Quán cơm ấm tình người
Người dân sống trên mảnh đất Cố đô không ai là không biết đến Quán cơm 5.000 đồng “Hạt gạo từ tâm” tại địa chỉ số 22 đường Mang Cá, phường Thuận Lộc, TP.Huế do chàng thanh niên trẻ Ngô Quý Nho - Chủ nhiệm Hội từ thiện HFB mở ra, với mong muốn giúp đỡ những người lao động nghèo khó.
|
Quán cơm "Hạt gạo từ tâm" 5.000 đồng nằm số 22, đường Mang Cá, TP.Huế |
Chưa đến 11h mà khách đã xếp hàng dài để đợi mua phiếu ăn. Mặc trời mưa hay giữa mùa hè nắng nóng, những người lao động nghèo vẫn tìm đến đây, chờ những suất cơm "nhân ái" này.
Họ là cậu bé mới chừng lớp 4, lớp 5 phải đi bán vé số mưu sinh đến bác đạp xích lô mồ hôi thấm lẫn nước mưa ướt áo, rồi đến cả những cụ già lọm khọm, yếu ớt vẫn phải kiếm sống. Quán cơm 5.000 đồng "Hạt gạo từ tâm" đã giúp họ san sẻ một phần nào vất vả trong cuộc sống, biến họ thành những vị khách quen thuộc...
|
Những người lao động nghèo đứng xếp hàng đợi lấy phiếu ăn |
Trung bình mỗi tháng, quán cơm hỗ trợ hơn 4.000 suất cơm cho người lao động và cả những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Huế.
Dù chỉ 5.000 đồng nhưng mỗi suất ăn đều đảm bảo đủ dinh dưỡng.
|
Suất cơm chỉ 5000 đồng cho người lao động nghèo trong mỗi bữa ăn rất ngon và đầy đủ dinh dưỡng |
Ngoài những bát cơm ngon, bổ, rẻ thì quán cơm còn tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo khác: tổ chức gian hàng 2.000 đồng với áo quần, đồ dùng cho người nghèo; Ngày hạnh phúc vào mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng với cơm chay 2.000 đồng/1 suất; Ngày vui vẻ 1 tháng/lần với món ăn 3 miền cho người nghèo; Mỳ gói 1000 đồng/1 suất vào mồng 1 và 15 dương lịch hàng tháng.
Quán cơm cũng mở ra các dịch vụ như cắt tóc, sửa xe đạp miễn phí...
|
Anh Ngô Qúy Nho-Chủ nhiệm Hội từ thiện HFB (đứng thứ hai từ phải sang) cùng với các tình nguyện viên trong Hội |
Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Xuân (54 tuổi, làm nghề bán vé số), là khách hàng thân thuộc của quán cơm xã hội xúc động: “Ngày đêm phải lặn lội kiếm sống mưu sinh, nghề bán vé số của tôi hôm nào bán được thì bớt lo, những ngày bán không được tờ nào thì chỉ dám lót dạ cho qua bữa, còn không là nhịn đến ngày mai, chứ tiền đâu ra mà ăn cho được nhiều. Nhưng từ khi có quán cơm xã hội 5.000 đồng, chúng tôi không phải lo đói, cơm ngon lại rẻ, các bạn tình nguyện viên ở đây phục vụ chúng tôi vô cùng chu đáo. Tôi biết ơn họ rất nhiều”.
Ngôi nhà thân thương của người nghèo Huế
"Hạt gạo từ tâm 5000 đồng" hoạt động nhờ sự chung sức của các bạn trẻ trong Hội từ thiện “Hearts for bridging (HFB) - Kết nối những trái tim”.
Có thể mở được quán cơm xã hội, anh Nho đã tự đi tìm hiểu các quán cơm xã hội khác từ TP.Huế, Đà Nẵng rồi vào tận TP.HCM để xem cách tổ chức thực hiện, cách lựa chọn địa điểm và cả việc chọn thức ăn sao cho đảm bảo nhất, đều được anh tìm hiểu rất kĩ. Đặc biệt, tại vị trí của quán là nơi tập kết nhiều khu lượm ve chai, có nhiều lao động nghèo và gần trường đại học, nên việc mở quán cơm xã hội tại địa điểm này đã được anh và ban chủ nhiệm Hội nghiên cứu và tìm hiểu kĩ càng.
Chủ nhiệm Hội từ thiện HFB Ngô Quý Nho chia sẻ: “Trên đời này không phải ai cũng sung sướng, mà mỗi người sinh ra đều có một số phận riêng. Hình ảnh những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 7 đã bị bắt đi kiếm sống, những cô nhặt ve chai chở từng đồ cồng kềnh trên chiếc xe đạp cũ kĩ dưới cái nắng, bác đạp xích lô mồ hôi chảy nhễ nhại... khiến tôi không khỏi xót xa. Mong muốn của tôi từ lâu là mở ra một quán cơm xã hội và ý chí đó đã thôi thúc tôi thực hiện để giúp đỡ phần nào sự khó khăn, vất vả của người lao động nghèo”.
Tháng 4/2016, quán cơm "Hạt gạo từ tâm 5000 đồng" của Hội từ thiện HFB ra đời trong nước mắt xen lẫn niềm vui của anh Ngô Quý Nho và các bạn trẻ đồng hành.
Lúc đầu, thời gian mở quán cơm chỉ 3 buổi/tuần, cho đến bây giờ, nhờ vào sự giúp đỡ, san sẻ phần nào của các tổ chức, cá nhân, quán đã mở rộng thời gian từ 11h đến 12h30 các ngày trong tuần, trừ ngày Chủ nhật.
Để đạt được những thành quả đó là cả một sự cố gắng của Hội, quán cơm bây giờ được rất nhiều người biết đến, đặc biệt là người lao động và sinh viên nghèo.
Nhiều sinh viên trẻ tuổi đã tình nguyện đến đây chung sức để phục vụ người lao động. Tính đến nay, Hội từ thiện HFB có khoảng 150 tình nguyện viên, là sinh viên đang sinh sống và học tập ở các trường Đại học trên địa bàn TP.Huế. “Với những người làm quán cơm thiện nguyện như chúng tôi, hạnh phúc nhất là được mọi người tin yêu, được ủng hộ và giúp san sẻ phần nào khó khăn của người lao động nghèo, đó là tất cả niềm vui của chúng tôi muốn đem đến cho họ, họ vui thì chúng tôi vui”, anh Nho cho biết thêm.
Nếu chưa kể đến các hoạt động thiện nguyện xã hội khác thì riêng chi phí cho quán cơm cũng lên đến gần 30 triệu đồng/tháng. Quán cơm được duy trì nhờ các thành viên trụ cột trong Hội trích lương đóng góp và sự hảo tâm tấm của các mạnh thường quân...
Anh Nho mong muốn: “Sẽ giúp đỡ thật nhiều nữa những mảnh đời khó khăn, nhưng hiện tại bây giờ kinh phí của Hội còn hạn hẹp, việc thực hiện được điều đó là cả một quá trình dài, tôi chỉ mong muốn mở thêm nhiều quán cơm xã hội 5.000 đồng không chỉ bờ bắc mà cả bờ nam TP.Huế”.