Hàng loạt sai phạm
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kết luận thanh tra số 02/KL-UBND về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà, đất công sản tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh này, gồm: Tây Trà (từ ngày 1/4/2020 đã sáp nhập vào huyện Trà Bồng), Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Nghĩa Hành, Lý Sơn trong giai đoạn 2010 - 2018. Kết luận cho thấy, tất cả các địa phương nói trên đều để xảy ra thiếu sót, sai phạm.
Theo đó, UBND 7 huyện nói trên lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý còn bỏ sót 184 cơ sở nhà, đất, chủ yếu là cơ sở trường học, nhà sinh hoạt văn hoá thôn… Cụ thể, huyện Tây Trà có 11 cơ sở nhà, đất, Trà Bồng 7, Sơn Hà 32, Sơn Tây 7, Minh Long 30, Nghĩa Hành 93, Lý Sơn 4. Huyện Minh Long và Nghĩa Hành lập báo cáo kê khai các thông tin không chính xác đối với 15 cơ sở nhà, đất. Cụ thể, huyện Minh Long kê khai trùng lắp 8 cơ sở nhà, đất, huyện Nghĩa Hành kê khai sai diện tích 7 cơ sở nhà, đất.
Nhiều cơ sở nhà, đất, chưa có hồ sơ quản lý tài sản như chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số trường hợp có vướng mắc thủ tục đất đai, nhưng UBND các huyện chưa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm việc thiếu hồ sơ, giấy tờ nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng 66 cơ sở nhà, đất, là trường học chưa đúng mục đích, bỏ trống gây lãng phí, nhưng UBND các huyện không đề xuất phương án xử lý, sắp xếp lại nhà, đất theo quy định. Trong số 66 cơ sở nhà, đất, nói trên có 41 cơ sở trường học không còn nhu cầu sử dụng, nhưng hiệu trưởng các trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không lập thủ tục giao lại cơ sở nhà, đất, cho UBND huyện để xem xét đề nghị cấp thẩm quyền sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, mà bỏ trống gây lãng phí.
Khu văn hoá thể thao An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) được cho thuê làm sân bóng đá không đúng quy định. |
Cụ thể, huyện Tây Trà có 6 cơ sở, Trà Bồng 3, Sơn Hà 12, Sơn Tây 6, Minh Long 3, Nghĩa Hành 11. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng 25 cơ sở nhà, đất, công sản chưa đúng mục đích, bỏ trống gây lãng phí, nhưng UBND các huyện chưa kê khai, đề xuất phương án xử lý theo quy định. Trong đó, nhiều nhất là huyện Nghĩa Hành, với 10 cơ sở nhà, đất, gồm: Hội Chữ thập đỏ tại thị trấn Chợ Chùa, Nhà Văn hóa thôn Nghĩa Lâm điểm số 1 (xã Hành Nhân), chợ Đại An (xã Hành Thuận), điểm sinh hoạt thôn Phú Châu (xã Hành Đức), rạp chiếu phim (cũ) huyện Nghĩa Hành và 5 cơ sở nhà, đất do UBND thị trấn Chợ Chùa quản lý. Tất cả đều không có nhu cầu sử dụng, bỏ trống nhiều năm.
Ngoài ra, việc sử dụng 4 cơ sở nhà, đất, công sản để cho thuê, thực hiện dự án đầu tư chưa đúng quy định. Đó là Khu văn hóa thể thao An Vĩnh (huyện Lý Sơn), Nhà công vụ UBND huyện Lý Sơn, cơ sở nhà, đất, Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao huyện Lý Sơn và cơ sở nhà, đất Nhà văn hóa thiếu nhi huyện Sơn Hà. Trong đó, Khu văn hóa thể thao An Vĩnh có diện tích hơn 3.700m2, được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2009, gồm các hạng mục tường rào, cổng ngõ, sân khấu, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho UBND xã An Vĩnh năm 2011.
Tuy nhiên, năm 2013, xã này đã ký hợp đồng cho tư nhân thuê để làm sân bóng mini nhân tạo gần 1.000m2. Việc cho thuê này là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008. Còn cơ sở nhà, đất, Nhà văn hóa thiếu nhi huyện Sơn Hà có diện tích đất 5.150m2 và tài sản trên đất gồm khu nhà chính, sân bê tông, tường rào, cổng ngõ…
Đầu năm 2016, UBND huyện thống nhất giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện ký hợp đồng cho bà Nguyễn Thị Nhâm thuê mặt bằng để đầu tư xây dựng bể bơi, sân bóng đá mini với thời gian 10 năm trên phần diện tích sân bê tông 1.800m2. Sau khi được ký hợp đồng cho thuê mặt bằng, bà Nhâm đã xây dựng và đưa công trình vào hoạt động là vi phạm quy định tại Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008.
Đến tháng 9/2018, bà Nhâm lập dự án xin đầu tư, được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án khu thể dục thể thao Sơn Hà, với diện tích đất 1.818m2 để đầu tư xây dựng bể bơi, sân bóng đá mini và các hạng mục phụ trợ với tổng mức đầu tư 1,94 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 49 năm. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì chỉ được cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, hoặc giao cho đơn vị sự nghiệp công lập lập đề án liên doanh, liên kết.
Do đó, việc UBND huyện Sơn Hà, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư xã hội hóa là không đúng quy định.
Xử lý trách nhiệm những cá nhân để xảy ra sai phạm
Để xảy ra thiếu sót, sai phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND 7 huyện nói trên; Trưởng các Phòng Kế hoạch - Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tài Nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có liên quan đến các tồn tại, sai phạm.
Trách nhiệm liên quan thuộc về Sở Tài chính trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, nhưng chưa kịp thời tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật, để xảy ta sai phạm về thẩm quyền xử lý nhà, đất công sản.
Việc tham gia góp ý thống nhất đề nghị cho chủ trương các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan trong thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất đối với 34 CSN-Đ trước khi đề xuất phương án xử lý tài sản công tại huyện Minh Long và huyện Nghĩa Hành.
Việc tham gia góp ý thống nhất đề nghị cho chủ trương các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Sở Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc phối hợp với các cơ quan, địa phương thẩm định dự án đầu tư trình UBND tỉnh cho chủ trương các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Xét tính chất và mức độ sai phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Trà Bồng (mới), Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Nghĩa Hành, Lý Sơn tổ chức thực hiện rà soát, báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý bổ sung đối với 184 cơ sở nhà, đất, để Sở Tài chính kiểm tra, tổng hợp phương án xử lý trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý tài sản công theo quy định. Thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/6.
Về xử lý một số cơ sở nhà, đất, có sai phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Giám đốc Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện căn cứ vào quy định của pháp luật, xây dựng kế hoạch tham mưu xử lý cụ thể từng điểm tài sản nhà, đất công sản theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt. Trong đó, nêu rõ cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì và thời gian hoàn thành đảm bảo theo quy định của pháp luật. Báo cáo tiến độ 6 tháng một lần cho UBND tỉnh.
Với những thiếu sót, sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Giám đốc Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện căn cứ vào các nội dung thiếu sót, sai phạm, xác định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu được phân công phụ trách tổ chức kiểm điểm trong tập thể lãnh đạo và báo cáo kết quả kiểm điểm cho UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ, để tham mưu xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã, thị trấn về các nội dung thiếu sót, sai phạm để xử lý trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.