Quảng Bình gồng mình giữa trận lũ lớn nhất lịch sử

(PLVN) - Mưa lũ tại Quảng Bình khiến hơn 35.000 nhà dân bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Lũ trên sông Kiến Giang đã vượt đỉnh lũ năm 1979 là 0,39m. Quảng Bình đang đối mặt với trận lũ lớn nhất lịch sử.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình sơ tán dân ở vùng xung yếu.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình sơ tán dân ở vùng xung yếu.

Đến chiều 18/10, toàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục mưa cực lớn kéo dài suốt nhiều ngày qua. Tổng lượng mưa phổ biến ở Quảng Bình trong 24h qua là từ 200-500mm, có nơi cao hơn.

Tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã làm hơn 35.000 nhà dân bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Nước lũ tại các sông, suối vẫn đang lên nhanh, đặc biệt sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy trên mức báo động 3 là 1,60m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 là 0,39m.

Chiều 18/10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình cũng phát đi cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông.

Lũ ngập sâu tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Lũ ngập sâu tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Lũ lụt gây ngập sâu trên diện rộng toàn tỉnh, nhiều khu vực trước kia chưa bị ngập thì nay bị lũ nhấn chìm với mức độ sâu. Hàng ngàn người dân phải di dời khẩn cấp do nước lên quá nhanh từ đêm 17/10. Các huyện, thị ở Quảng Bình đã phải tổ chức di dời hơn 500 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, tại huyện Lệ Thủy có 17.600 nhà dân ở hầu hết các xã bị ngập, một số xã ngập sâu như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… nước lũ dâng cao 1 - 2,5m. Bệnh viện Đa khoa huyện này lũ tràn vào sâu, mất điện phải chạy máy phát nên việc khám chữa bệnh rất khó khăn.

Công an Quảng Bình sơ tán người dân tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy.
Công an Quảng Bình sơ tán người dân tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy. 

Do nước lũ lên nhanh trong đêm 17, sáng 18/10, nhiều người dân các vùng xung yếu ở Lệ Thủy đã phải gọi điện, nhắn tin cầu cứu qua mạng xã hội. Lực lượng tại chỗ ở các địa phương từ đêm 17/10 phải dùng thuyền nhỏ tìm kiếm cứu nạn, sơ tán người dân ra khỏi các ngôi nhà ngập sâu.

Tại huyện Quảng Ninh, có 10.448 nhà dân bị ngập với mức độ sâu hơn và nguy hiểm hơn do sóng gió to, nước chảy xiết. Người dân cũng nhận định là lũ đã vượt qua lũ lịch sử. UBND xã Tân Ninh của huyện này cho biết, người dân nơi đây cũng gọi điện cầu cứu chính quyền sơ tán khi lũ đang lên nhanh.

Lực lượng công an Quảng Bình sơ tán dân tại huyện Quảng Ninh.

Lực lượng công an Quảng Bình sơ tán dân tại huyện Quảng Ninh.

Theo ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nhận định, thì đỉnh lũ lần này vượt kỷ lục lịch sử trước đây hơn 10cm và nước vẫn đang dâng. Các lực lượng cứu hộ của huyện này vẫn khẩn trương triển khai sơ tán người dân.

 
Lũ nhấn chìm nhiều bản làng dân tộc Vân Kiều tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
 Lũ nhấn chìm nhiều bản làng dân tộc Vân Kiều tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Lũ trên sông Gianh cũng đang lên, dự báo cũng sẽ xảy ra đợt lũ dặc biệt lớn. Người dân các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn đang nơm nớp lo lắng nhìn lũ lớn đổ về. Riêng thị xã Ba Đồn đã có gần 4.000 nhà dân bị ngập nước, tập trung tại các xã ven sông Gianh như: Quảng Văn, Quảng Trung, Quảng Tiên, Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Hải…

Một phòng học ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị lũ ngập, hư hỏng.
 Một phòng học ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị lũ ngập, hư hỏng. 

Sáng 18/10, nhận được thông tin có 3 sản phụ ở 2 xã Quảng Lộc, Quảng Hòa chuyển dạ, cần đến gấp cơ sở y tế để sinh con, lực lượng công an các xã đã dùng bè để di chuyển các sản phụ, vượt hơn 1km lũ đến cầu Quảng Hải 2 để xe của Công an thị xã Ba Đồn và bệnh viện chở đến bệnh viện.

Huyện miền núi Minh Hóa, có gần 1.000 ngôi nhà ngập, tập trung chủ yếu tại hai xã Tân Hóa và Minh Hóa. Riêng “rốn lũ” Tân Hóa, 600 ngôi nhà dân bị ngập sâu từ 1,5 - 4m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn và nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng cao. Ngoài ra, trên địa bàn có 22 bản/4 xã biên giới bị cô lập, chia cắt.

“Rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) tiếp tục ngập sâu với 600 nhà dân chìm trong biển nước.
“Rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) tiếp tục ngập sâu với 600 nhà dân chìm trong biển nước. 

Quốc lộ 1A qua Quảng Bình có 4 đoạn lũ ngập sâu. Trong đó, tại 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh nước ngập tới 1,4m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông tạm thời thông xe. Do đường sắt đoạn qua tỉnh Quảng Trị bị ngập nên tại ga Đồng Hới, nhiều đoàn tàu phải dừng đợi lũ xuống, thông đường.

Lũ ngập sâu trên QL 1A, đoạn qua xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Lũ ngập sâu trên QL 1A, đoạn qua xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Tuyến Quốc lộ 12C (đường Xuyên Á) đang bị ách tắc do sạt lở đất tại km58, thuộc địa phận xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn gần cầu Zìn Zìn đã bị sạt lở hoàn toàn nền đường khiến xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đã bị cô lập hoàn toàn.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị sạt lở hoàn toàn nền đường.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị sạt lở hoàn toàn nền đường. 

Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, tính đến 10h trưa 18/10, toàn tỉnh có 719 trạm biến áp bị ảnh hưởng do mưa lũ nên 93.498/tổng số 274.803 khách hàng của công ty này đã bị mất điện.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nỗ lực khắc phục sự cố tuyến đường khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nỗ lực khắc phục sự cố tuyến đường khu vực biên giới. 

Mưa lũ tại Quảng Bình đang hoành hành với mức độ rất nghiêm trọng, nguy hiểm. Mưa lớn dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Chính quyền tỉnh này đang chỉ đạo các địa phương, lực lượng vũ trang theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, cứu hộ và hỗ trợ lương thực cho người dân ở các khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở cao để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Đọc thêm