. Phần lớn là khách đi theo các công ty du lịch nhưng cũng không ít người như chúng tôi, mua được vé khuyến mại và tự lên đường.

Không có sự phân biệt nào giữa loại vé gần 1 triệu đồng/ lượt với loại vé 90 ngàn đồng/ lượt mà chúng tôi “săn “được. Tôi đề nghị cô nhân viên làm thủ tục được ngồi phía đầu máy bay, không gần cửa sổ và ngay lập tức được xếp vào hàng ghế số 9. Một con số đẹp đủ để phấn khích đến độ ngoác miệng cười với tất cả các nhân viên xinh đẹp áo đỏ đang như con thoi cân đong đo đếm đồ đạc của hành khách, bấm máy tính nhanh kỷ lục để đảm bảo người sau không phải chờ đợi quá 2 phút.

a
Phòng chờ ra máy bay tại cửa F, dành cho hành khách của VietJetAir tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi

Chuyến bay cất cánh đúng giờ với nụ cười tươi tắn trên môi các cô tiếp viên trẻ đẹp. Tiết kiệm chi phí cước, hầu như hành khách nào cũng tha lên đủ 7kg xách tay và nhiệm vụ của bạn tiếp viên nam đẹp trai là lần lượt giúp các quý bà, quý cô nâng va ly lên hộp để đồ một cách ân cần, thậm chí là tận tụy. Tiếp viên trưởng thông báo chỉ mất 1 giờ 20 phút máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế lớn nhất Thái Lan ( và cũng là sân bay có nhà ga thuộc hạng lớn nhất thế giới)- sân bay Suvarnabhumi.

Máy bay ổn định độ cao cũng đúng giờ cơm trưa, mùi thức ăn thơm ngào ngạt đánh thức dạ dày đang trống rỗng. Mở thực đơn nào, hoa cả mắt vì nhiều món ăn ngon. Tôi và cô bạn cùng chọn Bad Thái để thưởng thức cùng với lon nước mát lạnh, chỉ có thể nói hai từ: ngon tuyệt. Ăn xong, mơ màng lật hai ba trang báo, ngó nghiêng vài món đồ lưu niệm được bán trên máy bay đã thấy hạ độ cao và cơ trưởng thông báo chuẩn bị hạ cánh. Chưa bao giờ xuất ngoại lại nhẹ nhàng và…êm ái như thế.

2. Trên máy bay, tiếp viên đã phát sẵn cho mỗi người một tờ khai nhập cảnh in hai thứ tiếng: Tiếng Anh và tiếng Thái. Với những người đi Thái lần đầu, tiếp viên chỉ cặn kẽ cách viết tờ khai, không quên dặn dò lối ra dành cho người Châu Á ( trong đó có Việt Nam) là cửa F ( vì nhà ga quá rộng,chỉ đi nhầm cửa là vòng lại mỏi chân). “Nếu không nhớ, chị có thể tìm các bảng điện tử trên đó thông báo số hiệu chuyến bay, cửa ra và cửa lấy hành lý”, cậu tiếp viên trẻ ân cần dặn chúng tôi. Quả là những lời dặn đó không hề thừa.

a
Giá vé máy bay rẻ đã kích thích tiêu dùng đáng kể, lượng khách đổ sang Thái khá đông, chuyến bay nào của VietJetAir cũng kín chỗ

Chúng tôi ngợp trước không gian rộng lớn của nhà ga trong sân bay Suvarnabhumi và chỉ có thể tìm được lối ra bằng cách nhớ lời chỉ dẫn của cậu tiếp viên. Tìm khu vực lấy hành lý cũng thông qua bảng điện tử. Tất cả đều nhanh chóng, thuận tiện và ù một cái chúng tôi đã chạy về trung tâm của Băng Cốc, khu Sukhumvit, một khách sạn 4 sao giá rẻ và căn phòng sang trọng, êm ái chào đón chúng tôi. Nhìn đồng hồ, mới chỉ 2:30 chiều. Không bỏ lỡ thời gian, chúng tôi lên mạng tìm các địa điểm ăn uống, vui chơi và giải trí. Mạng Internet muôn năm! Tất cả những gì cần tìm đều nằm trên đó, chỉ vạch vào bản đồ, lựa chọn phương tiện: đi bộ, đi xe lửa, đi túk túk, đi tắc xi, đi thuyền hay tàu điện trên cao và khởi hành!

3. Cộng đồng mạng khuyến cáo đừng nghe tư vấn của lễ tân hay bảo vệ  khách sạn nhưng tôi nghĩ nói thế cũng tùy khách sạn bạn ở. Tại Majestic, một khách sạn 4 sao nằm ở Sumkhuvit 2 tấp nập, các nhân viên lễ tân, bảo vệ đều hết sức chuyên nghiệp và tận tình. Họ gọi cho chúng tôi taxi, mặc cả hộ giá và nói lại để chúng tôi không bị lừa. Cô nhân viên lễ tân còn ân cần tìm cho chúng tôi một nhà hàng Thái chính tông rất nổi tiếng trên mạng mà cô bảo chúng tôi chỉ cần đi bộ là đến.

Thời tiết tháng 3 tại Băng Cốc khá mát mẻ, nhiều gió. Chúng tôi đi bộ từ Sumkhuvit 2 lên Sumkhuvit 12 để vào nhà hàng có cái tên gây tò mò: Cabbages & Condoms (bắp cải và bao cao su). Nhà hàng ngập tràn condom từ cổng chào, trên tường, đèn bàn cho tới trang phục của nhân viên. Chúng tôi ngồi ăn các món ăn Thái chính tông, nhấm nháp bia Thái, trà Thái trong không gian mát mẻ của Băng Cốc đầu hè, những chiếc đèn được trang trí bằng condom đung đưa ngộ nghĩnh.

a
Bạn có thể tùy chọn size của mình tại Cabbages & Condoms

Lúc tính tiền, một ông già chừng 60 tuổi hóm hỉnh đưa hóa đơn cùng 4 chiếc condom loại của Thái sản xuất. Tất cả đều phá lên cười, kỳ lạ là chúng tôi không thấy xấu hổ, ngược lại, thấy hài hước nhiều hơn.

Đêm đầu tiên ở Băng Cốc trôi đi trong tiếng cười khi cả hội khoác tay nhau hòa vào dòng người ngược xuôi trên đại lộ Sukhumvit. Lắng nghe trái tim Băng Cốc đập rộn rã trong ánh đèn màu nhấp nháy, trong tiếng gầm rú của các loại động cơ và tiếng nhạc từ các quán bar ngoài trời.

Thỉnh thoảng, âm thanh ấy cũng bị thắt lại bởi hình ảnh những đứa bé bị cho ngủ mê mệt trên vỉa hè bên cạnh là những chiếc hộp sắt để người qua đường thả vào tiền xu, tiền giấy. Chúng còn nhỏ lắm, đứa khoảng 2 tuổi, đứa ít hơn và đứa nào cũng đen nhẻm, gày gò, miệng chúng nhai nhóp nhép khi đang ngủ, rõ ràng chúng rất đói…

4. Chúng tôi thức dậy từ 6 giờ sáng, Băng Cốc vẫn còn say ngủ sau một đêm mệt nhoài, người ta bảo đêm nào Băng Cốc cũng mệt nhoài như thế để chiều lòng khách du lịch. Và khách du lịch không ngừng móc những đồng xu cuối cùng cho những thú vui rất Băng Cốc ấy. Hôm nay chúng tôi sẽ đi  chợ của người bản địa, chợ nổi Damnern Saduak. Đó là một dòng sông nhỏ, hai bên bờ người dân bản địa sinh sống tấp nập, cảnh không khác vùng Cần Thơ của Việt Nam là mấy, cũng kênh rạch chạy ngang cửa nhà, cây cối, hoa trái hai bên xanh tươi, trĩu quả.

Phải công nhận bạn làm du lịch quá giỏi, chợ Damnern Saduak họp ở một khúc sông, hai bên đầy ắp hàng hóa, từ những món đồ chỉ vài baht /món đến những trang sức bạc đắt tiền. Còn du khách thì chết mê chết mệt, hết sà vào hàng này đến ngó nghiêng hàng nọ, ăn bánh dừa nóng nướng trên thuyền và uống nước dừa tươi.

Tha thẩn ở chợ Damnern Saduak đến trưa thì chúng tôi về khu du lịch Sampran nằm bên sông thuộc Nakorn Pathom để ăn bữa trưa. Một nhà hàng tuyệt đẹp với sông nước và những cây cổ thụ đầy hoa phong lan bám trên cành. Sau bữa trưa ngon miệng, chúng tôi thưởng thức một chương trình nghệ thuật miễn phí với những tiết mục giới thiệu toàn bộ đời sống văn hóa của người dân Thái Lan.

a
Nụ cười VietJetAir trên sân bay Suvarnabhumi

Khoảng 3 giờ chiều, xe lên đường về lại Băng Cốc, ghé qua những ngôi chùa nổi tiếng trong ánh chiều loang loáng trên những tán cây nở đầy hoa rực rỡ, chẳng biết hoa gì những thỉnh thoảng lại đáp nhẹ xuống vai người đi bộ, khiến cho không gian tràn ngập sự thanh tịnh, mơ màng.

Buổi tối thứ hai ở Băng Cốc, chúng tôi dạo quanh những khu vực ăn chơi nổi tiếng là Nana Plaza và khu Patong. Một thế giới khác lạ mở ra với những show diễn trần trụi đến khiếp đảm ( với cách suy nghĩ của người Việt như chúng tôi thì gọi tên như thế mới chính xác). Những con phố khu Patong cứ bước chân vào là có người bám theo, chìa ra một cuốn catalog cáu bẩn trên đó ghi đủ các show diễn dành cho phụ nữ, đàn ông và dân đồng tính. Giá đắt nhất khoảng 500 baht/ người và rẻ nhất chỉ có 100 baht ( 70 ngàn tiền Việt). Những con phố không ngủ với bóng các cô gái vật vờ khiến cho đường về khách sạn của chúng tôi bỗng dưng trầm đi, hệt như khi gặp cảnh những đứa trẻ bị cho ngủ li bì trên khu phố Sukumvit…

5. Chúng tôi dành hoàn toàn ngày thứ 3 ở Băng Cốc cho việc mua sắm. Quá nhiều trung tâm mua sắm để chúng tôi tha thẩn, lựa những món đồ độc mà mình thích, những món đồ ở Việt Nam chưa có hoặc giá quá đắt vì thuế cao. Buổi trưa dừng ăn ở trung tâm thương mại MBK, có món mì Nhật ngon tuyệt, lại quá rẻ. Sau đó lượn sang Siam Pragon và kết thúc chuyến mua sắm bằng một bữa lẩu tươi ở tầng hầm của khu thương mại khổng lồ này. Sau đó trở về khách sạn bằng xe Túc túc, gió thổi bay những nụ cười mãn nguyện cho dù túi tiền đã nhẹ xọm đi so với lúc khởi hành.

6. Chuyến bay trở về TP Hồ Chí Minh khởi hành lúc 2:30 chiều, quản lý khách sạn nhắc chúng tôi nên đi sớm vì đường Băng Cốc kẹt xe khá trầm trọng. Ông còn cẩn thận xem vé của chúng tôi để dặn ta xi trả khách đúng sân bay. Nhìn tấm vé có dòng chữ VietJetAir đỏ thắm, ông gật gù một cách tâm đắc và nói: New Airlines, good! ( Hãng hàng không mới, rất tốt) và nói với vào xe với tài xế : Suvarnabhumi Airport.

Xe lăn bánh, để lại những tán lá nhảy nhót trong nắng như nhắc chúng tôi: vẫn còn nhiều nơi của Băng Cốc chưa được khám phá. Chắc chắn sẽ còn phải khám phá thành phố này, mà có khó gì đâu nhỉ, với đường bay mới của VietJetAir, với giá vé trung bình chưa tới 1 triệu đồng/ lượt, lại thường xuyên có khuyến mại. Với mạng đặt phòng trực tuyến Agoda có xuất xứ từ Thái Lan và Google map, việc phượt Băng Cốc mỗi cuối tuần chỉ là… chuyện nhỏ…

Băng Cốc tháng 3/ 2013

Anh Phương

Đọc thêm