Quăng "phao" cho người giúp việc

Với mục đích hỗ trợ những người phụ nữ làm đang làm GVGĐ và người thân của họ, được sự tài trợ của Tổ chức Oxfam Lovib, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng sẽ tiếp tục triển khai Dự án “Bảo vệ quyền lợi của người GVGĐ ở Việt Nam”.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng - nhận định, người giúp việc gia đình (GVGĐ) đang loay hoay “tự bơi” giữa vô vàn thác lũ, mà không hề có được chiếc cọc nào.

 
- GVGĐ là một lĩnh vực, hay nói đúng hơn là một nghề có xu hướng ngày càng phát triển. Bà có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về công việc này?
- Lao động GVGĐ đang ngày càng gia tăng về số lượng, thể loại và mang đặc trưng giới (chủ yếu là phụ nữ nghèo ở nông thôn). Lao động GVGĐ cũng đã mang lại nguồn lợi ích rất lớn cho người sử dụng lao động và chính gia đình người đi giúp việc, nhưng việc làm này chưa được coi là một nghề và chưa được thống kê trong hệ thống thống kê của lao động quốc gia. Trong khi đó, bản thân người lao động GVGĐ và người sử dụng lao động đang gặp vô vàn những vấn đề: Hợp đồng lao động, chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và bạo lực (tinh thần, thân thể, tình dục), mâu thuẫn lao động… 
Trong thực tế, tôi đã biết tới những người GVGĐ rất sung sướng. Họ được đối xử như những người thân khác trong gia đình chủ. Họ nắm trong tay chìa khóa, tài chính của gia đình (được mở riêng một tài khoản và tự lên kế hoạch, chi tiêu trong gia đình chủ). Họ có hẳn một phòng riêng với đầy đủ nội thất, trang thiết bị để sinh hoạt riêng; được chăm lo sức khỏe; thoải mái sinh hoạt, giao tiếp với xã hội. Thậm chí, họ còn được gia chủ sắm cho cả xe máy tay ga đắt tiền để tiện việc đưa đón con cái chủ nhà. Nhưng, đó chỉ là trường hợp cá biệt trong hàng ngàn người GVGĐ khác.
Thực tế, có không ít những người GVGĐ được đối xử không công bằng: Họ phải làm việc quần quật suốt ngày và không được coi trọng; ít được chăm sóc sức khỏe hoặc tự chăm sóc sức khỏe của mình; BHYT và BHXH gần như là không có; có người phải thuê trọ tại những khu nhà ổ chuột tồi tàn ẩm thấp (5m2/người - GVGĐ theo giờ), người thì sống chui lủi tại gầm cầu thang, hành lang, ghế đá bệnh viện (nhóm giúp việc bệnh viện)…
- Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng vừa thực hiện một nghiên cứu khá sâu về tình hình GVGĐ. Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục can thiệp vào khía cạnh nào của lĩnh vực này, thưa bà?
- Với mục đích hỗ trợ những người phụ nữ làm đang làm GVGĐ và người thân của họ, được sự tài trợ của Tổ chức Oxfam Lovib, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng sẽ tiếp tục triển khai Dự án “Bảo vệ quyền lợi của người GVGĐ ở Việt Nam”. Dự án sẽ được tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền Bắc, Trung Nam là: Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa, TP. HCM và Vĩnh Long, trong khoảng thời gian 03 năm (từ tháng 10/2012-9/2014). Chúng tôi sẽ can thiệp cả “đầu đi” và “nơi đến”.
Cụ thể, ở “đầu đi”, chúng tôi sẽ tổ chức những câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt của các ông chồng nhằm mục đích giải tỏa những bức xúc; chia sẻ những kinh nghiệm trong việc dạy dỗ, chăm sóc con cái, hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn. Bản thân những người phụ nữ đi xa GVGĐ cũng vậy. Từ giọng nói, văn hóa vùng miền, thói quen, khẩu vị, sự bó hẹp về không gian sống, cách ứng xử với gia chủ… cũng sẽ được họ trao đổi, chia sẻ, thảo luận và bàn cách giải quyết.
Ngoài ra, Dự án sẽ hướng tới việc phối hợp với chính quyền địa phương, ví dụ như Hội Phụ nữ để giải quyết hài hòa những mâu thuẫn, vấn đề phức tạp phát sinh giữa người sử dụng và lao động GVGĐ. Thậm chí cao hơn nữa là thành lập những trung tâm đào tạo, giáo dục kỹ năng sống và làm việc cho người GVGĐ…
- Còn về vấn đề quản lý lực lượng lao động không nhỏ và rất phức tạp này, bà khuyến nghị và đề xuất như thế nào đối với cơ quan quản lý?
- Tôi cho rằng, cơ quan chức năng nên xây dựng một văn bản pháp luật riêng hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể về những người giúp việc; đồng thời có sự giám sát chặt chẽ và quy định rõ về chính sách BHYT, BHXH cũng như có mức lương, mức thưởng cụ thể; đặc biệt quy định phải có hợp đồng lao động rõ ràng giữa người sử dụng và người lao động GVGĐ… Có như vậy, mới có thể giải quyết một cách phân minh và bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho cả hai phía, góp phần bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội.
- Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi.
Đoan Trang (thực hiện)

Đọc thêm