“Hộ khẩu thủ đô” từng là điều kiện quan trọng
Anh Phương Huy rời Thanh Hóa ra Hà Nội học đại học từ 15 năm trước, sau đó xin được việc làm và ở lại Thủ đô. Hai vợ chồng ở trong một căn nhà thuê. Hộ khẩu vẫn ở quê cũ, trên Hà Nội chỉ là “tạm trú”, nên con cái anh chị đi học, hoặc là phải học trường tư, hoặc là phải “chạy vạy” để được học trái tuyến trường công.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, Công an các đơn vị, địa phương đã giải quyết đăng ký thường trú cho hơn 7,672 triệu hộ dân, gần 32,148 triệu nhân khẩu, tách sổ, cấp mới, cấp đổi cho hàng chục triệu trường hợp. Số hộ, nhân khẩu đang thực tế quản lý hơn gần 23,78 triệu hộ, hơn 94,62 triệu nhân khẩu.
“Ngay cả bây giờ có chính sách vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội – vốn là chính sách an sinh thì đối với vợ chồng tôi, đó vẫn là một hành trình nhiều khó khăn. Bởi, chúng tôi đang có hộ khẩu ở quê, căn hộ muốn mua lại ở Hà Nội. Kể cả ở quê và nơi chúng tôi tạm trú, chính quyền địa phương rất lúng túng khi tôi hỏi. Rồi lại còn phải gia nhập một trong 4 hội đoàn thể là Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, trong khi tôi không thuộc đối tượng đó, mà kể cả gia nhập hội ở quê hay ở đây tôi còn không biết nữa…” – anh Huy phàn nàn.
Sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý dân cư của Nhà nước. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (năm 2013) quy định tăng thời hạn tạm trú đối với các quận nội thành. Đến nay, qua thực tiễn cho thấy, đây chưa phải là giải pháp tối ưu để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư và giải quyết được vấn đề nhập cư ở các thành phố lớn.
Trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, số lượng người dân cư trú từ các tỉnh đến làm ăn, sinh sống ở các thành phố lớn là xu hướng tất yếu. Điều này cũng đồng nghĩa nhu cầu nhập hộ khẩu vào thành phố hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về nhập hộ khẩu đã gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là đối tượng nhập cư, lao động có thu nhập thấp dẫn tới có một tỷ lệ lớn người dân phải tạm trú, gây khó khăn trong quản lý cư trú và bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Hơn thế nữa, việc khó khăn trong nhập hộ khẩu còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong một số hoạt động như học tập, chăm sóc y tế... gây khó khăn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Chẳng thế mà từng có bài vè liệt kê “hộ khẩu thủ đô” là điều kiện quan trọng khởi đầu một mối quan hệ tình cảm…
Còn anh T. cả năm nay khốn đốn vì “vô gia cư”, mà đúng là anh đang không gia đình hoàn toàn. Trước khi chịu án tù, anh có hộ khẩu ở gia đình nhà vợ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong khi anh thụ án, vợ chồng ly hôn, rồi gia đình vợ bán nhà đi nơi khác, vợ anh tách khẩu ở riêng, anh bị “loại” khỏi danh sách gia đình. Giờ, ra tù, anh T. không còn vợ, không có nhà, không còn hộ khẩu, không nơi nào để về. Anh đã đến cơ quan công an hỏi, cơ quan công an bảo nhập khẩu nhờ vào nhà nào đó, nhưng chủ nhà trọ nơi anh đang tá túc lại không muốn cho anh nhập khẩu, nên giờ anh đang trong vòng luẩn quẩn không biết phải làm sao…
Một tầng bối rối
Hai trong những câu chuyện ở trên chỉ là số ít trong số những bất cập mà cơ quan công an đã “điểm mặt” sau 10 năm thực hiện Luật Cư trú. Chính cơ quan công an nhận định, Luật Cư trú đã có tác dụng hạn chế người nhập hộ khẩu vào nội thành, thành phố trực thuộc Trung ương bằng quy định về thời hạn tạm trú và các điều kiện khác có liên quan tại Điều 20 Luật Cư trú, nhưng thực tế cho thấy quy định này chỉ hạn chế nhập hộ khẩu chứ không hạn chế được tình trạng nhập cư.
Hiện nay, một số ngành đã lấy tiêu chí sổ hộ khẩu là điều kiện để giải quyết chế độ chính sách, quyền lợi của công dân như: cấp đất xây dựng nhà ở, xác lập hộ nghèo, ký hợp đồng cung cấp điện, nước sinh hoạt, tuyển chọn học sinh các bậc học... nên nảy sinh hiện tượng tách hoặc chuyển hộ khẩu đến các địa bàn được hưởng ưu tiên nhưng thực tế vẫn cư trú tại nơi ở cũ, gây xáo trộn về nhân khẩu, khó khăn cho công tác quản lý cư trú.
Một bất cập khác liên quan đến một số trường hợp xóa đăng ký thường trú theo khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú, quy định trường hợp người bị xóa đăng ký thường trú khi chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc thỏa thuận giữa những người trong hộ về việc cử người là chủ hộ mới khi chủ hộ cũ chuyển đi, chết, hoặc trường hợp những người còn lại trong hộ gia đình không tự thỏa thuận được ai làm chủ hộ thì cũng chưa có quy định hướng dẫn xem xét giải quyết như thế nào.
Liên quan đến quy định xóa đăng ký thường trú trong Luật Cư trú, có những trường hợp công dân được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại nhưng không thực hiện việc xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ, dẫn đến có hai nơi đăng ký thường trú khác nhau. Hoặc người ra nước ngoài để định cư nhưng không có cơ quan nào thông báo cho lực lượng làm công tác đăng ký cư trú để xóa đăng ký thường trú trong nước, cũng không có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan nên dẫn tới việc hồ sơ quản lý thường trú công dân vẫn có, song thực tế, công dân lại không sinh sống tại Việt Nam.
Tương tự, đối với trường hợp công dân chuyển đi nơi khác nhưng không làm thủ tục chuyển hộ khẩu hoặc người đang chấp hành án phạt tù giam có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân tại các trại giam cũng không thuộc diện xóa đăng ký thường trú. Dù theo quy định về việc giảm án tha tù, những người đang chấp hành án chung thân vẫn có cơ hội trở về tái hòa nhập với cộng đồng nhưng thực tế họ phải bảo đảm chấp hành án trong thời gian rất lâu. Trong suốt thời gian phải chấp hành án, họ không có mặt tại địa phương nơi đã đăng ký thường trú, điều này dẫn tới sự khác biệt giữa quản lý hồ sơ và quản lý thực tế việc công dân cư trú…
Luật Cư trú quy định nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống; nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Tuy nhiên, thế nào là “thường xuyên sinh sống” và “chỗ ở hợp pháp” thì vẫn chưa có cách hiểu thống nhất dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu, gây khó cho công dân.
Hoặc có trường hợp nhà ở thực tế không còn do di dời, đền bù, giải tỏa hay đã bán nhà cho người khác, trường hợp hết hợp đồng thuê nhà, mượn nhà hoặc không còn được ở nhờ..., nhưng Luật Cư trú không quy định xóa đăng ký trong trường hợp này, dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp hộ gia đình có nhà bị giải tỏa hoặc bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng không quan tâm việc xóa tên trong sổ hộ khẩu…
Một trường hợp khác diễn ra nhiều trong đời sống hàng ngày là trường hợp là vợ, chồng đã ly hôn hoặc anh, chị, em trong gia đình (đăng ký thường trú chung một sổ hộ khẩu) có mâu thuẫn với nhau nên khi có người trong hộ muốn cắt chuyển đi hoặc dùng sổ hộ khẩu để đi làm giấy tờ, giao dịch dân sự khác có liên quan thì chủ hộ hoặc người giữ hộ khẩu đã không đưa sổ hộ khẩu nên gây cản trở việc thực hiện quyền, lợi hợp pháp của công dân...
Đó là chưa kể, liên quan đến việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vẫn còn nhiều bất cập mà cả cơ quan quản lý và người dân đều không biết phải làm thế nào. Nhiều đứa trẻ không đăng ký hộ khẩu với người khác được vì không tài nào tìm được cha, mẹ để xin sự đồng ý, hoặc trẻ mồ côi ở trong cơ sở tôn giáo không nhập khẩu được vì luật quy định việc đăng ký thường trú vào các cơ sở tôn giáo chỉ áp dụng đối với đối tượng là “chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”. Rồi trường hợp một trẻ có 2 nơi thường trú vì bố mẹ ở hai hộ khẩu khác nhau, hoặc một người có nhiều sổ tạm trú vì ở mỗi nơi khai cấp một sổ…
Vì hàng loạt bất cập, Luật Cư trú đang được xem xét sửa đổi, trong đó, vấn đề tiếp tục quản lý dân cư bằng hộ khẩu hay chuyển sang quản lý bằng số định danh cá nhân cũng được đề xuất đưa lên “bàn cân”…
Bài 2 - Sổ bìa hộ khẩu sẽ thành một kỉ niệm?