Trong năm 2018, Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết của Quốc hội; Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS năm 2018; Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS là nhiệm vụ chủ yếu, nên Cục THADS đã tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khó khăn và quán triệt triển khai đồng bộ các mặt công tác ngay từ đầu năm để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy vậy, kết quả 10 tháng năm 2018, các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạt 61%/73% về việc và 17%/32% về tiền, tỷ lệ thi hành án xong cao hơn 1% về tiền nhưng thấp hơn 2% về việc so với cùng kỳ năm 2017, một số Chi cục THADS đạt kết quả thấp cả về việc và về tiền nhưng chưa đề ra giải pháp thực hiện, chưa có kế hoạch, biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Một trong những khó khăn được Cục THADS Quảng Ngãi chỉ ra là việc thi hành án cho ngân hàng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: nhiều vụ Tòa án tuyên bên vay có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, đối với tài sản thế chấp, bảo lãnh, Tòa án tuyên giao cho Ngân hàng được phát mãi để thu hồi nợ vay nếu bên vay không trả được nợ, do đó cơ quan THADS không có quyền xử lý tài sản khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, nhưng trong quá trình thi hành án, Ngân hàng không thỏa thuận với bên thế chấp hoặc không tự xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh để thu hồi nợ, cơ quan thi hành án đã chủ trì mời họp liên ngành bàn biện pháp giải quyết, đã yêu cầu Tòa án giải thích rõ trường hợp Ngân hàng (bên nhận thế chấp) không xử lý được tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay thì Ngân hàng có được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý hay không nhưng Tòa án giải thích không đạt yêu cầu, do đó vụ việc kéo dài nhiều năm.
Một số vụ tài sản thế chấp không đúng với thực tế, tài sản của hộ gia đình nhưng các thành viên của hộ không ký Hợp đồng thế chấp hoặc bên thế chấp, bảo lãnh chỉ thế chấp quyền sử dụng đất, còn nhà ở, công trình trên đất không thế chấp nên khi cơ quan THADS kê biên thường có khiếu nại, khởi kiện tranh chấp tài sản.
Một số vụ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp có thẩm quyền kháng nghị hủy phần xử lý tài sản thế chấp nên phải chờ kết quả giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Một số vụ Tòa án tuyên bên vay phải tiếp tục thế chấp các tài sản khác (tài sản hình thành trong tương lai) để đảm bảo nghĩa vụ vay theo hợp đồng tín dụng, cơ quan Thi hành án đã yêu cầu đương sự cung cấp tài sản hình thành trong tương lai để có cơ sở giải quyết nhưng các bên không thực hiện nên khó thi hành.
Nhiều vụ tài sản khi Ngân hàng thẩm định để cho vay có giá khá cao, đến giai đoạn thi hành án thì giá trị còn lại rất thấp, khi đưa ra đấu giá không có người mua phải hạ giá nhiều lần.
Trong gần 3 tháng còn lại của năm 2018, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao, Cục THADS tỉnh phải tăng cường hướng về cơ sở, tổ chức làm việc với các đơn vị Chi cục để tìm biện pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp phù hợp nhằm nâng cao kết quả THADS trong năm 2018, đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Cục THADS cho biết sẽ tiếp tục hướng về cơ sở, thường xuyên tổ chức làm việc với các Chi cục, các Chấp hành viên đạt tỷ lệ thấp để chỉ đạo, đôn đốc Chấp hành viên tích cực xác minh, phân loại án, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến án tổ chức tín dụng ngân hàng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, án trọng điểm; bảo đảm chính xác, thống nhất trong công tác báo cáo, thống kê.
Đồng thời, vận dụng Quy chế phối hợp liên ngành để giải quyết đối với một số vụ việc thi hành án cho ngân hàng có vướng mắc, yêu cầu Ngân hàng có cơ chế miễn, giảm lãi, tích cực phối hợp với người phải thi hành án, người có tài sản thỏa thuận tìm biện pháp xử lý tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm để thi hành án.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, đánh giá, quy hoạch, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, kỷ luật công chức, người lao động các cơ quan THADS; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp.
Cục THADS cũng kiến nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS kiến nghị với cấp có thẩm quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định giá tài sản trước khi cho vay phải đúng giá trị thực tế của tài sản, đúng hiện trạng tài sản, phối hợp cung cấp thông tin tài sản để thi hành án; tạo cơ chế, hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại là người được thi hành án xem xét miễn giảm lãi, tích cực tìm người mua tài sản kê biên hoặc nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong trường hợp tài sản đã hạ giá nhiều lần nhưng không bán được; tích cực rà soát các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm để phối hợp với cơ quan THADS giải quyết hiệu quả.