QLTT Nghệ An có bất thường trong vụ phân NPK cứng như gạch?

(PLO) - Chủ lô hàng phân bón “Mặt Trời” đã thừa nhận hàng trăm tấn phân mới cung ứng cho người dân Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn (Nghệ An) là phân bón giả… Nhưng lạ thay, Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An không những thông báo kịp thời để nông dân tránh hàng “dỏm“ mà còn có một số động thái bất thường “nghiêng“ về phía doanh nghiệp.

Quản lý lỏng lẻo, hàng giả tung hoành

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, Công ty Mía đường Nghệ An (Nasu) đóng tại Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An là đơn vị đứng ra cung ứng phân theo hợp đồng cho các hộ dân trồng mía. Với phương thức này, vào đầu mỗi vụ, công ty sẽ bán nợ phân cho các hộ dân, đến mùa thu hoạch, nhà máy sẽ khấu trừ vào sản phẩm do người dân bán cho nhà máy. 

Theo đó, Nasu phải chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng phân bón đúng theo hàm lượng được công bố trên bao bì và trong hợp đồng. Nhưng theo phản ánh, không ít lần nông hộ lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở” vì mua phải phân bón giả.

Ngày 4/3, Đội Quản lý thị trường số 6, thuộc Chi cục QLTT Nghệ An phối hợp với Công an xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón của ông Phan Bá Duy tại xóm Tân Phong, xã Nghĩa Thắng và đã phát hiện lô hàng 1.325kg (53 bao loại 25kg/bao) phân bón NPK Mặt Trời 10-5-15 TE dùng bón cho cây mía, do Công ty CP Dịch Vụ  nông nghiệp AGRIPRO  sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo, nghi phân bón kém chất lượng.

Ngày 14/3 khi có kết quả kiểm định là phân bón giả thì Đội QLTT số 6 không thông báo ngay cho chính quyền địa phương, hộ dân trồng mía để tạm ngưng sử dụng, với lý do chờ phản hồi từ phía công ty sản xuất và đơn vị cung ứng.

Điều đáng nói, khi đã có kết quả lô hàng giả phóng viên đề nghị cung cấp kết quả kiểm định để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, thì cơ quan này cũng từ chối cung cấp và lặng lẽ phạt người bán phân cho các hộ dân là ông Nguyễn Bá Duy?

Được biết, đến ngày 7/4 Đội QLTT số 6 mới có thông báo gửi UBND thị xã Thái Hoà, UBND huyện Nghĩa Đàn với thông tin lô hàng trên là phân bón giả.

Vì sao QLTT gấp gáp tiêu hủy tang vật?

Phân bón do Nasu cung ứng cho nông dân tại huyện Quế Phong sau khi nhận được phản ánh về vấn đề chất lượng từ phía người dân, chính quyền huyện này đã khuyến cáo kịp thời tới bà con nông dân. Đồng thời, báo cho Chi cục QLTT Nghệ An về tình trạng trên, nhưng sau gần một tháng kể từ khi nhận được thông báo, QLTT vẫn không lấy mẫu kiểm tra mà cho rằng: Theo quy định phải có đề nghị từ phía chính quyền huyện Quế Phong bằng văn bản đơn vị mới có thể lấy mẫu kiểm tra.

Ngày 14/4, Chi cục QLTT Nghệ An chính thức thông tin về kết quả kiểm định của các trung tâm kiểm định về thành phần hàm lượng các chất trong phân bón. Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An kiêm Chi cục trưởng QLTT Nghệ An cho biết: “Số phân bón NPK mà Đội QLTT số 4 và số 6 phát hiện có 12,5 tấn tại Quỳnh Lưu và 1,3 tấn tại Nghĩa Đàn mang nhãn hiệu Mặt Trời sản xuất ngày 18/1/2016 của Công ty AGRIPRO có trụ sở tại Hà Nội, Nhà máy sản xuất tại Hải Dương. Trong đó đã cung ứng cho nông dân huyện Nghĩa Đàn 70 tấn và 30 tấn ở huyện Quỳnh Lưu. Còn số phân bón do Công ty Nhật Long có trụ sở tại Thanh Hoá cung ứng ở huyện Quế Phong là phân bón kém chất lượng.”

Cũng theo ông Ninh, cơ quan QLTT đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt đơn vị cung ứng là NASU 160 triệu đồng và một số hình phạt bổ sung khác.

Theo tài liệu từ phía Công ty Nasu cung cấp cho Báo Pháp Luật Việt Nam thì doanh nghiệp này đã đặt hàng Công ty AGRIPRO và Công ty Nhật Long loại phân NPK tỷ lệ 5 - 10 - 15 giá 4.600.000 đồng/ tấn bán lại cho người dân 5.500.000 đồng/ tấn. Thật không hiểu vì lẽ gì khi phát hiện sự việc phân bón giả mà lực lượng QLTT đã không chủ động công bố rộng rãi để người dân phòng ngừa.

Thậm chí, khi Đội QLTT số 6 bắt giữ lô phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời lẽ ra phải thông báo rộng rãi để tránh thiệt hại cho người nông dân khi biết đây là lô hàng giả và bàn giao số tang vật này cho cơ quan điều tra mở rộng vụ án, thì đơn vị này lại tổ chức tiêu hủy toàn bộ số phân bón giả nói trên!?

Trả lời câu hỏi về hướng xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, cung ứng phân bón giả, kém chất lượng, Chi cục trưởng QLTT Nghệ An nói: “Những vụ phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại ở mức từ 30 triệu đồng trở lên nếu là cá nhân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn việc cung cấp, kinh doanh phân bón giả lần này lại do NASU thực hiện, luật chưa có quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân này. Vì vậy, chúng tôi thống nhất chỉ đề xuất phạt hành chính, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự”!