Quán phở Trường Sa tưởng nhớ đồng đội của cựu binh Gạc Ma

(PLVN) - Mỗi khi nhắc đến Gạc Ma, ký ức 33 năm trước như một thước phim quay chậm hiển hiện ngay trước mắt cựu binh Lê Minh Thoa (SN 1968, ngụ phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông bảo, đó là nơi 64 người lính, họ là đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại trong trận chiến không cân sức. Bây giờ, trở về với cuộc sống đời thường, ông mở quán phở mang tên Trường Sa để tưởng nhớ đồng đội của mình.
 Ông Lê Minh Thoa - Chủ quán phở Trường Sa.
Ông Lê Minh Thoa - Chủ quán phở Trường Sa.

Những tháng ngày bất tử

Nằm ngay ngã tư đường Tăng Bạt Hổ - Phan Chu Trinh (phường Lê Lợi), quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa rộng chưa đầy 20m2 nhưng là điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách. Từ mờ sáng tới giữa trưa, lúc nào ông Thoa cũng tất bật bên nồi nước, chạy bàn và thu dọn hàng quán. 

Ông Thoa chính là một trong những người lính ít ỏi còn sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma lịch sử cách đây 33 năm. Đây cũng là lý do quán phở nhỏ bé của ông lại có tên Trường Sa. 

Ngồi trò chuyện, ông Thoa kể, năm 17 tuổi, ông đi bộ đội và được đi học cơ điện tại Trường Dạy nghề Hải quân. Tháng 11/1985, ông chính thức trở thành hạ sĩ quan thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125 hải quân (đóng tại Tân Cảng, TP HCM) và được phân công làm nhiệm vụ sửa chữa máy móc trên tàu HQ 602, chuyên tiếp lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Đến Tết Mậu Thìn 1988, ông Thoa và một người bạn cùng đơn vị được tăng cường sang tàu HQ 604 làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. 

“Khi được điều sang tàu HQ 604, tôi biết trước sẽ có những ngày sóng gió, có thể sẽ không trở về. Hồi ấy, chúng tôi xem nhẹ chuyện sống chết lắm. Biết là nguy hiểm nhưng ai cũng tỏ rõ lòng quyết tâm”, ông Thoa tâm sự.

Sau chuyến hải trình gần 2 ngày 3 đêm, tàu HQ 604 thả neo cách đảo chìm Gạc Ma khoảng 1km. Khoảng 30 phút sau, tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc cũng chạy về phía Gạc Ma. 

“Khoảng 17h ngày 13/3/1988, tàu hải quân Trung Quốc áp sát tàu HQ 604 và dùng loa gọi sang khiêu khích. Cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 604 động viên nhau giữ vững quyết tâm không để mắc mưu địch, kiên trì neo giữ quanh đảo. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhận được lệnh khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12h đêm 13/3. Sau khi đặt được mốc và cắm cờ Tổ quốc, một nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo. Những người khác tiếp tục vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo trên các xuồng nhỏ”, ông Thoa nhớ lại.

Ông Thoa (ngồi, thứ 2 từ trái qua) cùng 8 đồng đội sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc.
 Ông Thoa (ngồi, thứ 2 từ trái qua) cùng 8 đồng đội sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc.

Đến khoảng từ 4 - 5h ngày 14/3, Trung Quốc đưa 5 xuồng nhôm cùng vài chục lính thủy quây vòng tròn tiến lên đảo. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Những chiến sĩ trên đảo lùi dần về phía lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Gạc Ma và tạo thành một vòng tròn vây quanh lá cờ, quyết không để kẻ địch cướp cờ. Vòng tròn những người lính ấy, về sau được gọi là “Vòng tròn bất tử”. 

Giằng co được một lúc, lính Trung Quốc nổ súng vào quân ta làm nhiều chiến sĩ thương vong. Sau đó, tàu hải quân Trung Quốc đưa hàng trăm lính vũ trang tràn lên đảo Gạc Ma, rồi bắn pháo 100mm vào tàu của ta, làm tàu bị hỏng nặng. 

Ông Thoa cố gắng chữa cháy cho tàu HQ 604 và bị thương do dầu máy văng vào. Những quả pháo tiếp theo của kẻ địch đã phá nát đuôi tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu đánh trả quyết liệt, buộc lính hải quân Trung Quốc phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu của mình. 

Tàu HQ 604 tiếp tục hứng chịu hàng loạt các đợt đạn của địch, bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng, rồi chìm dần xuống biển. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu ở khu vực đảo Gạc Ma.

Tàu HQ 604 chìm, ông Thoa nhảy khỏi tàu và ôm được 2 trái bí xanh là lương thực của tàu để bơi. Lênh đênh trên biển gần một ngày, ông bị tàu Trung Quốc bắt. Lên tàu, ông bị bịt mắt, bị đánh đập dã man, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Sau những đòn tra tấn, chúng mới đưa ông vào giam cùng 8 đồng đội khác đến từ các tàu HQ 605, HQ 505.

Sau đó, các chiến sĩ được chuyển đến bán đảo Lôi Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Tại đây, trong hơn một năm đầu tiên, 9 chiến sĩ bị giam biệt lập. Thời gian đầu, các chiến sĩ bị cai ngục đánh đập dã man, tiêu chuẩn ăn mỗi ngày chỉ được phát 3 cái bánh mì tròn nhỏ như bánh bao, rỗng ruột và một bát nước cháo lạt. 

“Thời gian đó, tôi không rõ đồng đội của mình thế nào, cũng không biết tình hình biển Đông ra sao. Chỉ biết nén nỗi căm thù vào trong tim”, ông Thoa chia sẻ.

Trong khi đó, ở quê hương, tất cả chiến sĩ tham gia trận chiến này đều được báo tin đã hy sinh và mất tích. 

Nghĩa tình với Trường Sa

Đến năm 1991, khi 2 nước bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc quyết định phóng thích tù binh cho Việt Nam. Rời nhà tù, các chiến sĩ được đưa về an dưỡng tại nhà khách Hải quân, được khám và điều trị vết thương, xác định thương tật. 

Sau thời gian an dưỡng, ông Thoa trở thành quân nhân chuyên nghiệp và tiếp tục phục vụ trong trạm sửa chữa của Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 125. Đến cuối năm 1996, ông xin xuất ngũ. Trong quá trình chiến đấu, công tác, ông được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba.

Rời quân ngũ, ông Thoa lấy vợ, làm nghề xe ôm ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) rồi vào TP HCM tiếp tục mưu sinh. Người vợ của ông đã không chịu nổi cảnh khổ cực nên dứt áo ra đi, bỏ lại cho ông 3 đứa con thơ, trong đó cậu con trai út vừa mới 4 tháng tuổi. 

Ông Thoa đành trở về lập nghiệp ở Quy Nhơn để nhờ cậy ông bà nội chăm sóc cháu giúp. Ông bôn ba với đủ công việc chân tay, hễ ai kêu gì thì làm nấy. Rồi cũng may mắn, đã có người phụ nữ thương và hiểu hoàn cảnh, thuận lòng về cùng ông gánh vác gia đình.


Bây giờ, ông Thoa vẫn ngày ngày sửa xe và bán phở tại nhà. Tên quán phở của ông cũng toát lên khí khái người lính biển. Quán phở Trường Sa ngày ngày vẫn đón khách đến ăn sáng và trò chuyện cùng người cựu binh trở về từ trận hải chiến không cân sức. 

“Tôi trở về đất liền mưu sinh nhưng vẫn nhớ Trường Sa nhiều lắm. Năm 1985, tôi đã ra với Trường Sa rồi lái tàu đi xây đảo giữ gìn chủ quyền được 3 năm thì xảy ra trận hải chiến Gạc Ma. Bây giờ, tôi rất nhớ Trường Sa, nhớ đồng đội đã ngã xuống. Tôi đặt tên quán là Trường Sa để luôn nhớ về cuộc huyết chiến Gạc Ma”, ông Thoa bộc bạch.

Được biết, sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc, với sức khỏe bị ảnh hưởng 11%, ông Thoa nhận chế độ một lần, bởi phải ảnh hưởng 23% mới được công nhận thương binh. Dù vậy, mỗi lúc trái gió trở trời, đầu ông lại đau buốt. 

Năm 2013, trong lúc khám bệnh, bác sĩ phát hiện ông còn bị dính mảnh đạn trong đầu. Rồi sau nhiều lần đề nghị, đến tháng 9/2017, ông được cơ quan chức năng đưa đi giám định lại vết thương, với kết quả thương tật 29%. Ngày 1/10/2017, ông bắt đầu được hưởng chế độ thương binh loại 4/4.

Bây giờ, thỉnh thoảng bạn bè, cựu binh Trường Sa mời gọi ông đi đó đây hội ngộ. “Mỗi lần gặp mặt, đồng đội tay bắt mặt mừng, chia sẻ với nhau bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trận mạc, đời thường. Có khá giả, có gieo neo nhưng ai cũng đau đáu một tấm lòng với biển Trường Sa, với bờ cõi nước nhà”, ông Thoa tâm sự.

Đọc thêm