Quân khu 2 chủ động ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả

(PLVN) - Mùa mưa bão đang đến, chủ động ứng phó với mưa lũ, Quân khu 2 đã đẩy mạnh xây dựng lực lượng tại chỗ, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao về lũ, lụt, sạt lở đất. 
Tích cực giúp dân di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt tháng 7/2018

Đồng thời, tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập ở các cấp, chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn gắn với diễn tập khu vực phòng thủ.

Ở tâm lũ quét, sạt lở đất, thiên tai khó lường

Quân khu 2 gồm 9 tỉnh Tây Bắc, có diện tích tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi, núi cao, độ dốc lớn; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thất thường, hay xảy ra thiên tai, sự cố, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; khi có tình huống xảy ra dễ bị chia cắt, cô lập, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn Quân khu gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, theo chiều hướng cực đoan cả về tính chất, quy mô, cường độ, mức độ tàn phá, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng. 

Mỗi năm, Quân khu 2 đã huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng phương tiện các loại tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, cháy rừng; di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; sửa chữa, dọn vệ sinh hàng nghìn ngôi nhà, trường học, trụ sở ủy ban nhân dân xã; san lấp, sửa chữa hàng trăm km đường giao thông; tìm kiếm được hàng chục người chết, mất tích v.v. 

Cùng với đó, lực lượng vũ trang Quân khu 2 đã quyên góp, ủng hộ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, cùng hàng tỷ đồng, chia sẻ những khó khăn, mất mát, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2 luôn có mặt ở những nơi xung yếu, nguy hiểm, dầm mình trong mưa bão, lũ dữ, bất kể ngày đêm để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân đã tô thắm thêm truyền thống, bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. v.v.

Kiên quyết không để bị động, bất ngờ

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 cho biết: “Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn Quân khu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, thực hiện tốt hơn nữa “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, Quân khu 2 tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 02-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát với tình hình của địa phương, đơn vị, theo phương châm: “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”.

Theo đó, Quân khu 2 tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường quán triệt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về vấn đề này. Mặt khác, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, biểu hiện thờ ơ, vô cảm trước những thiệt hại, mất mát của nhân dân”.

Để ứng phó, xử lý kịp thời mọi thiên tai, sự cố, Quân khu 2 yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, lực lượng có liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành, huy động nguồn lực, cơ chế trao đổi thông tin, quy chế phối hợp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Đặc biệt, Quân khu tích cực nghiên cứu, tham mưu cho địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống thiên tai, thảm họa, nhất là quy hoạch bố trí lại dân cư, di rời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, v.v.

Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn và các kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật, công tác phối hợp, hiệp đồng,… sát với tình hình thực tế; tổ chức theo dõi nắm chắc diễn biến của thời tiết, khí tượng, thủy văn, duy trì nghiêm chế độ canh trực ở các cấp, sẵn sàng cơ động, triển khai lực lượng, phương tiện, kiên quyết không để bị động, bất ngờ. 

Tính riêng năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra 175 vụ lũ lụt, sạt lở đất, 29 vụ cháy rừng,… làm 143 người chết, 86 người bị thương, 27 người mất tích; làm sập, đổ, cuốn trôi, tốc mái gần 6.000 ngôi nhà, 524 cầu, cống dân sinh; sạt lở hàng vạn mét khối đất đá, làm hư hại hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông, hàng trăm nghìn héc-ta lúa, cây hoa màu, cây công nghiệp; làm cháy gần 250 ha rừng,… thiệt hại ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là, các vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ở huyện Mường La tỉnh Sơn La; Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái (năm 2017); Sìn Hồ, Tam Đường, Mường Tè tỉnh Lai Châu (6/2018),… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt. 

Tháng 7 và 8/2018, mưa lớn đã diễn ra trên diện rộng, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ chồng lũ tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La… tiếp tục gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Mùa mưa lũ năm nay đã đến, người dân Tây Bắc lại thắc thỏm lo âu.

Đọc thêm