Ở đâu khó khăn, ở đó có “Bộ đội Cụ Hồ”
Ngay sau khi có mặt tại TP HCM, hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã triển khai lực lượng tại nhiều quận, huyện: Quận 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè... hỗ trợ các tuyến kiểm soát dịch bệnh COVID-19, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động di chuyển trên các tuyến đường ở vùng ven và ngoại thành.
Theo UBND TP HCM, từ 0 giờ ngày 23/8 đến ngày 15/9, trên 58.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực tiến hành thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ địa phương trong công tác chống dịch như: Thành lập Tổ y tế cơ động làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, tiêm vắc xin, tư vấn hỗ trợ điều trị F0 tại nhà; tổ chức tuần tra, chốt chặn tại 12 chốt kiểm soát cấp thành phố và 251 chốt, trạm cấp quận, huyện; đồng thời thực hiện công tác hỗ trợ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân, kết hợp tuyên truyền đến từng hộ dân để người dân chấp hành “ai ở đâu ở yên đó”, không ra khỏi nhà.
Còn gần 1.400 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 302 được Quân khu 7 phân bổ về các quận: 4, 5, 6, 7, 10 và huyện Nhà Bè để hỗ trợ việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc điều trị đến từng người dân trên địa bàn. Chiến sỹ cũng được điều phối hỗ trợ ngành chức năng địa phương áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện giãn cách xã hội.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ vào tâm dịch lần này quán triệt tốt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; “giúp dân là mệnh lệnh trái tim”; “ở đâu khó khăn, ở đó có “Bộ đội Cụ Hồ” và giúp dân với phương châm “an toàn của dân là trên hết, trước hết”.
Thực hiện nhiệm vụ là đội quân công tác, các đơn vị xuất quân với tinh thần thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ với phương châm: Có ý chí quyết tâm cao nhất; phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, đồng lòng cao nhất; giúp đỡ được nhân dân nhiều nhất; chấp hành nghiêm nhất kỷ luật và bảo đảm an toàn nhất.
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, toàn bộ lực lượng quân đội tham gia chống dịch ở TP HCM lần này đều ít nhất đã được tiêm một mũi vắc xin, trước khi vào chiến dịch đã được xét nghiệm COVID-19 cho kết quả an toàn và tới đây việc xét nghiệm sẽ được thực hiện đều đặn 3 ngày/lần.
Những ngày qua, toàn tỉnh Tây Ninh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài lực lượng y tế, còn có sự tham gia của lực lượng tình nguyện viên là cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5, Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Tây Ninh.
Trung tá Lê Thanh, Phó Chính ủy Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 cho biết, trong đợt này, Trung đoàn 4 về hỗ trợ huyện Gò Dầu với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ. Điểm tham gia trực tiếp lấy mẫu là các công ty trong KCN Phước Đông. Với chỉ tiêu ban đầu đề ra thực hiện lấy mẫu trên 7.000 người/ngày. Nhưng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 nhanh chóng tiếp cận công việc, do vậy đến cuối ngày, đã hỗ trợ lấy mẫu được cho hơn 8.800 công nhân, các chuyên gia nước ngoài.
Trên địa bàn TP Tây Ninh và huyện Châu Thành, những ngày qua, hai đại đội dân quân thường trực của Bộ CHQS tỉnh tích cực hỗ trợ địa phương trong thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
“Ngoài việc hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ trực tiếp lấy mẫu sàng lọc, chúng tôi còn được phân công trực gác khu vực các công ty, đảm bảo không cho người ra, vào đến khi có kết quả xét nghiệm”, chiến sĩ Trần Ngọc Phát cho biết.
Trung bình chia nhỏ 100 tấn gạo mỗi ngày, mặc cho nắng nóng, công việc nặng nhọc song với tinh thần “lo cho dân như lo cho mình”, quyết không để dân đói, từ sáng đến tối, 40 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 971 (Bộ CHQS TP Đà Nẵng) nỗ lực làm việc thông tầm, đẩy nhanh tốc độ đong gạo, đóng gói, kịp thời vận chuyển tới đồng bào vùng dịch.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP Đà Nẵng được Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp hơn 1.630 tấn gạo để hỗ trợ giúp người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Với quyết tâm chuyển số gạo này đến với người dân trước ngày 28/8, nhiệm vụ phân chia, đóng gói số gạo trên được chính quyền địa phương giao cho Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng đảm nhiệm.
Thiếu tá Trần Minh Thảo, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 971 cho biết, mỗi ngày các bộ phận triển khai nhiệm vụ từ 6 giờ đến 11h30 và từ 13h30 đến 19 giờ. Trong điều kiện ăn ở dã ngoại, sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, song bằng trách nhiệm và tình cảm với nhân dân, những người lính Trung đoàn 971 đang nỗ lực mỗi người làm việc bằng hai.
Không chỉ tham gia đong gạo giúp dân, thời gian qua Trung đoàn 971 còn cử lực lượng tham gia các điểm chốt kiểm soát dịch trên địa bàn; tuyên truyền vận động, hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch COVID-19; tham gia hiến máu nhân đạo...
|
Bộ đội lấy mẫu xét nghiệm. |
|
Bộ đội “đi chợ hộ” giúp dân. |
Luôn đồng hành cùng người dân vùng dịch
Để đẩy lùi dịch bệnh, cả xã hội thực hiện giãn cách. Nhiều lao động phải ngừng việc, trong đó có người bán vé số dạo. Mất thu nhập, cuộc sống người dân trở nên khốn khó. Giữa lúc khó khăn ấy, người dân được các anh - những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp sức.
Những “chuyến xe 0 đồng” đầy ắp rau, củ, quả len lỏi vào những thôn xóm, dừng lại ở các khu phong tỏa. Những phần quà nhỏ với đủ loại thực phẩm tươi xanh được các anh trao đi như lời động viên tha thiết: “Hãy vững tin, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng bà con”. Những ngày qua, những chuyến xe đầy lại vơi, vơi rồi lại đầy. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, giữa tiết trời nóng bức, các chiến sĩ vẫn tất bật đi chợ, phân chia thực phẩm và giao hàng đến tay người dân. Vầng trán và bộ quân phục của ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi.
UBND tỉnh Bình Dương quyết định phân bổ hơn 5.700 tấn gạo trong tổng số 11.325 tấn gạo được Chính phủ cấp) cho 720 ngàn người dân tại 11 phường vừa bị “khóa chặt”. Ngoài được cấp 7,5 kg gạo, người dân tại 11 phường này sẽ được cấp miễn phí thực phẩm, tương đương 50 ngàn đồng/người/ngày. Thời gian chu cấp trong 15 ngày ứng với thời gian bị “khóa chặt” để phòng chống dịch bệnh COVID-19, với kinh phí gần 540 tỷ đồng.
Toàn bộ người dân tại 11 phường này sẽ chỉ ở nhà, không được đi chợ. Thay vào đó, lực lượng bộ đội và chính quyền địa phương sẽ đưa lương thực, thực phẩm đến tận nơi cho công nhân, người lao động và các hộ dân.
Trên địa bàn các phường 1, 3, 4, 5, 6, 7 quận Gò Vấp, TP HCM, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 75, Quân khu 7 đang thực hiện việc hỗ trợ trong vận chuyển lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân; tham gia tuần tra và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại các chốt; phục vụ lấy mẫu xét nghiệm để tách F0 ra khỏi vùng an toàn và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Quân khu.
Từ 4 giờ sáng, các cán bộ, chiến sĩ đã tất bật tổng hợp đơn hàng từ khu phố gửi lên rồi đi chợ, phân chia thực phẩm để kịp trao đến tận tay bà con. Đa số các hộ dân trên địa bàn phường đều nằm ở các con hẻm nhỏ nên việc vận chuyển các gói hàng vào rất khó khăn, các chiến sỹ và cán bộ địa phương phải chất từng phần quà lên xe máy để đưa tới các khu phố. Có những con hẻm nhỏ chỉ đủ một người qua, các chiến sỹ phải xuống đi bộ, khuân theo quà, tới từng nhà trao cho người dân.
Nhận được lệnh tăng cường cho TP HCM chống dịch, các chiến sỹ trong tổ công tác thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, vội thu xếp tư trang cá nhân để lên đường. Nhận phần quà từ tay bộ đội, ông Th ở hẻm 308, phường 10, quận 3, TP HCM hết sức bất ngờ và cảm động. Ông Th không ngờ các chiến sỹ không ngại nguy hiểm tới tận nhà trao quà. 6 người trong gia đình ông dương tính với SARS-CoV-2, nhưng may mắn tất cả đều không quá yếu nên xin được điều trị tại nhà.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã xuất quân tiến thẳng vào tâm dịch, tham gia cùng các lực lượng giúp đỡ nhân dân TP HCM chống dịch.
Đang làm nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân vận chuyển lương thực, thực phẩm, Binh nhất Huỳnh Tấn Phú, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 nhận được tin mẹ mất tại quê nhà (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Nén đau thương, chiến sĩ Huỳnh Tấn Phú cùng với đồng chí, đồng đội bám trụ, chiến đấu với đại dịch COVID-19 trên địa bàn quận Bình Thạnh, tiếp tục giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
“Mặc dù không thể về chịu tang mẹ nhưng tôi sẽ quyết tâm biến đau thương thành hành động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để mẹ tôi được yên lòng nơi chín suối, xứng đáng với sự quan tâm, động viên kịp thời của chỉ huy đơn vị”, Binh nhất Huỳnh Tấn Phú tâm sự.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 và thủ trưởng các cơ quan Quân khu đã đến động viên Binh nhất Huỳnh Tấn Phú.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"