Quân đội nỗ lực di dời dân các tỉnh miền Trung khỏi điểm ngập lụt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ ngày 15/10 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có nhiều đợt mưa lớn, gây ngập lụt, chia cắt cục bộ. Trước hậu quả của thiên tai, lũ chồng lũ, các đơn vị quân đội và dân quân đã kịp thời có mặt tại các điểm nóng, tích cực ứng cứu người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn.
Bộ đội di dời dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Bộ đội di dời dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Nhanh chóng di dời dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn

Những ngày vừa qua, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm một số người bị chết, mất tích. Đây cũng là các khu vực ngày 15-18/10 vừa qua đã xảy ra mưa lớn, ngập lụt, dẫn tới đất bão hòa nước nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều địa phương bị ngập lụt nặng. Hiện tại, lũ trên các sông đang lên nhanh, mực nước trên báo động 3 và tiếp tục dâng. Hiện vùng trũng, thấp và hạ lưu của các huyện: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi đang ngập lụt trên diện rộng. Các huyện miền núi gồm Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long có nguy cao cơ sạt lở đất ở các sườn dốc núi, ven sông, suối…

Sáng qua (24/10), Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Bình Sơn tổ chức hơn 50 cán bộ, chiến sĩ thường trực, lực lượng dân quân cùng các phương tiện ca nô, xuồng máy luồn lách vào các ngõ hẻm, tiếp cận các hộ gia đình có người đang mắc kẹt trong lũ để cứu gần 100 người dân tại thôn Long Vĩnh (xã Bình Long, huyện Bình Sơn) bị cô lập hoàn toàn đến vị trí an toàn. Ban CHQS huyện Bình Sơn đã hỗ trợ 30 thùng mì ăn liền, nước uống cho những hộ dân bị cô lập.

Trong sáng qua, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Nghĩa Hành cùng lực lượng dân quân, đội xung kích của Bộ CHQS tỉnh đã tìm kiếm được thi thể nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn (SN 1980, tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) bị nước cuốn trôi.

2 ngày qua, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân, với trên 3.500 nhân khẩu đến nơi an toàn. Xã Bình Minh là địa phương di dời dân nhiều nhất. Chủ tịch UBND xã Bình Minh Nguyễn Văn Dân cho biết: Do nước lũ lên quá nhanh, địa phương đã phối hợp với bộ đội di dời 500 hộ dân, với 1.590 nhân khẩu theo hình thức xen ghép ở các nhà dân xung quanh khu vực cao hơn; đồng thời, di dời 25 hộ ở xóm Soi, thôn Tân Phước Đông và xóm Vạn, thôn Mỹ Long đến các trường học để tránh lũ an toàn.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, chủ động ứng phó với mưa lũ, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan, đơn vị phát huy phương châm “4 tại chỗ”, duy trì nghiêm kíp trực, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án cứu hộ, cứu nạn; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, nhất là các đơn vị đóng quân nơi có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đang thi công công trình…

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn kịp thời ứng phó sự cố do thiên tai, cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, chủ động phòng, chống dịch COVID-19.

Hỗ trợ mì gói cho người dân bị ngập lụt.

Hỗ trợ mì gói cho người dân bị ngập lụt.

Ứng phó với lũ chồng lũ

Đợt mưa lũ từ ngày 16-18/10 tại tỉnh Quảng Bình đã làm 4 người chết, 9 người bị thương, gần 96.500 nhà bị ngập lụt, hơn 187 thôn, bản của 44 xã, thị trấn bị chia cắt, cô lập, hơn 23.000 hộ phải di dời, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở, hư hỏng… Mưa lũ khiến 23.125 hộ của 8 huyện, thị xã, thành phố phải di dời. Trong đó, huyện Lệ Thủy đã di dời 15.000 hộ; huyện Bố Trạch 3.463 hộ; huyện Quảng Ninh 15.000 hộ…

Khi nước lũ dâng cao làm ngập lụt một số nơi, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã thành lập các tổ công tác xuống địa bàn cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ giúp dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời cùng với bà con phòng tránh lũ. Các huyện, thị xã và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Công an đã di dời hơn 1.000 hộ dân những nơi xung yếu, bị ngập sâu, sạt lở… tới nơi an toàn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 27/10 có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực miền Trung. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì 100% quân số ứng trực, sẵn sàng cơ động lực lượng phương tiện đến các địa bàn xung yếu tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Đêm 16, rạng ngày 17/10, do ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới, các huyện miền núi Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) bị ngập úng, lũ quét, sạt lở cục bộ, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, tính mạng, tài sản của nhân dân. Do mưa lớn, sạt lở đất, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã bị cô lập hoàn toàn, nhiều nhà dân bị tốc mái, ngập sâu trong bùn đất.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) các địa phương đã kịp thời tuyên truyền, vận động, di dời được hàng nghìn người dân tại các khu vực có nguy có xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi tránh trú.

Ông Hoàng Đình Ba - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ dân quân xã vừa tích cực tham gia truy vết, tuần tra, chốt chặn, phục vụ, bảo đảm hậu cần tại các khu vực cách ly, phong tỏa, vừa tổ chức sơ tán được hàng trăm hộ dân tại làng Trà Văn A, làng Chiêng, cùng nhiều tài sản, vật nuôi đến các nhà làng tránh lũ. Trong mỗi nhà làng, chúng tôi đều dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nhu yếu phẩm, đủ để người dân sử dụng từ 5 đến 7 ngày nên bà con rất yên tâm, phấn khởi”.

Theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phước Sơn, huyện đang là tâm dịch của tỉnh Quảng Nam: “Hiện nay, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện xuống cơ sở, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương khoanh vùng, dập dịch, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. Để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa, khu sơ tán, việc bóc tách, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao được chúng tôi tiến hành chặt chẽ”.

Trực tiếp tham gia cùng các lực lượng dân quân xã A Xan, xã Dang giúp đỡ các hộ dân bị đất đá bồi lấp sân vườn, nhà cửa, Trung tá Đinh Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tây Giang cho biết: “Do dự báo chính xác tình hình và chủ động di dời dân từ sớm nên đến nay, địa phương chưa có thiệt hại về người. Để bà con sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, công tác giúp dân được các lực lượng chức năng tiến hành rất khẩn trương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà bị hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ vẫn tích cực tham gia giúp dân”.

Tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi.

Tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi.

Khi chưa khắc phục xong hậu quả mưa lũ, ba ngày qua (22 - 24/10), tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến từ 250 - 350mm, gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mực nước trên các sông đang tiếp tục lên nhanh. Mưa lớn khiến 9 giờ hôm qua (24/10), ở thị trấn Tắc Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến ít nhất 6 ngôi nhà bị hư hỏng, rất may không có thiệt hại về người. Sạt lở đã làm sập phần sau nhà của 6 hộ dân sống ngay tại khu vực trung tâm xã Trà Mai.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, LLVT phối hợp với chính quyền xã Trà Mai và hàng trăm người dân đã tham gia hỗ trợ, di dời toàn bộ tài sản của các hộ dân ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, địa phương cũng bố trí khu ở tạm cho các gia đình bị ảnh hưởng.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Nam Trà My vẫn đang diễn ra mưa to và rất to. Mực nước các sông đang lên nhanh, chính quyền huyện đã chủ động di dời khoảng 177 hộ dân với gần 800 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất vẫn là xã Trà Leng với hơn 300 nhân khẩu. Bên cạnh đó, lực lượng xung kích tại các xã vẫn đang rà soát các khu vực 24/24 giờ, đảm bảo ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Chủ động ứng phó với mưa, lũ, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam chỉ đạo 18 Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiên quyết di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven sông, trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân.

4h20 hôm qua (24/10), người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi phát hiện 3 ngư dân (đều ở xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh), trong đó có hai trẻ em 14 tuổi là N.T.N (SN 2007) và B.Đ.S (SN 2007) bị nước cuốn trôi khi ra bờ biển. 3 ngư dân đã ra biển để kiểm tra tàu nhưng do nước lớn, chảy xiết nên bị cuốn trôi. Người dân đã báo với chính quyền địa phương để tìm kiếm.

Được biết, 3 ngư dân trên là thuyền viên của một tàu câu mực đang neo đậu tại vùng cửa biển Sa Cần. Hiện Đồn Biên phòng Bình Thạnh, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phối hợp với cơ quan chức năng và bà con ngư dân tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 3 ngư dân trên.

Đọc thêm