Quảng Ngãi tạm hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để ứng phó mưa, lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiều 10/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi Công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Nước lũ dâng cao gây chia cắt nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi).
Nước lũ dâng cao gây chia cắt nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố theo thực tế, các địa phương đang có mưa, lũ diễn biến phức tạp tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung vào công tác phòng, chống mưa, lũ từ 17 giờ ngày 10/10.

Rà soát phương án, tổ chức đôn đốc triển khai thực hiện phương án ứng phó với lũ lớn và sạt lở núi, bờ sông, suối bờ biển.

Chỉ đạo rà soát toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật tại các công trình xây dựng trên địa bàn, các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng nhất là tại các vị trí xung yếu để di chuyển đến nơi an toàn, trường hợp không chấp hành thì phải kiên quyết cưỡng chế và xem xét xử lý các đơn vị chủ quản theo quy định.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Vệ, sông Phước Giang, sông Trà Câu, sông Thoa, tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ.

Bố trí lực lượng canh gác 24/24h, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm.

Tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.

Tùy thuộc vào điều kiện, tình hình mưa, lũ thực tế, chủ động thông báo cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc cho cán bộ, công chức, người lao động nghỉ làm việc để bảo đảm an toàn tính mạng, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị ở vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, chia cắt giao thông.

Tăng cường công tác thông tin về mưa, lũ và các biện pháp phòng, tránh lũ, sạt lở đất đến từng khu dân cư để người dân chủ động thực hiện. Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai theo phương án đã được phê duyệt.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vũ trang tại địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và người dân khi có yêu cầu.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh về diễn biến mưa, lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân, nhà máy, công xưởng và các hệ thống thiết bị, tài sản,… đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thép Hòa Phát, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ.

Chủ động thông báo cho các cơ sở giáo dục cho giáo viên, học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn tính mạng, đặc biệt là các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo vận hành điều tiết lũ các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Trà Khúc theo đúng quy trình được phê duyệt và sát tình hình thực tế.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình sông, suối, ven biển, cửa sông tạm dừng việc thi công và di dời ngay toàn bộ người và thiết bị, máy thi công ra khỏi công trường đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/10, đồng thời chủ động tổ chức các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động và trang thiết bị.

Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương xuống địa bàn được phân công, đặc biệt là các địa bàn các huyện: Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Hà, Minh Long để phối hợp địa phương triển khai phương án ứng phó thiên tai.

Đọc thêm