Ngày 22/2, song song với việc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (LHQ) (UNICEF) ra tuyên bố cho biết Phó Giám đốc điều hành cơ quan này, ông Justin Forsyth đã từ chức vì có khiếu nại về các phát biểu và hành vi không phù hợp đối với nữ nhân viên, thì người phát ngôn LHQ cũng thông báo tổ chức này sẽ thực thi một loạt biện pháp nhằm đấu tranh với những hành vi quấy rối tình dục của các nhân viên LHQ, đồng thời trợ giúp nạn nhân của những hành vi sai trái này.
Các hoạt động này của Quỹ Nhi đồng LHQ và cơ quan LHQ một lần nữa cho thấy nạn quấy rối tình dục tại công sở không còn là chuyện của riêng ai. Pháp cũng vừa đưa ra nghiên cứu chấn động về tình trạng quấy rối tình dục, theo đó, cứ 8 người phụ nữ Pháp lại có một người bị xâm hại tình dục ít nhất một lần trong đời.
Ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Kim Lan - Điều phối viên quốc gia, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tuy chưa có thống kê chính thức nào về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng hiện tượng này đã xuất hiện từ rất lâu và gần đây, một số vụ quấy rối tình dục đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như: thầy quấy rối trò đổi tình lấy điểm; cấp trên ép cấp dưới quan hệ…
Bộ luật Lao động có 4 điều đề cập đến quấy rối tình dục và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội với sự giúp đỡ của ILO đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhưng cho đến nay dường như Bộ quy tắc này vẫn chưa được các công sở, doanh nghiệp quan tâm và đưa vào áp dụng.