Năm 2022, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch thực hiện chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP; Chỉ thị 06/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư nhằm khôi phục phát triển KTXH.
Tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư; ưu tiên thu hút dự án có thế mạnh như du lịch, dịch vụ, năng lượng sạch… Nhờ vậy, bước đầu đã có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Trị.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL KKT Quảng Trị cho biết, hiện một số các dự án trọng điểm tại KKT Đông Nam Quảng Trị như Khu bến cảng Mỹ Thủy; KCN Quảng Trị, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn 1 (1.500MW) đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, báo cáo đánh giá tác động môi trường; đặc biệt là trong công tác bồi thường, GPMB, đấu nối giao thông.
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) do Cty CP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng; diện tích đất thu hồi giai đoạn 1 là 133ha. Hiện UBND huyện đã thu hồi đất với khối lượng 65,38/133ha và còn nhiều diện tích với nhiều loại đất chưa được thu hồi, đến nay chủ đầu tư chưa được bàn giao đất để thực hiện dự án. Vướng mắc hiện nay của dự án là công tác GPMB; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng…
Tương tự, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 (1.500MW) do tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn T&T, TCty Năng lượng Hanwha, TCty Khí Hàn Quốc (KOGAS), TCty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) thực hiện, quy mô 120,36ha, diện tích mặt biển khoảng 100ha, tổng vốn đầu tư 53.667 tỷ đồng. Về GPMB, hiện UBND huyện Hải Lăng đã thông báo thu hồi đất 4 đợt để thực hiện giai đoạn 1 dự án với tổng diện tích 145,8ha.
Hải Lăng đang khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để quyết tâm hoàn thành bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 (96,1ha) cho nhà đầu tư trong quý I/2023.
KKT Đông Nam Quảng Trị hiện có nhiều dự án lớn đang được triển khai. |
Cùng chung thực trạng, hiện việc GPMB dự án KCN Quảng Trị cũng đang tiến triển chậm. Với dự án này, liên quan đến việc đầu tư xây dựng đường ngang nối từ KCN ra QL1 và đường sắt Bắc – Nam, nhà đầu tư đang hoàn thành hồ sơ thiết kế trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là nguồn lực đầu tư, chi phí vận hành và bảo trì đường ngang và đường sắt hàng năm. Cụ thể, chi phí đầu tư cho điểm đấu nối khoảng 17 tỉ đồng và nhà đầu tư đề xuất do địa phương thực hiện có sự hỗ trợ của đơn vị. Với chi phí vận hành bảo trì, kiến nghị địa phương chi trả từ nguồn bảo trì đường bộ cho đến khi hình thành QL15D, nhà đầu tư sẽ tự cân đối hoặc dừng khai thác điểm đấu nối.
Riêng dự án Cảng hàng không Quảng Trị, theo cơ quan chức năng, việc thẩm định thiết kế cơ sở giai đoạn 2 còn nhiều điều kiện ràng buộc, chưa đủ cơ sở để triển khai thực hiện như đánh giá sự cần thiết đầu tư, sự tuân thủ quy định pháp luật của thiết kế cơ sở, thiếu cơ sở để đánh giá phù hợp với quy hoạch xây dựng (hiện nay mới phê duyệt quy hoạch đến năm 2030)…
Để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi việc triển khai thi công các dự án lớn trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các dự án đang vướng mắc, trong đó tập trung nguồn lực, nhân lực để thực hiện công tác GPMB, giải quyết vấn đề chồng lấn quy hoạch và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.
Năm 2023, Quảng Trị xác định phương châm xúc tiến đầu tư là “Không chạy theo số lượng, xem trọng chất lượng từng hoạt động xúc tiến đầu tư”. Tỉnh tiếp tục chú trọng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị, KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo, các KCN và các cơ sở hạ tầng khác.
Năm 2023, có 8 dự án trọng điểm được Quảng Trị tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện: Khu bến cảng Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, QL15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với đường tránh phía Đông TP Đông Hà, Khu công nghiệp Quảng Trị, Đề án KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan và các dự án năng lượng có quy mô lớn tại KKT Đông Nam Quảng Trị.