Hồn vía Tây Nguyên
Nhìn từ bên ngoài, quán cà phê hút mắt bởi một màu xanh mướt của cỏ cây hoa lá bao phủ ngôi nhà sàn hai tầng thiết kế theo kiểu nhà rông. Lại gần quan sát, chúng tôi khá bất ngờ bởi nét độc đáo có lẽ độc nhất vô nhị nơi đây.
Ẩn hiện trong tán lá rậm rì là những bức tượng, những khuôn mặt bằng gỗ, bằng sắt với đủ mọi sắc thái cảm xúc. Có cảm giác giống như mình đã vô tình đi lạc vào một khu nhà mồ nào đó của người dân tộc Bana.
Được biết, theo quan niệm của người Bana thì cái chết không phải sự kết thúc mà nó là khởi đầu cho một cuộc sống mới ở thế giới vĩnh hằng.
Vì vậy, người chết khi vể với Yàng (tức Trời - PV) vẫn sẽ tiếp tục lao động, sinh hoạt… như khi còn trên dương thế. Đó là nguyên nhân người Ba Na sẽ dựng lên nhà mồ với gần như đầy đủ các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, hạt giống, cây trồng… cho người thân của mình mỗi khi họ qua đời.
Xung quanh, những ngôi nhà mồ luôn có những bức tượng với những hình thù cổ quái xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy” của bà con. Bà con sợ người thân của mình ở thế giới bên kia sẽ bị cô đơn nên đã dựng lên những bức tượng hình người với đủ mọi trạng thái từ hỷ - nộ - ái - ố với mong muốn những bức tượng sẽ thay mình trò chuyện, chăm sóc và bảo vệ cho người thân đã khuất. Ngoài ra, tượng là mồ còn là cầu nối tâm linh giữa người chết với những thành viên trong gia đình, dòng họ.
Nếu coi mô hình nhà mồ của người Bana là điểm nhấn, thì đến quán cà phê Eva ta còn gặp nhiều nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Đó là những cồng, chiêng, đàn tơ-nưng, là những bộ bàn ghế đơn sơ mộc mạc bên ly cà phê bốc khói…
Đặc biệt đó còn là bếp lửa đun bằng củi với những nồi niêu, mâm đồng, vật dụng cổ xưa, làm cho ta nhớ tới mẹ, tới chị, nhớ những ngày thơ bé xúm xít sum họp bên gia đình trong bữa cơm chiều… Khách đến quán nhâm nhi hương vị đậm đà của cà phê cao nguyên, đắm mình trong một không gian văn hóa ấm cúng của người Bana là một trải nghiệm đáng nhớ.
Tình yêu không gian văn hóa Tây Nguyên của ông chủ quán
Được biết, ý tưởng xây dựng quán cà phê mang đậm không gian văn hóa Tây Nguyên là ông Nguyễn Ngọc Ẩn (61 tuổi). Vợ chồng ông Ẩn bắt tay vào xây dựng quán cà phê từ năm 1994.
Vốn là một người công tác trong lĩnh vực nghệ thuật nên chính cái vẻ tưởng chừng như mộc mạc, thô cằn của người Tây Nguyên lại làm cho trái tim người nghệ sĩ như ông cảm thấy yêu mến, say đắm. Chính điều này đã thúc giục ông muốn làm một cái gì đó để góp phần gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp tâm hồn của người Tây Nguyên.
Gian bếp đơn sơ, ấp cúng của người Ba Na. |
Thời gian đầu gia đình, ý tưởng làm quán cà phê mang không gian văn hóa đại ngàn của ông Ẩn bị mọi người can ngăn, chê là “gàn dở”. Bởi người ta đến quán cà phê người ta ngắm cảnh và thư giãn, sau này giới trẻ đến để “check-in” sống ảo chứ chẳng ai ngược đời đến quán cà phê nhà mồ của người chết. Nhưng với quyết tâm của bản thân, sự động viên của người bạn đời và đặc biệt là tình yêu với cái đẹp độc đáo với những bức tượng nhà mồ nên ông đã quyết tâm làm.
Trong giai đoạn đầu tiên ông Ẩn phải tự mình vào các buôn, làng lựa chọn những khúc cây, khúc gỗ sao cho phù hợp với dáng những bức tượng cần chế tác. Sau đó, ông cũng tự mình vẽ mẫu rồi thuê người về đục.
Tuy nhiên, hầu hết những bức tượng được chế tác đều không vừa ý vị chủ quán. Vì theo ông, hầu hết những thợ ông thuê đục đều không làm nổi bật được cái hồn mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm vào tác phẩm. Mặc dù, thoạt nhìn có thể bức tượng đó rất đẹp và trơn tru nhưng cái ông Ẩn muốn chính là diễn tả cảm xúc bên trong, cũng chính văn hóa bao đời nay của người dân Tây Nguyên.
Những gương mặt tượng gỗ mang đủ hỉ, ái, ố, nộ của nhân gian. |
Chính vì vậy, sau đó ông phải tự tay mình chế tác hoặc cùng với những người học trò có cùng tâm huyết với mình nghiên cứu tỉ mỉ để tạo ra những tác phẩm được mệnh danh là “Nơi lưu giữ cái hồn của người Tây Nguyên” như hiện tại.
Ban đầu, khi hình thành ý tưởng xây dựng quán cà phê theo phong cách nhà mồ của người đồng bào, ông Ẩn chỉ nghĩ đây là một không gian riêng của bản thân và một số người bạn thân. Cũng là nơi để ông lưu giữ những giá trị văn hóa của người Tây Nguyên đang ngày càng bị mai một theo sự phát triển của kinh tế, xã hội hiện đại.
Thế nhưng, vượt quá sự mong đợi, ý tưởng tưởng như “gàn dở” của ông dần dần lại trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Từ người hiếu kỳ, hay những người hiểu biết về nghệ thuật một lần đã đến với không gian của “Eva coffee” đều cảm thấy rất yêu thích và cho rằng đây là một trong những quán cà phê độc đáo nhất nhì Tây Nguyên. Trên nhiều trang mạng, “Eva coffee” trở thành từ khóa quen thuộc, được mọi người bình chọn là địa điểm du lịch đáng đến nhất mỗi khi đặt chân đến Kon Tum…