Quán phở của cô gái Việt “mê hoặc” thực khách xứ hoa đào

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1984) là chủ quán Doctor Phở ở thành phố Tsukuba (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản). Cô được biết đến và mến yêu bởi đã lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Nhà hàng Doctor Phở ở thành phố Tsukuba của Nguyễn Bảo Ngọc.
Nhà hàng Doctor Phở ở thành phố Tsukuba của Nguyễn Bảo Ngọc.

Quê gốc Hà Nội nhưng Bảo Ngọc theo gia đình sang định cư ở Đức từ năm 14 tuổi. Sinh sống và làm việc tại Đức, nhịp độ cuộc sống hối hả và áp lực công việc nhưng cô gái trẻ luôn ý thức phải cố gắng duy trì nếp sinh hoạt như hồi còn ở Việt Nam. Vào mỗi cuối tuần, gia đình Bảo Ngọc vẫn tổ chức nấu nướng ăn uống những món ăn thuần Việt.

Trong số những món ăn yêu thích, Bảo Ngọc rất mê món phở Hà Nội, vừa được coi là quà sáng, vừa có thể là món ăn vào bữa chính. Món ăn thân thuộc và đi sâu vào tiềm thức của cô nên khi mở quán, cô nghĩ đến phở đầu tiên.

Lớn lên Ngọc kết duyên với một chàng trai trí thức người Sài Gòn cũng chọn nước Đức là quê hương thứ hai. Vợ chồng cô sống ở Đức một thời gian thì theo yêu cầu công tác, chồng cô chuyển sang Nhật làm việc. Năm 2018, gia đình nhỏ của Ngọc chuyển từ Đức sang Nhật để làm việc, sinh sống.

Quán phở với không gian đẹp, giản dị, ấm cúng và không kém phần sang trọng.

Quán phở với không gian đẹp, giản dị, ấm cúng và không kém phần sang trọng.

Tsukuba là một thành phố khoa học, có nhiều cơ sở giáo dục và thương mại, các văn phòng, viện thử nghiệm, viện nghiên cứu. Nơi này không đông đúc hay đắt đỏ như ở Tokyo nhưng bù lại rất đẹp và cư dân đa phần là trí thức, trong đó có nhiều người Việt. Sau khi tìm hiểu thị trường, vợ chồng cô quyết định mở quán phở vừa là kế sinh nhai vừa mong muốn lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tại Tsukuba để tìm thuê được một mặt bằng ưng ý là điều không dễ. Tìm được chỗ thuê rồi, vợ chồng Ngọc mất khoảng 3 tuần để sửa sang quán và không có nhiều tiền để thuê người làm, đúng lúc diễn ra Tuần lễ Vàng tại Nhật, đồng nghiệp của chồng cũng là nhà khoa học người Việt đang công tác tại Tsukuba được nghỉ và đến giúp sức với gia đình cô. Để cảm ơn sự đóng góp của mọi người, chồng cô đặt tên quán là Doctor Phở.

Vợ chồng Bảo Ngọc chụp tại quán phở.

Vợ chồng Bảo Ngọc chụp tại quán phở.

Bảo Ngọc cho biết, người nước ngoài mở quán ăn tại Nhật cần có thị thực vĩnh trú, theo quy định người được cấp thị thực này phải có thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản 10 năm trở lên. Một năm trước khi Ngọc sang Nhật, chồng cô là nhà khoa học ở Đức, được Chính phủ mời sang làm việc tại TP Tsukuba và anh được cấp thị thực này.

Quán phở của vợ chồng Ngọc không quá rộng nhưng cũng đủ phục vụ tầm 40 khách mỗi lượt. Quán được trang bị đầy đủ tủ lạnh, bồn rửa tay, máy nước nóng, khu bếp sạch sẽ đạt chuẩn vệ sinh… Ngọc cho biết, chính quyền bên Nhật đòi hỏi các điều kiện rất chặt chẽ, khắt khe đối với ngành nghề kinh doanh mặt hàng ăn uống. Quán của cô đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này nên mới được cấp phép kinh doanh.

Ngày khai trương, vợ chồng cô thức trắng đêm để hầm xương làm nước dùng, sơ chế thịt bò, chuẩn bị các loại gia vị cho chuẩn vị và thật chỉnh chu, đẹp đẽ. Cô nói hai vợ chồng đã nấu phở rất nhiều lần trong đời nhưng đây là lần đầu tiên họ nấu cho nhiều người ăn nên khá hồi hộp. Thật vui là mọi chuyện suôn sẻ, món ăn của cô được thực khách hài lòng, khen ngon.

Thời gian vừa chuẩn bị mở quán, Ngọc vừa phải theo học cấp tốc tiếng Nhật. Đến nay cô đã có thể giao tiếp thành thạo với khách hàng không chỉ trong việc mua phở mà còn nhiều lĩnh vực khác. Ngọc thú nhận rõ ràng là công việc bán phở hỗ trợ cho việc học ngôn ngữ tiếng Nhật của cô rất nhiều.

Để nấu tô phở chuẩn bị Hà Nội, Ngọc nhập gia vị từ Việt Nam sang Nhật, cô không dùng phụ gia tạo mùi mà vẫn nấu với nước mắm, gừng nướng, hành nướng, thảo quả, quế, hồi... cô thử nhiều loại phở khô khác nhau rồi chọn bánh phở có sợi mềm, dai mà nấu. Thịt bò ở Nhật có giá khá cao nên Ngọc thay thế bằng thịt bò Mỹ. Mỗi tô phở bò tại quán của Ngọc có giá 640 yên (khoảng 140 ngàn).

Khi kinh doanh quán ăn tại Nhật, Ngọc thấy mình cần phải thay đổi trong khâu tiếp thị sản phẩm, những tô phở, món ăn của cô đều không trang trí ớt vì người Nhật không giỏi ăn cay. Biết người Nhật rất coi trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm nên quán của Ngọc luôn sạch sẽ, trang trí giản dị, món ăn chỉn chu, trình bày đẹp. Bên cạnh món phở bò truyền thống, Ngọc cũng bán thêm món phở gà trộn (tương tự như món mì lạnh của Nhật) được thực khách hào hứng đón nhận.

Từ một nhân viên văn phòng, sau 2 năm bán phở tại Tsukuba, gia đình Ngọc đã mở thêm một quán mới ở Tokyo và có một chiếc xe bán hàng lưu động. Mong ước của vợ chồng cô là có thể mở được một chuỗi cửa hàng phở tại Nhật để quảng bá nhiều hơn văn hóa và ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Đọc thêm