Quân đội tiếp tục hỗ trợ dân vùng mưa lũ, sạt lở đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 22/10 đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung có mưa to và rất to khiến nhiều khu vực trên địa bàn bị ngập lụt, sạt lở đất. Trước, trong và sau lũ, lực lượng vũ trang đã nhanh chóng giúp dân chuyển đồ đạc, tài sản lên cao, tìm kiếm người mất tích, tích cực giúp đỡ bà con sửa chữa lại nhà, nạo vét bùn non, tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Phối hợp tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi.
Phối hợp tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi.

Hỗ trợ dân trước, trong và sau mưa lũ, sạt lở đất

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị ngập lụt, sạt lở đất với tổng khối lượng đất đá sạt lở ước tính hơn 7.000m3, tập trung ở khu vực miền núi.

Do việc khắc phục sạt lở tại đèo Eo Chim, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng chưa thể hoàn thành nên 490 hộ với 2.216 người ở 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam (xã Hương Trà) vẫn đang bị cô lập. Những ngày qua, đoàn công tác của Huyện ủy Trà Bồng và lực lượng chức năng gồm Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã Hương Trà, dân quân, công an, các đoàn thể vượt nhiều cây số đường rừng cõng lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho khu vực bên trong và bước đầu tiếp cận người dân ở 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam.

Ông Hồ Ngọc Liên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hương Trà cho biết, hiện tại các điểm sạt lở trên địa bàn xã đã được khắc phục tạm để đi lại, nhưng nếu trời tiếp tục mưa, chắc chắn núi sẽ sạt lở nữa. Tỉnh Quảng Ngãi đã tập kết hàng hóa nhu yếu phẩm gồm 5 tấn gạo, 500 thùng mỳ tôm vận chuyển đến cho bà con đang sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã khẩn trương khắc phục tạm thời giao thông và kịp vận chuyển hơn 20 tấn gạo đến các vùng có nguy cơ bị chia cắt.

Ngoài việc đẩy nhanh khắc phục thông tuyến tại các điểm sạt lở, chính quyền các địa phương đang tiếp tục rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao, sẵn sàng phương án sơ tán người dân nằm trong khu vực nguy cơ đến nơi an toàn và đảm bảo phòng chống dịch.

Những ngày qua, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi trải qua trận lũ lịch sử. Anh Ngô Hồng Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết: “Ngoài việc phối hợp cùng các lực lượng chức năng sơ tán nhân dân khỏi khu vực trũng thấp, trong trận lũ lịch sử này, Ban CHQS xã còn hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản, vật tư, trang bị và đưa được 18 con bò, 51 con lợn, hàng trăm con gà lên các đồi cao.

Sau lũ, Ban CHQS xã phân công 2 cán bộ, chiến sĩ tập trung giúp một hộ dân bị thiệt hại nặng khắc phục hậu quả. Trước mắt tập trung vào các gia đình neo người, lớn tuổi, giúp bà con sớm ổn định lại cuộc sống. Làm được gì giúp bà con, chúng tôi sẽ cố gắng bằng được”.

Sau cơn mưa kéo dài từ ngày 27 đến sáng ngày 28/10, trên địa bàn TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã có trên 36 điểm ngập úng cục bộ. Trong đó có điểm ngập sâu là Trường THPT Phan Đình Phùng (phường Đông Lễ) và khu phố 2, khu phố 11 (phường 5). Do nước lũ lên nhanh, bất ngờ trong thời gian học sinh đang học tại các trường; bà con nhân dân chưa có sự chuẩn bị nên các trường học, cơ quan và khu vực dân cư bị ngập nặng.

Để kịp thời giúp đỡ nhân dân ứng phó với mưa lụt, Ban CHQS TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã triển khai cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ phối hợp cùng với các lực lượng đưa học sinh về các gia đình và giúp đỡ các hộ dân bị ngập vận chuyển người, vật dụng quan trọng đến vị trí an toàn. Đến chiều qua (29/10), công tác ứng phó với mưa lụt của lực lượng vũ trang TP Đông Hà đã hoàn thành, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Bộ đội, dân quân giúp dân phơi lúa.

Bộ đội, dân quân giúp dân phơi lúa.

Vượt sóng gió cứu người bị nạn

Mưa lũ do áp thấp nhiệt đới không chỉ gây ngập lụt, sạt lở đất mà còn làm nước các sông dâng cao, sóng biển lớn đe dọa tính mạng nhiều người dân. Chỉ trong ngày 26/10, xác 6 nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi đã được tìm thấy.

9 giờ sáng ngày 26/10, tàu chở đoàn công tác của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Trị không may bị chết máy khi đến gần đập tràn Nam Thạch Hãn (thuộc xã Hải Lệ, TX Quảng Trị, Quảng Trị). Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 8 người, trong đó có 4 cán bộ của Sở GTVT (người có chức vụ cao nhất là ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở), 3 lái tàu và ông Hoàng Đức Việt (47 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Hà, một doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên sông Thạch Hãn). Khi tàu trôi vào vùng nguy hiểm, 8 người đã nhảy khỏi tàu. Trong đó 7 người bám được vào trụ bê tông nổi giữa đập tràn Nam Thạch Hãn, riêng ông Việt bị nước cuốn mất tích.

Việc ứng cứu ban đầu gặp nhiều khó khăn do nước chảy rất xiết. Sau đó, lực lượng chức năng gồm công an, dân quân, ngư dân đã dùng thuyền nhỏ để đưa 7 người bị mắc kẹt giữa đập Nam Thạch Hãn. Đến 14h40 ngày 26/10, người cuối cùng trong số 7 người mắc kẹt ở trụ bê tông nổi giữa đập tràn Nam Thạch Hãn, đoạn trên sông Thạch Hãn đã được lực lượng chức năng đưa vào bờ an toàn. Hiện lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm ông Việt.

4h25 sáng 24/10, khi phát hiện tàu bị hỏng neo, ông Bùi Đức Thành (ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã gọi con ruột của mình là Bùi Đức Sự (14 tuổi) và hai anh em Nguyễn Thái (25 tuổi), Nguyễn Tấn Nô (14 tuổi, cùng ở xã Bình Chánh) đến cửa biển Sa Cần giúp neo tàu. Tuy nhiên, do mưa lũ lớn lại thiếu kinh nghiệm nên khi chèo thuyền thúng ra thì thuyền bị chìm, nhóm Thái, Sự, Nô bị cuốn ra biển mất tích.

Dù mưa tuôn xối xả, sóng lớn, bất chấp hiểm nguy, tại cửa biển Sa Cần, lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm thuyền. Đích thân Thượng tá Lê Văn Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi ngồi ca nô cứu hộ trực tiếp chỉ huy tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo, do sóng biển quá lớn, ca nô không thể ra khơi. Sau đó, xác các nạn nhân xấu số bị sóng đánh vào bờ biển xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Nhằm giúp nhân dân phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ gây ra, từ ngày 25/10 đến nay, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4 đã đồng loạt ra quân, xuống đồng giúp đỡ người dân hai bản Na Niếng và bản Na Lạnh của xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) thu hoạch lúa.

Trung tá Nguyễn Đình Văn, Phó Trưởng phòng Chính trị Đoàn KT-QP 4 cho biết, ruộng lúa của bà con nằm cạnh khe suối nơi thường xảy ra lũ ống, lũ quét nên khi lúa chín, những ngày qua mưa lũ kéo dài nên Đoàn KT-QP 4 đã cử cán bộ, nhân viên đến giúp những gia đình khó khăn, neo người kịp thời thu hoạch lúa.

Đến nay, hơn 50 lượt cán bộ, nhân viên Đoàn đã giúp đỡ hơn chục hộ gia đình thu hoạch lúa mùa vụ thu đông với diện tích hơn 1 héc ta. Sau khi gặt xong cho các gia đình hộ chính sách, khó khăn, Đoàn sẽ mở rộng giúp đỡ các đối tượng khác gặt lúa.

Đọc thêm