Ông Lê Văn Cuông, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:
“Xử sao cho thấu tình, đạt lý”
Mọi người đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, không phân biệt trình độ hay nhận thức. Không thể lấy lý do vì nghèo khổ để vi phạm pháp luật được. Nhưng đối với những người mới vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả thì phải xử lý sao cho thấu tình, đạt lý. Nếu cơ quan công an bắt được thì phải kết hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu, giúp họ làm theo pháp luật.
Nông dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm là họ đã sai rồi, nhưng cái sai này xuất phát từ đâu? Do nhận thức hạn chế? Do gia cảnh túng bấn, khó khăn hay vì lý do nào đó mà họ vi phạm? Bởi vậy, tùy từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể mà có mức độ đánh giá khác nhau, điều quan trọng là cần phải xác định rõ nhân thân của họ như thế nào. Phải có thước đo phân định rõ đúng - sai; xử lý cái sai không chỉ có lý mà phải có cả tình và không thể cứng nhắc được.
Tôi cho rằng, khi xử lý những người nông dân vượt biên trái phép qua biên giới tìm việc phải xác định đúng mục đích và ý đồ của họ. Nếu vì nhận thức còn hạn chế thì phải tạo cho người ta lối thoát, giúp họ sửa sai, đừng dồn họ vào bức tường bắt bớ, tù đày. Còn một khi họ đã được nhắc nhở, giáo dục, thuyết phục mà sau đó lại lạm dụng sự nhân đạo của pháp luật để cố tình tái phạm, rủ rê, lôi kéo nhiều người khác nhằm mục đích chống đối thì phải xử lý nghiêm.
Một khía cạnh khác, tôi cho rằng, để dân đói khổ, phải tự tìm đường vượt biên trái phép kiếm việc cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền sở tại. Trong những trường hợp này, muốn thay đổi nhận thức trong dân, muốn người dân bớt nghèo khó thì chính quyền địa phương phải tạo điều kiện, bố trí công ăn việc làm phù hợp cho người dân.
Làm được như vậy, địa phương không chỉ giải quyết khó khăn cho dân mà còn giữ được ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn, người dân không còn tái phạm vượt biên trái phép sang Trung Quốc nữa. Đó mới là giá trị của nhân văn. Nếu ai vi phạm cũng đều bị nhốt và bỏ tù hết thì không chỉ làm khổ dân, mà còn gây thêm tình trạng quá tải tại các nhà tạm giữ, nhà tù; các cơ quan chức năng cũng khó giải quyết được triệt để vấn nạn này.
Ông Hoàng Ngọc Cẩn, nguyên Trưởng phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm - VKSND Hà Nội:
“Những vụ như vậy, thông thường miễn truy cứu trách nhiệm Hình sự”
Vẫn biết là vi phạm, nhưng pháp luật cũng có nguyên tắc, đó là những người vì nhận thức còn hạn chế mà vi phạm lần đầu thì các cơ quan chức năng có thể xem xét không xử lý hình sự; nếu đến lần thứ hai, lần thứ ba mà họ vẫn “chứng nào tật nấy” thì phải kiên quyết xử lý để răn đe.
Ví dụ như tình trạng người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo diện xuất khẩu lao động, nhưng khi đã hết thời hạn theo hợp đồng lại không chịu về nước mà cố tình ở lại trái pháp luật. Tình trạng này mới đầu chúng ta xử lý không nghiêm nên sau đó các vi phạm đã diễn ra tràn lan hơn, ảnh hưởng lớn đến chính sách và quan hệ đối ngoại của nước ta và nước bạn, khiến trong một thời gian hàng chục nghìn lao động của Việt Nam không được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Chính bởi vậy, chúng ta đã xử lý hình sự một vài vụ điển hình để răn đe và làm gương cho người khác.
Đối với tình trạng người dân Việt Nam tự phát vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm đã xảy ra khá nhiều ở các địa phương trên cả nước chứ không riêng gì Thanh Hóa. Nhưng hầu như không mấy khi cơ quan chức năng xử lý hình sự các đối tượng này mà chủ yếu là giáo dục, hướng dẫn cho bà con tuân thủ và tôn trọng pháp luật, bởi các đối tượng vi phạm phần nhiều do nhận thức hạn chế, hơn nữa họ cũng chưa được địa phương tuyên truyền, hướng dẫn. Việc địa phương này xử lý hình sự mà địa phương kia không xử lý còn tuỳ thuộc vào tình hình và yêu cầu chính trị cụ thể của địa phương đó.
Nhưng tôi cho rằng, nếu có khởi tố vụ án hình sự thì cũng là để răn đe họ thôi, còn khi chuyển qua giai đoạn truy tố thì những vụ án như thế này thông thường là đình chỉ (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự). Điều quan trọng là khi xử lý vụ án, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ: Các đối tượng này đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục về việc cấm vượt biên trái phép qua biên giới hay chưa? Tôi cho rằng, tại các địa phương mà tình trạng vượt biên của nông dân xảy ra nhiều, cần phải thông tin công khai trên hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền về đường lối, chủ trương và chính sách pháp luật cho bà con hiểu.
Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội:
“Chưa cấu thành tội xuất cảnh trái phép”
Mọi công dân Việt Nam vượt qua ranh giới lãnh thổ Việt Nam sang quốc gia khác mà không thực hiện thủ tục xuất cảnh hợp pháp đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về quản lý xuất nhập cảnh. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự việc những nông dân huyện Quảng Xương, Thanh Hóa vì hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, mong muốn vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm kiếm kế sinh nhai như vậy không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, do các công dân này vẫn còn trên lãnh thổ Việt Nam, chưa đặt chân sang Trung Quốc nên chưa thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành phạm tội ở tội “xuất cảnh trái phép” theo quy định tại Điều 274 Bộ luật Hình sự, hay nói cách khác là tội phạm chưa hoàn thành.
Như vậy, các công dân này chưa vi phạm pháp luật, sẽ không phải chịu bất cứ hình thức xử phạt, xử lý dù là xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp họ đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, sau khi bị phát hiện đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm tiếp thì mới đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “xuất cảnh trái phép” như đã phân tích ở trên./.