“Quê hương là gì hả mẹ, mà ai đi xa cũng nhớ nhiều”…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người… Và hơn thế nữa, thế hệ thứ 3, thứ 4 cũng dần trưởng thành, góp phần hình thành nên một lớp người Việt tại nước ngoài, gắn kết với người Việt trong nước, tạo nên một sức mạnh con người, một sức mạnh văn hóa Việt tồn tại cùng thế giới…
GS.TS Trần Thanh Vân người bạn đời GS.TS Lê Kim Ngọc miệt mài trọn đời với các dự án về Việt Nam.
GS.TS Trần Thanh Vân người bạn đời GS.TS Lê Kim Ngọc miệt mài trọn đời với các dự án về Việt Nam.

Giáo sư Trần Thanh Vân: Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi!

Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân từ nhiều năm qua được gắn liền với các hoạt động lớn hàng năm, là cây cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới: Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam; Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành Quy Nhơn, có tên ICISE; Học bổng giáo dục Vallet và  Làng nuôi trẻ mồ côi SOS.

Năm 1953, cậu thanh niên 16 tuổi Trần Thanh Vân rời quê hương Quảng Bình đi Pháp du học. Giờ đây, GS Trần Thanh Vân được xem là một bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử. Có trong tay 300 công trình khảo luận và là tác giả của 115 đầu sách đã xuất bản, là Giáo sư Đại học Paris, được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu là viện sĩ… Từ 30 năm nay, GS.TS Trần Thanh Vân và người bạn đời GS.TS Lê Kim Ngọc đã dành trọn tâm nguyện cho các dự án ở Việt Nam… Ông nói: “Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi!”.

Ông nhớ lại, những năm đầu 1970, chiến tranh Việt Nam rất ác liệt, từ làng quê đến thành phố trong cả nước, trẻ mồ côi gia tăng từng ngày… Tại Pháp, để có thể làm được việc gì đó có ích cho quê nhà mà không bị coi là “làm chính trị”, chúng tôi đã thành lập hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam.

Trong xa xôi, cách trở, nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều kiều bào và sinh viên ta bên đó, dự định thành lập làng SOS cho trẻ em tại Việt Nam đầu tiên tại Lâm Đồng đã có kết quả. Sau này, cũng với cách thức đó, chúng tôi tiếp tục có thêm một số làng SOS khác tại Việt Nam.

Có lần nhắc tới tuổi thơ, Giáo sư nói rằng do đã từng nghèo khó, nên “rất hiểu về sự nghèo khó của người khác”... “Tôi mồ côi cha mẹ từ sớm, nhờ anh chị em ruột làm nghề bán tạp hoá, chắt chiu vất vả nuôi ăn học. Dù vậy, tôi còn may mắn có anh chị em, trong khi nhiều đứa trẻ khác sống vất vưởng, thiếu thốn đủ thứ vì không có người thân… Những ấn tượng đó rất khó phai mờ”.

“Ban đầu, khi tổ chức hội nghị ở châu Âu, tôi muốn giữa các đại biểu tham dự sẽ tạo được sự liên lạc mật thiết, do đó, rất chú ý đến sự có mặt của các nghiên cứu sinh trẻ. Làm sao để thế hệ tương lai có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với các nhà khoa học đi trước một cách thoải mái và hiệu quả nhất khi mà ở các hội nghị lớn, các vị giáo sư tên tuổi thường bị vây kín bởi những người hâm mộ, anh em trẻ rất khó tiếp cận.

Nếu bố trí họ ở chung khách sạn và dùng cơm chung, thậm chí đi trượt tuyết cùng nhau… sẽ tăng được tối đa thời gian tiếp xúc giữa các thế hệ. Cách đó tuy bị một số chỉ trích là “như quân ngũ” nhưng người ủng hộ lại cho đó là “sự chuẩn bị điều kiện hợp tác trong tương lai” rất cần thiết trong nghiên cứu khoa học… Về sau, nhiều hội nghị khác của châu Âu, Mỹ cũng làm theo cách này.

“Ngôi nhà” Quy Nhơn mở cửa đón các nhà khoa học! Có lẽ đó chính là giấc mơ cuối cùng của đời tôi”… Trung tâm ICISE Quy Nhơn là sự tiếp nối của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1993 với cơ sở vật chất được xây dựng hiện đại. Những hoạt động ấy là sự tiếp nối của “ngọn lửa Moriond” được ông và hai đồng nghiệp Pháp tổ chức năm 1966 tại một ngôi làng hẻo lánh có tên Moriond trong dãy núi Alps.

Từ Gặp gỡ Moriond, GS Vân đã thành lập thêm hai diễn đàn kết nối khác là Gặp gỡ Blois (1989) và Gặp gỡ Việt Nam (1993) làm “cầu nối không biên giới”. Với bề dầy kinh nghiệm, ông là người có đầy đủ uy tín và năng lực để kêu gọi các nhà khoa học quốc tế tầm cỡ đặt chân đến Việt Nam, tại một vùng đất khó ai nghĩ đến là Quy Nhơn, nằm xa các trung tâm của các thành phố lớn. Ông có lý do cho chọn lựa này: các hoạt động khoa học được tập trung hơn và không bị phân tâm, giống như những trung tâm khoa học thường thấy trên thế giới.

Và như thế, sợi chỉ xuyên suốt tất cả các hoạt động của ông bà Trần Thanh Vân là trái tim, lòng thương yêu của ông bà đối với con người và đất nước, muốn đánh thức tài năng Việt Nam và kêu gọi xã hội hãy dang tay tiếp sức, vì một Việt Nam nhân hậu và trí tuệ…

Và những tên tuổi “rực rỡ”

Trong lịch sử hàng trăm năm trước đã có nhiều người Việt Nam lưu tiếng thơm, ghi danh muôn đời khi sống và cống hiến tại nước ngoài, để lại tự hào cho nước Nam. Việt Nam trong gần 30 năm qua hưởng nhiều trận “mưa Nobel” và các tinh hoa thế giới đổ về, một hiện tượng độc nhất vô nhị ở vùng Đông Nam Á, như muốn tưới cho mảnh đất xanh tươi.

GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, hai ngôi sao sáng chói của Việt Nam, xuất hiện từ những năm 2010. Nhưng hai ông không xuất sắc từ Việt Nam, mà xuất sắc tại các quốc gia tiên tiến. Hai ông chứng minh trước thế giới và khu vực rằng Việt Nam có đầy đủ trí tuệ xuất sắc và điều mà Việt Nam cần là một cơ chế xuất sắc tương ứng để phát triển. 

GS Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà vật lý thiên văn nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ra tại Hà Nội, lớn lên ở TP HCM. Năm 19 tuổi, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sĩ, rồi nhận học bổng tại Mỹ. Ông là một nhà vật lý thiên văn cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hoà, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Một đêm…

GS Trịnh Xuân Thuận hiện đang sống, nghiên cứu vật lý thiên văn và giảng dạy ở Mỹ. Bận rộn với công việc, ông ít về Việt Nam. Nhưng mỗi khi có dịp trở về, lần nào cũng thấy ông say sưa nói về vũ trụ, ánh sáng, thiên hà, Big Bang… Ông còn tiếp xúc với bạn đọc thanh, thiếu niên như một cách truyền cảm hứng với các em, các cháu, để kéo họ gần hơn với vũ trụ bao la.

Còn nhớ cách đây mấy năm, GS Trịnh Xuân Thuận về nước và thực hiện các buổi giao lưu, gặp gỡ với sinh viên tại Hà Nội và TP HCM. Tại những buổi giao lưu ấy, ông kể về con đường đưa ông đến với khoa học vũ trụ và nghiên cứu bí ẩn bầu trời.

GS Trịnh Xuân Thuận cho biết, hồi nhỏ ông rất thích đọc sách, nhất là sách của 2 nhà bác học nổi tiếng trên thế giới là Albert Einstein và Isaac Newton. Theo GS Trịnh Xuân Thuận, có 3 điểm mà các bạn trẻ cần lưu tâm. Đó là ham học hỏi; có ý chí - nhất là khi còn trẻ và chút may mắn. Sự may mắn, theo GS Trịnh Xuân Thuận, là “được trời Phật phù hộ, gặp được các thầy, cô giáo giỏi”. Bên cạnh đó, ông cũng tiết lộ, để có thể bền bỉ ngồi viết sách đến tận ngày nay, khi tuổi không còn trẻ, bởi ngay từ những cuốn sách đầu tiên ông đã “gặp may”.

Trong lời tựa cho bản sách Giai điệu bí ẩn, lần đầu xuất bản ở Việt Nam, ông viết: “Những cuốn sách mà tôi đã đọc ở tuổi ấu thơ đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và hình thành những suy tư của tôi. Chắc chắn rằng chúng đã đóng góp một vai trò to lớn trong việc dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi đến với khoa học. Chúng kích thích trong tôi sự ham muốn được đóng vai trò chủ động trong cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Từ đó tôi đã không ngừng quan sát vũ trụ bằng những kính thiên văn lớn nhất trên mặt đất cũng như trong không gian”.

Tên tuổi của GS Trịnh Xuân Thuận đã được thế giới ghi nhận qua hàng loạt công trình nghiên cứu vật lý thiên văn học. Trong đó, đáng kể là năm 2004, bằng việc sử dụng kính thiên văn không gian Hubble, GS Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ quan sát được.

Với sự say mê dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học thiên văn và đem bầu trời đến gần hơn với mọi người, đặc biệt tư tưởng Phật giáo xuyên suốt các tác phẩm đã tạo cho chúng nét hấp dẫn riêng, GS Trịnh Xuân Thuận đã được trao nhiều giải thưởng về sách như: Giải thưởng lớn Moron của Viện Hàn lâm Pháp (2007), giải Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học; giải thưởng thế giới Cino del Duca uy tín của Viện Pháp quốc (2012) và giải Louis Pauwels (2012)… 

Và ở lĩnh vực kinh tế,  ngày nay, truyền thông trong và ngoài nước, nhiều người Việt Nam đã biết tới Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân Việt đầu tiên đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán Mỹ. Hay như Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Hiện ông là đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc cao cấp quản lý tài sản của Blackstone, là một trong những thương nhân châu Á thành công nhất tại Mỹ. Hiện ông Chu đang được lãnh đạo Blackstone giao phó nhiệm vụ “tổng chỉ huy” cho chiến dịch trị giá 25 tỷ USD.

Và hàng triệu trái tim Việt khác trên khắp địa cầu vẫn từng giờ từng phút lao động đóng góp sức mình vào sự phát triển của nước sở tại và luôn đau đáu về quê hương. Hàng năm, số lượng kiều bào về nước là trên dưới 1 triệu người. Đến thời điểm hiện tại, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư gần 3.000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ USD tập trung vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, lượng kiều hối đang có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng 10 - 15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỉ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), năm 2018 đạt 15,9 tỉ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước. Như vậy, có thể nói người Việt Nam ở nước ngoài  đã vẹn toàn tình nghĩa đôi đường đối với cả đất mẹ lẫn nơi mình gửi gắm cuộc đời.

Dường như văn hóa Việt Nam không đơn thuần chỉ tồn tại ở những di sản vật thể to lớn như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An… di sản phi vật thể như dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế… với sự tôn vinh của UNESCO mà là tồn tại ở chính mỗi con người Việt Nam. Bởi dòng máu Lạc Hồng của người Việt được nuôi dưỡng bằng phù sa sông Hồng, của dòng nước ngọt ngào đất “chín Rồng”, được tôi luyện qua hàng ngàn năm văn hiến, chiến tranh, hòa bình và từ lời ru của mẹ Âu Cơ, chảy mãi một ý chí quật cường và trái tim nhân hậu, yêu thương… Dù người Việt sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì đất mẹ vẫn là nơi họ đau đáu và tha thiết hướng về…

Đọc thêm