“Cát tặc” lộng hành
Những năm qua, hàng loạt công trình trọng điểm được thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nên nhu cầu nguyên vật liệu cát sỏi phục vụ cho xây dựng rất lớn. Chạy theo lợi nhuận, nhiều đối tương “cát tặc” đã cày nát lòng sông Vu Gia – Thu Bồn, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Tại cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn, nơi giáp ranh giữa hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải vận chuyển cát đi bán cho các công trình.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, hiện dự án đường cao tốc qua địa bàn tỉnh đang xây dựng cần 14 triệu mét khối cát. Chưa kể hơn 90% nguồn cung ứng vật liệu cát, sỏi cho ngành xây dựng TP.Đà Nẵng đều lấy từ các sông Vu Gia, Thu Bồn…
Nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh hầu như không kiểm soát được tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Trong khi ngành Thanh tra giao thông đường thủy nội địa thừa nhận dù biết các đối tượng khai thác cát trái phép tái phạm nhiều lần nhưng do quy định của pháp luật mà không thể tịch thu phương tiện được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nguồn vật liệu xây dựng bán trôi nổi trên thị trường thường có giá rẻ hơn nên một số công trình sẵn sàng tiêu thụ mà không cần biết nguồn gốc đầu vào như thế nào.
|
"Cát tặc" cày nát lòng sông, ảnh hưởng đến đất, hoa màu của nông dân |
Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương đã quy hoạch 10 mỏ khoáng sản cát sỏi, trong đó UBND tỉnh đã cấp 5 mỏ. Tuy nhiên, tình hình rất căng thẳng do nhu cầu nguồn nguyên vật liệu cát rất lớn, việc khai thác trái phép đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Còn ngành Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không thể dẹp triệt để nạn khai thác cát sỏi trái phép do đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động. Ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Xuyên cho biết thêm, lúc kiểm tra, toàn bộ phương tiện khai thác cát trên sông đều không đăng kiểm, đăng ký kinh doanh. Đây là “lỗ hổng” lớn trong quản lý đường sông. Nếu không có lực lượng đấu tranh chuyên nghiệp thì lòng sông khó yên ổn với “cát tặc”.
Cuối năm 2014, lực lượng truy quét của huyện Duy Xuyên truy bắt được 7 ghe thuyền vận chuyển cát không rõ nguồn gốc của một doanh nghiệp tại TP.Hội An. Trong khi ngành chức năng đưa 2 ghe về neo đậu tại xã Duy Phước (Duy Xuyên) để lập hồ sơ xử lý thì bất ngờ hàng chục đối tượng đến khu vực tạm giữ cướp lai ghe vi phạm. Hiện tổ chốt chặn khoáng sản liên ngành địa phương đã túc trực 24/24 giờ tại lòng sông Thu Bồn, đoạn qua xã Duy Phước.
Theo chính quyền huyện Điện Bàn, thực tế hầu hết các phương tiện ghe thuyền đều không đăng ký, đăng kiểm; công tác kiểm tra, thanh tra trên đường sông lỏng lẻo. Để quản lý chặt, không để tái diễn nạn “cát tặc” chỉ có cách quản lý thật chặt đầu vào của cát sỏi và giám sát việc sử dụng cát của các nhà thầu xây dựng.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam thừa nhận hầu hết phương tiện tham gia chở cát lậu đều không đăng ký, đăng kiểm. Các phương tiện khai thác cát thiết kế không nằm trong tiêu chuẩn quy định nào nên không thể đăng kiểm được. Muốn tịch thu phương tiện phải có lực lượng liên ngành, nhiều vụ thanh tra không có công cụ hỗ trợ nên không thể xử lý tịch thu phương tiện.
Phê bình Sở Giao thông Vận tải
Trước tình trạng này, chủ trì cuộc họp bàn biện pháp siết chặt công tác quản lý nguồn nguyên vật liệu cát sỏi phục vụ các công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, vật liệu xây dựng hiện rất “sốt” nhưng quan điểm nhất quán của tỉnh là phải cấp phép khai thác theo quy hoạch.
Với các dự án đường cao tốc, công trình trọng điểm, cần rút ngắn thời gian về mặt thủ tục, cấp mỏ cho nhà thầu chính nhưng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Để xảy ra tình trạng lộn xộn như vừa qua, ông Thu phê bình Sở Giao thông Vận tải buông lỏng quản lý phương tiện đường thủy suốt thời gian dài.
Về giải pháp trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì các tổ truy quét cơ động; tỉnh xúc tiến thành lập một tổ cơ động đặc biệt để kiểm tra đột xuất tình trạng khai thác cát sỏi ở lòng sông.
Như vậy, rõ ràng trách nhiệm quản lý tài nguyên cát sỏi còn nhiều khoảng trống, mỗi ngành, mỗi địa phương xử lý một kiểu, đổ trách nhiệm qua lại, thiếu lực lượng chỉ huy.