Bí ẩn đoàn người di cư biến mất không một dấu vết

(PLO) - Câu chuyện về đoàn người người Anh di cư đến đảo Roanoke sau đó “biến mất” không dấu vết, dù đã qua 400 năm nhưng cho đến nay vẫn là bí ẩn lớn bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ông John White đón đứa cháu ngoại ở Tân Thế Giới.
Ông John White đón đứa cháu ngoại ở Tân Thế Giới.

Miền đất hứa “Tân Thế Giới”

Vào năm 1585, thuyền trưởng John White (1540-1593) là một trong những người Anh lên đường cùng Đô đốc Richard Grenville đi tìm vùng đất định cư mới, thiết lập thuộc địa mới cho người Anh. Cuối cùng, họ tìm đến hòn đảo Roanoke, ngoài khơi bờ biển bang Bắc Carolina (nước Mỹ) ngày nay. Ông và đoàn thủy thủ dành trọn một năm sinh sống và tìm hiểu mảnh đất này trước khi trở về Anh và đưa người đến đây định cư. John White đặt tên cho miền đất hứa này là Tân Thế Giới. 

Đến năm 1587, thuyền trưởng John White đưa 115 người từ Anh, trong đó nhiều người là bạn bè và gia đình đến Tân Thế Giới để tạo dựng cuộc sống mới. Khi vừa đến đây định cư, ông John White vui mừng khi chào đón đứa cháu ngoại Virginina Dare, được xem là đứa trẻ người Anh đầu tiên được sinh ra tại Tân Thế Giới.

Tuy nhiên đến cuối năm, do thời tiết khắc nghiệt, lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày dần cạn kiệt và khan hiếm, ông John White, quyết định trở lại Anh một lần nữa để bổ sung đồ tiếp tế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó một cuộc chiến lớn nổ ra giữa Anh và Tây Ban Nha. Ông không thể quay lại đảo Roanoke, vì Nữ Hoàng Elizabeth I ban hành lệnh cấm tàu thuyền đi lại.

Cuối cùng phải mất 3 năm sau đó vào ngày 18/8/1590, ông mới có thể lên đường quay trở lại đảo, trong lòng hồ hởi, phấn khởi vì sắp gặp lại được những người thân yêu ở miền đất hứa Tân Thế Giới.

Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi, khi cập bến John White hoảng loạn và sốc vì không tìm thấy một bóng người nào từ già, trẻ, đàn ông, phụ nữ trên hòn đảo. Thậm chí, vợ, con gái và đứa cháu gái của ông cũng biến mất không dấu vết. 

Sau khi tìm kiếm khắp nơi, những thứ còn sót lại chỉ là những dấu chân trên mặt đất, một bộ xương người và chữ ‘CRO’ được khắc trên cây. Khi nhìn chữ này, John White đoán rằng đây là thông điệp nào đó mà mọi người để lại cho ông. Bởi nếu có ý định rời khỏi đây đến nơi khác, họ sẽ để lại những lời nhắn và địa chỉ cụ thể.

Ông cũng đoán rằng rất có thể những người định cư đã bị tấn công hoặc gặp một thảm họa nào đó và tìm kiếm sự giúp đỡ của người da đỏ Croatan bản địa sống tại hòn đảo Hatteras, cách đảo Roanoke khoảng 80km về phía Nam. Bởi khi bắt đầu tới định cư, John White đã có thể thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp với người Croatan bản xứ. Vì vậy ông suy đoán rằng người định cư đã đi đến đảo Hatteras khi John White vắng mặt. 

John White ngay lập tức muốn tới chỗ những người da đỏ Croatan để tìm kiếm người thân và đồng bào. Nhưng ý định này không thực hiện được, do thời tiết khắc nghiệt khiến toàn bộ đoàn người trên tàu rơi vào một hoàn cảnh hiểm nghèo và họ đòi quay trở lại Anh. 

Chân dung ông John White
Chân dung ông John White

Thay vì ở lại, ông cũng quyết định quay về Anh và tìm sự trợ giúp bởi ông hiểu rằng một mình ông sẽ không tìm được họ. Ông đi cầu viện ở khắp nơi mong được tài trợ một chuyến thám hiểm xuyên Đại Tây Dương để tìm lại những đồng bào của mình.

Tuy nhiên, cầu viện thất bại khiến cho John White không bao giờ có cơ hội trở lại Tân Thế Giới nữa. Cũng từ đó, số phận của 115 người, trong đó có vợ, con gái và cháu gái của John White trở thành “bí ẩn”. Cái gọi là Tân Thế Giới biến mất không dấu vết. 

“Nhiệm vụ” khó khăn

Từ đây, hàng loạt giả thuyết về sự mất tích ra đời. Với những manh mối mà ông John White để lại, các chuyên gia tại Bảo tàng Anh đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu về  những chuyện có thể đã xảy ra đối với đoàn di cư sau khi John White trở về Anh lấy quân viện trợ năm 1587.

Ông Neil MacGregor, cựu giám đốc Bảo tàng Anh cho biết, mặc dù John White tin rằng đoàn di cư đã di chuyển xuống hòn đảo Hattera. Tuy nhiên các nhà sử học không tìm thấy bằng chứng chứng minh nhận định của John White cho đến năm 1993. Khi một cơn bão lớn càn quét qua đây đã để lộ một lượng lớn đồ gốm và những tàn dư khác của một ngôi làng và rất có thể đó là cộng đồng người di cư Anh.

Năm 1988, một nhóm nghiên cứu của nhà khí hậu học David W. Stahle thuộc Đại học Arkansas và nhà khảo cổ học Dennis B. Blanton thuộc trường Đại học William and Mary của Mỹ đã tới hòn đảo này để tìm hiểu về lượng mưa và thời tiết. Kết quả, các nhà khoa học nhận định rằng những người định cư Anh đã đến đảo Roanoke vào mùa hè hạn hán nhất trong vòng 800 năm tính ở thời điểm đó.

“Hạn hán kéo dài suốt 3 năm, từ 1587-1589 gây ảnh hưởng đến toàn bộ miền Đông Nam nước Mỹ và đặc biệt nghiêm trọng là ở khu vực đảo Roanoke. Rất có thể người định cư anh đã bị bắn và giết bởi người da đỏ Croatan để chiếm thấy thực phẩm”, ông David W. Stahle phân tích. 

Vào năm 2013, nhà khảo cổ học Mark Horton thuộc Đại học Bristol (Anh) dẫn đầu một nhóm nghiên cứu địa phương có tên là Hội Khảo cổ học Croatoan tìm đến hòn đảo này. Nhóm phát hiện ra một loạt hiện vật tại trung tâm ngôi làng của người da đỏ Croatoan.

Chữ “CRO” được khắc trên cây, dấu vết duy nhất còn sót lại.
Chữ “CRO” được khắc trên cây, dấu vết duy nhất còn sót lại. 

Điều đáng nói là, trong số hiện vật đó có những vật dụng của người châu Âu, bao gồm thanh trường kiếm mà một quý tộc châu Âu thường mang theo, vài miếng đồng châu Âu, súng, đạn chì và một phiến đá kèm bút chì. Điều này minh chứng cho giả thuyết, người định cư Anh đã kết hôn và sinh sống cùng người da đỏ Croatoan. 

“Nhiệm vụ quan trọng lúc này là tìm lại những bằng chứng cho thấy sự tồn tại của đoàn người di cư Anh tới đảo Roanoke. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chuyến di cư của John White năm 1587 là một nỗ lực thất bại. Họ đã đến đây, đã sinh sống. Những hiện vật chúng tôi tìm thấy chứng minh phần nào nhận định đó. Chúng ta không lãng quên quá khứ. Tìm hiểu nó là nhiệm vụ của những người ở thời hiện tại”, ông Mark Horton cho hay.