Phước Lộc, 36 tuổi, là cô gái sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chưa từng có kinh nghiệm làm nông. Khi theo chồng sang Đan Mạch, cô mới tập tành trồng thử vài loại rau trái cho đỡ nhớ quê hương. Tuy nhiên thời tiết ở Đan Mạch lạnh nên dù nỗ lực, cô chỉ trồng ra được vài chậu rau èo ọt, kinh nghiệm làm vườn chỉ ở mức "vỡ lòng".
Hơn 4 năm trước, vợ chồng cô chuyển tới Maitland, bang New South Wales, Australia. Sau nhà có bãi cỏ rộng khoảng 500 m2. Từ lúc này người phụ nữ Việt mới học làm vườn một cách bài bản.
Vườn nhà chỉ có đất sét cằn cỗi, trời nắng khô đanh, trời mưa sình lầy. Vợ chồng Lộc phải vỡ từng thửa đất nhỏ, nhặt hết rễ cỏ, cải tạo đất qua từng năm bằng việc tận dụng mọi phế liệu từ nhà bếp, cây cỏ ở vườn và phân gà, bên cạnh đổ thêm đất mới.
"Có loại cây cỏ tôi đem chôn, loại ủ với nước để tưới vườn. Việc băm nhỏ những cành cây gỗ và đổ ra lối đi giữa các luống rau, qua năm tháng mục dần... cũng giúp cải thiện đất", cô chia sẻ.
Vùng Maitland khí hậu khô nóng, đủ nhiệt để trồng cây nhiệt đới, song luôn trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Phước Lộc có bể tích nước mưa, nhưng cũng không dám tưới vườn, mà phải làm hệ thống tưới nhỏ giọt vào gốc cây, tránh bay hơi, rơi vãi ra khu vực không có cây.
Để chống sâu bệnh, Lộc chăng lưới, làm bẫy diệt côn trùng hoặc làm dung dịch tỏi ớt. Qua năm tháng, cô gái Việt đã học được rất nhiều kinh nghiệm trị sâu bệnh hay tăng năng suất cây từ việc kết hợp trồng các loại cây với nhau. Ví như trồng hoa cúc xen kẽ trong vườn sẽ giúp các cây gần nó không bị bệnh về rễ, hoặc trồng hành hẹ dưới gốc su su, cà chua, sẽ tránh cho cây bị kiến, rệp, ong đốt...
Nếu như năm đầu tiên đất xấu đến độ trồng cà rốt không thể đâm xuống được, biến thành hình dạng cong queo thì mùa cà rốt năm sau đất tốt hơn, Phước Lộc đã thu được những củ mơn mởn. Năm đầu không có kinh nghiệm nên luống khoai lang không cho một củ nào, đến năm sau cô ăn lá vừa phải để lá nuôi rễ, sau đó thu được cả yến củ.
Tới năm 2017, lượng rau quả Phước Lộc làm ra nhiều không thể tiêu thụ hết. Nhất là vào mùa hè rau muống, mồng tơi tươi tốt, mướp, bầu sai trĩu, Lộc đem cho hàng xóm nhiều đến độ họ không nhận nữa.
Tình cờ cuối năm đó, cô phát hiện cách nhà mình không xa có phiên chợ Slow Food Earth Market Maitland. Đây là Earth Market đầu tiên ở Australia, thường họp mỗi tháng 2 lần vào ngày thứ 5 của tuần thứ nhất và thứ ba. Trên thế giới chỉ có khoảng 60 chợ phiên kiểu này.
Chợ không thu phí người bán hàng, ngược lại còn cung cấp bàn ghế, khăn trải bàn, phông bạt cũng như các chương trình truyền thông. Hơn 20 gian hàng trong chợ chỉ bán rau sạch trực tiếp do người dân địa phương trồng được, với mục đích giúp mọi người được ăn sản phẩm organic, tươi và giá cả vừa phải.
Phước Lộc là người Á châu duy nhất bán hàng ở chợ này. Gian hàng của cô thường mang tới cho các vị khách những bất ngờ. Nay cô có mớ rau lang, hoa bí, bó sả; mai lại bán đu đủ xanh, mướp đắng, hoa chuối... "95% khách của tôi là người Tây, chỉ 5% là người gốc châu Á. Lúc đầu họ mua vì tò mò, sau đó tôi hướng dẫn họ cách nấu, ăn thấy hợp khẩu vị thì họ quay trở lại mua tiếp", cô kể.
Do diện tích trồng trọt chỉ khoảng 400 m2, lại trồng đủ thứ "thập cẩm" nên mỗi phiên chợ khách sẽ không biết nay được người phụ nữ Việt này bán cho gì. Có anh khách được Lộc hướng dẫn món khổ qua xào trứng, vợ con anh này rất thích món đó nên vào phiên chợ nửa tháng sau anh quay lại cảm ơn Lộc và bảo nhờ có cô "mới mua được loại rau này, mới biết tới món ăn này".
Lại có vị khách thích ăn khoai Lộc bán tới độ đi chợ từ sớm, định bụng sẽ khuân hết về. Ngặt nỗi, Lộc chỉ trồng một luống khoai nhỏ, chỉ bán một lần là hết. Thế là anh này một mực đòi đến vườn nhà Lộc tham quan. Cuối cùng Lộc đành phải cho người này tới nhà, dỡ phần khoai dưới đất lên bán cho anh ấy một ít.
Những vị khách cũng rất thích xơ mướp để làm giẻ rửa chén. Tùy kích cỡ, một chiếc xơ mướp dài cỡ 15 cm có thể bán với giá 8-10 AUD.
Có những nhà hàng cao cấp muốn mua rau của rau của Phước Lộc định kỳ và dài hạn, một số khách muốn đến tận nhà để mua rau vào các hôm ra chợ muộn hết hàng. Nhưng vì diện tích có hạn nên Lộc đã phải từ chối rất nhiều.
Năm 2019, nhiều khách đề nghị Phước Lộc mở lớp dạy nấu ăn. "Thế là tôi trở thành cô giáo bất đắc dĩ. Dù bận với công việc chính, tôi đã cố sắp xếp thời gian mở được vài khóa dạy nấu món Việt", cô chia sẻ.
Chồng Lộc là kỹ sư tin học, còn cô làm trong nhà hàng. Họ không thể ngờ đam mê trồng trọt lại mang lại cho họ nhiều niềm vui tới vậy. Không chỉ ngày ngày được ăn rau sạch, kiếm được một nguồn thu từ việc làm vườn, mà còn có được nhiều niềm vui khi được san sẻ rau với người khác.
"Ban đầu khi rau trong vườn nhiều quá mình tìm đến Earth market để bán bớt. Nhưng bây giờ mình đến với chợ là vì niềm đam mê", Phước Lộc nói.