'Quái thú' và nước giẻ lau

(PLO) - Một tuần vừa khép lại với các việc diễn ra kỳ lạ, hoang đường, khó hình dung với suy nghĩ thông thường như “quái thú” du hành trên quốc lộ từ Đắk Lắk tới Hà Nội mà không một Cảnh sát giao thông nào phát hiện ra, hoặc, cô giáo phạt học sinh bắt uống (súc miệng) bằng nước giẻ lau bảng.
'Quái thú' và nước giẻ lau

Vụ chở cây quá tải, quá khổ băng băng trên đường đã tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận rằng dứt khoát phải có một thế lực nào đó “chống lưng” thì mới có thể thực hiện được việc đó. Báo chí lần ra người chủ cây là một vị tướng Công an đã về hưu nhưng ông này phủ nhận cây đó không phải của mình.

Chi tiết thú vị là từ đó, người ta phát hiện ông đang xây dựng một cái đền không phép tại quê giá trị chừng vài chục tỷ đồng. Rồi người chủ cây cũng xuất hiện tại cơ quan chức năng và xuất trình hồ sơ hợp lệ cho biết cây này mọc trong vườn dân, mọi việc mua bán, di dời đều diễn ra “đúng quy trình”, “đảm bảo các thủ tục”.

Còn vì sao mà Cảnh sát giao thông “không nhìn thấy” “quái thú” di chuyển là do nó thường đi vào đêm tối và lại vào đúng thời điểm các cán bộ, chiến sỹ đang tập trung cho kỳ Đại hội “Khỏe Vì an ninh Tổ quốc”!.

Ngành giáo dục tiếp nối sự việc “cô giáo quỳ” tai tiếng (có 2 phiên bản) bằng việc cô giáo dùng hình thức phạt học sinh bằng cách uống nước vắt từ giẻ lau. Cái thứ nước “giẻ vắt” này đã làm dư luận phẫn nộ và kinh hoàng. Cô giáo này xuất thân từ gia đình gia giáo, mẹ cô là Phó trưởng phòng giáo dục, bố chồng là bí thư Đảng ủy xã, tuy nhiên, truyền thống gia đình không cứu vãn được gì, cô bị chấm dứt hợp đồng ngay lập tức.

Trước đó, Hiệu trưởng của trường “cô giáo quỳ” đã bị cách chức, không biết Hiệu trưởng của cô này có bị hề hấn gì không? Vẫn là ngành Giáo dục, cô giáo Toán “câm lặng” suốt 3 tháng trên bục giảng ở TP. Hồ Chí Minh bị coi đó là hành vi “bạo lực học đường” và hẳn cũng phải nhận một hình thức xử lý gì đó. Còn nữ sinh đã dũng cảm “tố cáo” chuyện này đã được tạo điều kiện để nhanh chóng chuyển trường dẫu năm học sắp kết thúc.

Có thể coi đây là thất bại của giáo dục và cũng là thân phận chung của những người dám nói lên sự thật. Cũng đáng lưu ý là những hành vi “bạo hành” của các cô giáo khiến người ta nghĩ về sự đào tạo của các trường sư phạm và quy trách nhiệm cho các trường này về các “sản phẩm lỗi” đó.

Có lẽ, việc quy trách nhiệm này là đã đi quá xa vấn đề, thế tất cả các Cảnh sát giao thông đều không thấy “quái thú” băng băng trên đường cũng là “sản phẩm lỗi” của các trường đào tạo cảnh sát hay sao? Vấn đề hôm nay chính là phải giải đáp được câu hỏi này, tìm ra căn nguyên thì mới hạn chế được các vụ việc “kỳ lạ và hoang đường”!