Như trường hợp người phụ nữ đi hút mỡ bụng mà không biết mình đang mang thai mới đây. Đây không phải lần đầu xảy ra ca biến chứng khi PTTM liên quan đến việc mang thai mà là ca thứ hai được ghi nhận trong vài năm gần đây. Trước đó là ca đặt túi ngực mà không biết mình đang mang thai, kèm theo nhiều bệnh lý khác nên gây biến chứng và tử vong.
Trước hai ca này, Sở Y tế địa phương lẫn Bộ Y tế cũng chưa có quy định nào rõ ràng rằng trước khi thực hiện PTTM thì phải thực hiện xét nghiệm máu hay kiểm tra nhanh tình trạng có thai hay không. Vì thế, các phòng khám chỉ tiến hành làm công thức máu trước khi PTTM.
Bắt đầu từ những sự việc nghiêm trọng ấy, các bác sĩ, phòng khám và bệnh viện thẩm mỹ đã cho bệnh nhân kiểm tra máu, thử thai như một động thái bảo vệ bệnh nhân và bảo vệ mình.
Hiện nay rủi ro trong ngành thẩm mỹ là có, nó không chỉ đến từ các cá nhân tự phát, mà nói đúng hơn, là quản lý chưa đủ sức nặng. Thực ra, PTTM tại Việt Nam vẫn còn bị coi là một ngành nghề khá “nhạy cảm”. Khi đụng vấn đề còn hơi khó, cần mổ xẻ để giải quyết thì các nhà quản lý vì chưa hiểu rõ, nên cấm “cho lành”. Nhiều trường hợp, bác sĩ có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, các phòng khám được cấp phép thì bị “siết” rất chặt, không được phép làm. Bên cạnh đó là câu chuyện nghịch lý quản lý các cơ sở làm đẹp.
Quá trình thăm khám bệnh nhân, BS Trần Nguyên Giáp chứng kiến nhiều ca biến chứng đáng sợ từ việc tiêm filler, PTTM ở những cơ sở không có chức năng thực hiện hoạt động này.
Trong khi những cơ sở này thực hiện công khai, quảng cáo rầm rộ, thuê cả “hot girl”, người nổi tiếng đại diện: “Tôi thấy trên mạng có cả những cơ sở mà người đến nằm dài ra nền nhà rồi vừa được tiêm, cấy, vừa live stream cho cộng đồng mạng coi thì thật là một cách làm đẹp rùng mình. Thế mà, một thời gian dài, các cơ sở ấy vẫn hoạt động thoải mái, không bị ai quản lý, không bị xử lý, cho đến khi biến chứng nặng nề xảy ra”, BS Giáp nói.
Theo BS Giáp, ngành làm đẹp, mà cụ thể là PTTM đang phát triển quá nhanh, trong khi các quy định không theo kịp, chính vì thế như một chiếc áo chật mặc vào một thân thể quá lớn, không vừa người, dẫn đến nhiều bất cập, phát triển méo mó như thời gian qua.
Cạnh đó, các quy định trong ngành Y tế cũng còn khá nhiều phạm trù mơ hồ, không được hướng dẫn rõ ràng mà chúng ta hay nói đùa là người viết luật thì không trực tiếp thực hiện công việc bác sĩ, còn người kinh nghiệm đầy mình thì không góp tay soạn thảo luật.
Theo BS Giáp, các hội chuyên ngành, mà trường hợp cụ thể đang nói đến ở đây là Hội, Hiệp hội PTTM nên có tiếng nói, có sự đóng góp về luật để luật bám sát hơn vào tình hình thực tế, giúp cho ngành được phát triển một cách lành mạnh, an toàn.