Quảng Ninh: Lãng phí hai nhà ga nghìn tỷ

(PLO) - Tiểu dự án Hạ Long - Cái Lân được xây dựng từ năm 2005, có tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng, là một trong 4 tiểu dự án thuộc Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. 
Ga Cái Lân bị “bỏ hoang” từ 2 năm nay

Trong đó, ga Cái Lân được thiết kế là ga chuyên chở hàng hóa, dự kiến với khối lượng hàng hóa thông qua từ 3 - 4 triệu tấn/năm. Cách đó không xa, ga Hạ Long được thiết kế là ga hành khách, có năng lực đón từ 10-11 đôi tàu khách/ngày đêm. Đến nay, một ga “bỏ hoang” còn một ga chỉ đón 1 chuyến tàu chợ 1 ngày đêm, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách trong nhiều năm qua, tình trạng này có nguy cơ kéo dài thêm nhiều năm tới.  

Gần 2 năm chưa từng một chuyến tàu đi và đến

Được xem là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ cảng Quốc tế Cái Lân để vận chuyển đi khắp cả nước và ngược lại. Ga Cái Lân có cơ sở hạ tầng của một nhà ga hàng hóa hiện đại, đầu tư rất quy mô; toàn bộ các hạng mục nhà ga đều được xây mới.

Tuy nhiên, từ khi khánh thành (10/2014) đến nay, ga Cái Lân rơi vào tình trạng “bỏ hoang”, không một chuyến tàu đi và đến, hệ thống nhà ga, kho tàng, bến bãi, trạm cân và nhiều hạng mục khác…chưa một lần sử dụng bị xuống cấp nghiêm trọng, phơi cùng mưa nắng. 

Để vào được ga, các phương tiện giao thông phải đi qua cầu vượt Bàn Cờ, điểm giao nhau với QL18. Không khỏi bất ngờ trước khung cảnh một cây cầu vượt và con đường dẫn hoang vắng, không một bóng người qua lại, cỏ dại mọc um tùm, đất đá lấp hết cả mặt đường, nhiều điểm sạt lở đất tả luy lấp toàn bộ lối đi.

Bên trong, sân ga có 9 đường ray chờ, tất cả đều trống không, hoen gỉ. Các khu nhà chức năng vắng lặng, không một bóng người. Bụi than từ phía công trường Ghềnh Táu bao phủ toàn bộ khu vực sân ga, tất cả các cánh cửa đều đóng im lìm và phủ đầy bụi. 

Trao đổi với anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên trực nhà ga cho biết, cả năm nay chẳng có ai lui tới, ga này giờ như ga chết, không hàng hóa, không tàu bè. Từ lâu nay, ga không có hàng hóa để vận chuyển và nếu có cũng chưa vận chuyển được vì tuyến đường sắt này chưa kết nối với tuyến đường sắt của cả nước.

Bên cạnh đó, nguồn hàng hóa từ Cảng quốc tế Cái Lân rất khan hiếm, vì phải đi qua luồng sông Cửa Lục chỉ đáp ứng được tàu dưới 3 vạn tấn, quy mô khai thác chỉ khoảng 40% công suất, cảng càng ít tàu qua lại, ga Cái Lân cũng càng bị lãng quên. 

Nhà ga nghìn tỷ chỉ để đón 1 chuyến tàu chợ mỗi ngày

Nhà ga Hạ Long được đánh giá đạt chuẩn quốc tế, đầy đủ hạng mục theo tiêu chuẩn của một nhà ga hiện đại. Quảng trường ga rộng lớn nằm sát quốc lộ 18A, gần bến xe Bãi Cháy, rất thuận cho hành khách đi lại, hứa hẹn là “cung đường vàng” kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội.

Nhưng thật đáng buồn, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà ga gần như không có hàng hóa và hành khách. Mỗi ngày, ga này chỉ đón và tiễn duy nhất một đoàn tàu cũ kỹ 4 toa, chở từ 30 đến 40 người, chủ yếu là thương lái lợn, gà, rau cỏ. 

Khu vực nhà ga được xem là đầu mối giao thông quan trọng của TP.Hạ Long, nhưng vắng lặng. Toàn bộ nhà ga được xây mới khang trang và có đầy đủ  phòng ban chức năng, nhưng tất cả đều cửa đóng then cài. Phía sân ga, cỏ mọc cao gần đầu người, hầu hết thời gian trong ngày không một bóng người. Nơi này chỉ nhộn nhịp trong vòng gần 1 giờ đồng hồ khi có tàu đến.

Vì vậy, cán bộ, công nhân viên của ga cũng ít việc làm, thu nhập thấp. Hiện tại, mỗi chuyến tàu ở đây lỗ hàng chục triệu đồng, hàng năm ngành đường sắt đang phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng cho các tuyến tàu chợ để duy trì nhà ga Hạ Long.

Theo Trưởng ga Hạ Long – ông Nguyễn Đức Đại, ga không phát huy được hết công năng, vì đường sắt ở đây chạy khổ ray 1,435m, trong khi cả nước vẫn đang sử dụng đường ray khổ 1m. Do đó, tàu đi từ ga Hạ Long đến Yên Viên (Hà Nội) vẫn phải chạy trên đường sắt cũ, nên phải đi vòng qua ga Kép (Bắc Giang) rồi theo đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn về Yên Viên nên thời gian mất khoảng 7 tiếng. Như vậy, hàng hóa sẽ phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa, khiến giá thành vận chuyển tăng cao, còn hành khách thì chọn đường bộ cho tiện lợi, nhanh hơn nhiều.

Qua tìm hiểu được biết, tiểu dự án Hạ Long - Cái Lân dù đã xong nhưng vẫn chịu cảnh “tê liệt” do toàn dự án đường sắt dài 131 km này đang bị thiếu vốn. Sau hơn 10 năm khởi công, đến nay 3 tiểu dự án còn lại là: Yên Viên - Lim (dài gần 11 km); Lim - Phả Lại (dài hơn 36 km); Phả Lại - Hạ Long (dài hơn 78 km) đang làm dở dang. 

Một tín hiệu vui vào tháng 9/2015, Bộ GTVT đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận tập trung cân đối vốn cho dự án này tiếp tục đầu tư trở lại, đồng thời cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến năm 2020. Tuy vậy, mỗi ngày trôi đi lại thêm một ngày hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân bị lãng phí. 

Đọc thêm