Nói về sự quá tải của ngành đường sắt mỗi dịp Tết đến, Phó Trưởng Ban Kinh doanh - Vận tải (TCty ĐSVN) Phạm Kim Dung thẳng thắn nhận định đó là một "căn bệnh" cố hữu, biết trước, lường trước, nhưng để "chữa trị" thì lực bất tòng tâm. Người dân cứ năm này đến năm khác thấp thỏm với nỗi lo không mua được vé tàu về quê.
Bà Phạm Kim Dung. |
- Cao điểm Tết năm nay, nhu cầu đi lại của hành khách biến động như thế nào, thưa bà?
- Nhu cầu đi lại của hành khách những năm gần đây ngày càng cao hơn do việc phân bổ các vùng kinh tế tập trung nhiều ở các tỉnh phía phía Nam nên nhu cầu đi tàu về Tết của những người lao động từ phía phía Nam ra trước Tết và từ Bắc vào sau Tết luôn tăng cao. Trong công tác dự báo, chúng tôi thường có kế hoạch dài hạn 5 năm và từng năm một cụ thể. Cụ thể, năm nay, chúng tôi đã dự báo lượng hành khách đi tàu tăng từ 3% -5%/.
- Dự báo được nhu cầu, nhưng vì sao năm nào ngành ĐS cũng đối mặt với sự quá tải?
- Ngành ĐS nhìn thấy được nhưng nói thực là ‘lực bất tòng tâm”. Phải thừa nhận là cung không đáp ứng được cầu; vì vậy, chúng tôi phải nghĩ ra rất nhiều cách để khắc phục, giảm bớt sự phàn nà của người dân, như: bán vé ở ga, đại lý, trên mạng, tin nhắn hoặc là các dịch vụ bán vé qua điện thoại. Hay như năm nay chúng tôi tổ chức chạy phục vụ Tết 13 đôi tàu tức là gấp 2,5 lần so với ngày thường, chưa kể tàu địa phương đi các chặng ngắn.
Tàu hàng cũng bỏ gần hết hết để tập trung chạy tàu khách. Nhưng vì lượng khách ở Sài Gòn ra không dài ngày mà chỉ tập trung dồn vào 1 tuần trong các ngày từ ngày 22 tháng chạp đến 28 tháng chạp, nên số người cần về thì nhiều, vé thì ít, gây nên tình trạng căng thẳng như đã thấy.
Người dân phải vạ vật, ngủ đêm ở Ga Sài Gòn để được mua vé tàu hôm 20/12/20112. |
Mặt khác, toàn bộ cơ sở hạ tầng ĐS không phải do ngành đường sắt xây dựng mà do nhà nước đầu tư. Ngành ĐS khai thác cơ sở hạ tầng đó nhưng lại phải trả phí hạ tầng cho nhà nước. Bất cập lớn nhất hiện nay là ĐS vẫn dùng đường từ thời Pháp để lại, đường đơn nên hạn chế tốc độ chạy tàu, dù đã khai thác tối đa.
Muốn có thay đổi căn bản, theo tôi chỉ có thể đầu tư cơ sở hạ tầng, ví dụ như làm đường đôi để tăng tối đa năng lực vận chuyển, kể cả chở khách và hàng và chi phí sẽ giảm đi rất nhiều vì không phải chờ dừng ở ga để đợi và tránh nhau. Với hệ thống đường ray hiện tại nếu có đầu tư thêm toa xe, đầu máy… thì cũng không thể khác hơn.
“Một đầu máy hiện kéo 14 toa xe. Thực tế có thể kéo lên 20 toa để tăng lượng khách/chuyến, nhưng hạ tầng không cho phép vì đường dừng ở các ga không đáp ứng. Đoạn Hà Nội - Đà Nẵng có thể tải được 35 tấn, nhưng Đà Nẵng - Sài Gòn thì chỉ xếp được 31 tấn do tải trọng cầu yếu. Nếu đóng đủ toa xe phục vụ Tết thì số toa đó sẽ phải xếp kho cả 1 năm sau vì lúc thấp điểm không dùng hết. Trong khi tiền đóng 1 toa tốn chừng 5- 6 tỷ đồng. Dù phục vụ nhưng ngành không thể không tính đến chuyện lỗ, lãi”, bà Phạm Thị Kim Dung, Phó Trưởng Ban Kinh doanh - Vận tải. |
Tôi ví dụ, hiện tại tối đa mỗi đoàn tàu chỉ kéo được 14 toa xe khách nhưng nếu có kéo đến 20 toa - lượng khách sẽ tăng lên, nhưng hạ tầng không cho phép vì đường dừng, đỗ tại các ga chỉ mức độ, không đáp ứng được.
Hoặc tàu từ Hà Nội - Đà Nẵng có thể tải được tối đa 35 tấn, nhưng Đà Nẵng vào Sài Gòn chỉ xếp được 31 tấn do khả năng chịu tải trọng của các cầu khác nhau...
Nhiều người nói đóng đủ toa xe để phục vụ nhu cầu Tết thì tất cả toa xe đó sẽ phải xếp kho cả 1 năm trời vì ngày thường không cần đến. Mà chi phí đóng 1 toa ngốn chừng 5 đến 6 tỷ đồng.
- Người dân rất muốn biết những năm tới, ĐSVN có những giải pháp gì để cải thiện tình hình, thưa bà?
Các biện pháp nghiệp vụ tốt cũng chỉ làm tăng năng lực so với năm trước một chút mà thôi chứ nó không thể thay đổi một cách căn bản được thực trạng đã kéo dài nhiều năm. Dự kiến, khoảng đầu tháng 4/2013 sẽ có một sự kiện mới, đó là việc rút ngắn hành trình chạy tàu khách Hà Nội- Sài Gòn từ 29 giờ xuống 28 giờ.
Tuy nhiên, hành trình rút ngắn xuống 1 giờ đồng hồ cũng không ăn thua gì vì năng lực vận tải vẫn không thay đổi, chỉ là tăng tốc độ chạy tàu, thời gian tác nghiệp đỡ căng thẳng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách mà thôi.
Trong Chiến lược phát triển ĐS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ có chú trọng đến các dự án ĐS như làm tuyến Hải Phòng - Lào Cai, Lạng Sơn - Hà Nội nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được mấy. Ngành cũng đang chờ trình Quốc hội xem xét dự án ĐS cao tốc.
Tóm lại, như đã nêu, việc thay đổi căn bản phải chờ chính sách đầu tư của nhà nước chứ ngành ĐS tự mình không thể thay đổi hạ tầng. Mà điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cân đối chung của ngân sách vì đầu tư vào đường sắt nhiều tiền lắm.
- Cảm ơn bà.
T.A - T.Q