Quảng Ninh: Dân bức xúc vì Nhà máy xi măng Hạ Long gây ô nhiễm môi trường?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xi măng Hạ Long còn tập kết bùn thải để xử lý làm ảnh hưởng đến môi trường, khiến đời sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiếc xe tải chở đầy bùn thải đưa về Nhà máy xi măng Hạ Long xử lý.
Chiếc xe tải chở đầy bùn thải đưa về Nhà máy xi măng Hạ Long xử lý.

Công ty cổ phần xi măng ViCem Hạ Long tiền thân là Ban quản lý Dự án nhà máy xi măng Hạ Long thuộc Tổng công ty Sông Đà quản lý và triển khai đầu tư. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 5/8/2002 do Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long làm chủ đầu tư, nhà máy có địa chỉ tại xã Thống Nhất (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) và được đưa vào hoạt động từ ngày 2/2/2010.

Đến năm 2016, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc tái cơ cấu, xi măng Hạ Long chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước của Tổng công ty Sông Đà tại Công ty cổ phần xi măng Hạ Long về Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM).

Nhà máy xi măng Hạ Long.Nhà máy xi măng Hạ Long.

Theo phản ánh của người dân, kể từ khi nhà máy xi măng Hạ Long đi vào hoạt động sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Không những vậy, thời gian qua, họ còn ghi nhận việc nhà máy xi măng Hạ Long lấy bùn thải từ Móng Cái về nhà máy tập kết và xử lý, quá trình tập kết bùn thải cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến phản ánh từ người dân tới chính quyền địa phương cũng như phản ánh đến đơn vị công ty, thế nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa thể giảm thiểu.

Gia đình ông Lương Khôi Bút (thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất) cho biết, từ nhiều năm nay gia đình ông phải sống chung với khói bụi của nhà máy.

Dẫn phóng viên đi xem phòng ngủ đã qua 2 lần cửa kính, ông Bút chia sẻ, đêm nào nhà máy cũng phát ra những tiếng ồn chói tai, làm ông không thể ngủ được, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Giếng nước của gia đình đã được xây từ những năm 1979, là nguồn nước sinh hoạt chính, thế nhưng từ khi nhà máy xi măng được đưa vào hoạt động, nước giếng không thể dùng được nữa vì lắng cặn và bụi clinker bám đầy thành giếng.

“Từ khi nhà máy vào đây, ô nhiễm khói bụi của nó làm ảnh hưởng tới nước ăn, ảnh hưởng đến cây cối, làm cây không thể có quả. Nước ăn ở đây phải dùng thông qua các bể lọc đến khi nấu nước vẫn đọng nhiều váng và lắng cặn.

Ngoài vấn đề ô nhiễm khói bụi, thời gian gần đây, người dân cũng đã phát hiện và phản ánh việc nhà máy tập kết bùn thải để đốt, theo một số nguồn tin chúng tôi có được thì bùn thải được lấy từ KCN trên Móng Cái đưa về đây sau đó tập kết lại để trộn và đốt”, ông Bút cho biết thêm.

Một trong những phiếu cân nặng có liên quan đến Nhà máy xi măng Hạ Long (ảnh do người dân thu thập, cung cấp).

Một trong những phiếu cân nặng có liên quan đến Nhà máy xi măng Hạ Long (ảnh do người dân thu thập, cung cấp).

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, việc phản ánh của người dân là có cơ sở, bởi tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường tại đây không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân mà còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế của địa phương. Ngoài ra cũng theo ghi nhận của phóng viên, có tình trạng xe chở bùn thải về nhà máy xi măng để tập kết xử lý.

Để lắm bắt được bùn thải từ đâu chở về, phóng viên đã bám theo chiếc xe đầu kéo rơ-mooc mang BKS: 14C-293.37 từ nhà máy xi măng Hạ Long về địa điểm lấy hàng. Qua đó, chiếc xe này từ nhà máy xi măng Hạ Long chạy dọc theo QL18 về nhà máy xử lý nước thải của Công ty TNHH Texhong Khánh Nghiệp Việt Nam tại KCN Texhong Hải Hà thuộc thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh để lấy bùn thải.

Sau khi “ăn đủ hàng”, chiếc xe đã cõng trên mình khoảng 30 tấn hàng ì ạch bò ra từ Công ty TNHH Texhong Khánh Nghiệp Việt Nam chạy ngược về nhà máy xi măng Hạ Long để tập kết, cứ như vậy đều đặn hàng ngày, khối lượng bùn thải cả nguy hại lẫn thông thường từ KCN Texhong sẽ được đưa về nhà máy xi măng Hạ Long để xử lý theo phương pháp đốt.

Qua những nội dung trên, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi việc nhà máy xi măng Hạ Long xử lý bùn thải nguy hại có đúng chức năng không? Tình trạng hoạt động gây ô nhiễm môi trường sẽ được xử lý như thế nào? Mong các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, Cục Cảnh sát Môi trường, Tổng cục Môi trưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra làm rõ phản ánh trên.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đọc thêm