Quảng Trị: Hai cấp tòa “nhầm” hộ gia đình và cá nhân

(PLO) - Có đủ cơ sở chứng minh là người có quyền lợi liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) được cấp cho “hộ gia đình” mà bố mình đứng tên nhưng bà Thiềm Thị Phương Mai (trú khu tập thể Lê Hồng Phong, phường Phú Nhuận, TP Huế) vẫn bị hai cấp tòa của tỉnh Quảng Trị cho rằng không có cơ sở vì GCN “cấp nhầm”?
Cửa hàng xăng dầu Ái Tử do bà Thành bỏ tiền mua
Cửa hàng xăng dầu Ái Tử do bà Thành bỏ tiền mua

Dư luận cho rằng, với phán quyết như vậy của tòa án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

GCN cấp cho “hộ gia đình” sao con không có quyền lợi?

Bà Mai trình bày bà có nhờ bà ngoại là Hoàng Thị Diệp (trú xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đứng tên trong GCN mà bố mẹ mình mua được. Để tránh rắc rối về sau, ngày 27/7/1995, bà Diệp đã đến UBND xã Hải Xuân để làm bản cam kết thay lời di chúc, với nội dung: Ngày 14/5/1994, con gái tôi là Trần Thị Minh Thành ký hợp đồng mua lại Cửa hàng xăng dầu Ái Tử của Công ty Khai thác, chế biến XNK Lâm sản Việt Lào Quảng Trị với số tiền 127.571.688đ. Nhưng vì hộ khẩu con gái tôi đăng ký tại TP Huế, khi làm thủ tục chuyển nhượng gặp khó khăn. Để tạo điều kiện cho con gái tôi mua bán được thuận lợi tôi phải đứng tên trong hợp đồng…Tôi xin cam đoan toàn bộ số tiền trên là của vợ chồng con gái tôi là Trần Thị Minh Thành và Thiềm Công Khai. Những điều trên là hoàn toàn đúng sự thật, con gái và con rể của tôi có quyền sở hữu vĩnh viễn tài sản đó mà không có ai tranh chấp, kiện tụng…và được UBND xã Hải Xuân chứng thực.

Thửa đất này sau đó đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp GCN cho hộ bà Hoàng Thị Diệp tại tờ bản đồ số 01, thửa số 06 với diện tích 783m2. Sau khi bà Diệp chết, ông Thiềm Công Khai (bố bà Mai) đã đến Phòng TN&MT huyện Triệu Phong để làm thủ tục đăng ký. Ngày 10/11/2003, ông Khai đã được UBND huyện Triệu Phong cấp GCN cho “Hộ ông Thiềm Công Khai”.

Sau khi được cấp GCN, vợ chồng ông Khai đã đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Triệu Phong (Agribank Triệu Phong) để làm hợp đồng thế chấp tài sản đối với thửa đất nói trên. Do kinh doanh thua lỗ nên vợ chồng ông Khai bị Agribank Triệu Phong khởi kiện.

Hai cấp tòa vi phạm tố tụng

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Triệu Phong tuyên buộc vợ chồng ông Khai phải trả nợ cho Agribank Triệu Phong số tiền 3.925.182.000đ. Trong trường hợp không trả đủ số nợ nói trên thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản đã thế chấp. Bản án cũng không công nhận bà Mai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mặc dù đã có yêu cầu.

Không đồng ý với án sơ thẩm, bà Thành kháng cáo. Ngoài cách tính lãi suất vay chưa phù hợp, bà Thành tiếp tục yêu cầu tòa án đưa con gái bà Thiềm Thị Phương Mai là thành viên hộ gia đình tham gia tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, VKSND huyện Triệu Phong đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ngày 14/01/2015, TAND tỉnh Quảng Trị đưa vụ án “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” ra xét xử và chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của bà Thành và chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên buộc: Bà Trần Thị Minh Thành thanh toán cho Agribank Triệu Phong số tiền gốc và lãi là 3.623.726.000đ do đến hạn trả nợ mà bà Thành không trả được nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản gồm: quyền sử dụng đất diện tích 783m2 do UBND huyện Triệu Phong cấp cho hộ ông Thiềm Công Khai theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 672/TC ngày 22/02/2011.

Cấp phúc thẩm đề cập đến việc bà Thành cho rằng quyền sử dụng đất trên cấp cho hộ gia đình bao gồm ông Khai, bà Thành và con gái Thiềm Thị Phương Mai là không có cơ sở khi viện dẫn Công văn số 137/PTNMT ngày 19/02/2014 của Phòng TN&MT huyện Triệu Phong cho rằng: “Theo các giấy tờ về nguồn gốc thửa đất có diện tích 783m2 nói trên, sau khi bà Diệp chết sẽ được đăng ký cho ông Thiềm Công Khai và bà Trần Thị Minh Thành là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhầm lẫn giữa hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất nên Phòng Nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện cấp GCN cho hộ ông Thiềm Công Khai là không chính xác”.

Ngay sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, bà Thiềm Thị Phương Mai đã có đơn khiếu nại gửi đến VKSND và Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị.

Theo bà Mai, gia đình bà chỉ có 03 người, bà là con gái duy nhất ở cùng với bố mẹ đăng ký cùng chung sổ hộ khẩu từ trước đến nay, nên GCN được cấp cho “hộ gia đình” là không sai đối tượng. Vấn đề này cũng đã được đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị có ý kiến: GCN do UBND huyện Triệu Phong cấp ngày 10/11/2003 cho hộ ông Thiềm Công Khai là đúng đối tượng. Tuy vậy, bản án phúc thẩm vẫn kết luận GCN nói trên do “cấp nhầm” là không đúng với các tình tiết khách quan của vụ án.

Chủ tịch Hội Luật gia Quảng Trị Võ Công Hoan khẳng định: Bà Trần Thị Minh Thành là chủ hộ gia đình ký hợp đồng mua Cửa hàng xăng dầu Ái Tử và bà Thành đã nhờ mẹ là Hoàng Thị Diệp đứng tên. Để xác nhận quyền sở hữu tài sản nên bà Diệp đã lập “Bản cam kết thay lời di chúc” khẳng định cây xăng dầu trên do bà Thành mua và nhờ bà Diệp chỉ đứng tên hộ là thuộc sở hữu gia đình bà Thành.

“Bản cam kết thay cho lời di chúc” không phải là giao dịch cho tặng tài sản giữa bà Diệp (mẹ) cho con ông Thiềm Công Khai và bà Trần Thị Minh Thành. Do đó, việc UBND huyện Triệu Phong cấp GCN cho “Hộ Thiềm Công Khai” là đúng giao dịch dân sự được xác lập, không cấp sai đối tượng, đã áp dụng đúng các quy định của pháp luật, không nhầm đối tượng giữa “hộ” và “cá nhân”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Đọc thêm