Xếp hạng rồi để đấy
Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn sinh năm 1772 tại thôn Hòa Luật, tổng Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ông là một vị “Tứ triều nguyên lão” (làm quan dưới 4 triều vua) nhà Nguyễn, từng kinh qua nhiều chức vụ bậc nhất trong triều đình (Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công, Hàn lâm viện học sĩ, Đông các Đại học sĩ…), là người có nhiều cống hiến trong cuộc cải cách điền địa năm 1839 ở Bình Định, được lịch sử đánh giá là cuộc cách mạng cho dân cày…
Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp vào việc biên soạn các bộ sách triều đình nhà Nguyễn… Ông mất năm 1852. Tấm bia “Tứ triều nguyên lão” ghi rõ thân thế, sự nghiệp cũng như tài đức của ông đặt tại quê nhà Cam Thủy.
Nhận thấy những giá trị lịch sử to lớn đó, đầu năm 2004, ông Trần Công Thuật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã dẫn đầu một đoàn công tác gồm Sở Văn hóa - Thông tin, UBND huyện Lệ Thủy và Ban quản lý di tích danh thắng Quảng Bình đến Cam Thủy để khảo sát. Tại đây, ông Thuật nhấn mạnh: “Xuất phát từ những giá trị của di tích đã nêu trên, chúng tôi nhất trí cần phải dùng mọi biện pháp để bảo vệ di tích này. Trước mắt là khoanh vùng bao quanh di tích để ngăn ngừa mọi vi phạm”.
Sau đó, trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan liên quan đã đo vẽ, xác định khu vực bảo vệ bia “Tứ triều nguyên lão”. Cụ thể, theo biên bản lập ngày 17/3/2004, di tích bia thờ được khoanh vùng bảo vệ (khu vực 1 và 2) với phạm vi 513m2. Thời điểm lập hồ sơ, các cơ quan chức năng đã xác định một số công trình vi phạm khu vực bảo vệ; chính quyền địa phương khi đó đã hứa sẽ sớm di dời theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Ngày 18/8/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chính thức ký Quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với lăng mộ Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, trong đó ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực của di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của UBND tỉnh và Sở Văn hóa - Thông tin”.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy, UBND xã Cam Thủy phải phối hợp với các ban, ngành hữu quan có kế hoạch bảo vệ và sử dụng di tích này theo đúng quy định của pháp luật.
Bia “Tứ triều nguyên lão” |
Mặc dù đã dẫn chiếu các quy định của Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa để bảo vệ di tích nói trên nhưng thực chất suốt 10 năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình chưa có một động thái cụ thể nào để bảo tồn, tôn tạo di tích này trên thực địa. Nhiều khách thập phương qua đây rất khó có thể nhận biết đó là một di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với tên tuổi của một con người có công xây dựng và bảo vệ đất nước vào nửa đầu thế kỷ XIX, vì không có sự khoanh vùng, chỉ dẫn, giới thiệu gần di tích.
Hiện, cả khu vực bảo vệ 1 và 2 của bia “Tứ triều nguyên lão” đều đang bị một số công trình của cá nhân, tập thể xâm phạm. Trong đó dễ thấy nhất là khu nhà kho của Hợp tác xã Mỹ Hòa (Cam Thủy), công trình này nằm gọn trong khu vực 2 vùng bảo vệ di tích suốt nhiều năm nay, nhưng chính quyền xã, huyện vẫn dửng dưng.
Đó là chưa kể những tác động trực tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương đối với di tích do tấm bia không có tường rào, lại nằm sát khu dân cư nên rất dễ bị hư hại.
Được biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình hàng năm vẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với di tích, nhưng chỉ đến đánh giá, ghi nhận thực trạng bị xâm phạm rồi “bó tay” ra về, với lý do không có… kinh phí bảo tồn?
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Lý, Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Quảng Bình nói: “Tôi là một trong những người có mặt tại đây để lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử đối với bia “Tứ triều nguyên lão”. Thời điểm đó đã phát hiện công trình của Hợp tác xã Mỹ Hòa vi phạm đất di tích. Lúc bấy giờ, cơ quan chuyên môn đã cảnh báo và chính quyền ở đây hứa sẽ di dời, nhưng tới nay công trình này vẫn tồn tại”.
Ban Quản lý Di tích danh thắng Quảng Bình còn cho biết thêm: “Gần đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã thị sát và xác định phương án bảo vệ lâu dài đối với di tích này là cần xây dựng một nhà bia, đồng thời phải di dời ngay công trình vi phạm ra khỏi khu vực di tích”.
Tuy nhiên, đến nay những yêu cầu, chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình khi xếp hạng di tích và phương án bảo tồn mà cơ quan quản lý di tích và danh thắng tỉnh này mới đưa ra vẫn chỉ là những chỉ đạo, đề xuất tồn tại… trên giấy. Đó là một thực tế khó có thể chấp nhận đối với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử - văn hóa cũng như những ai biết đến tên tuổi, công trạng của Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn.
Vì thế, rất cần ngay những hành động thiết thực để bảo tồn di tích này thay vì hô hào, nói suông như chục năm qua.
“Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin (nay là văn hóa - thể thao & du lịch) khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp” - Điều 33 Luật Di sản văn hóa.