Khẩn trương điều tra vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ

(PLO) - Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, nhóm điều tra của Nga có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay ngay vào công tác điều tra tại hiện trường vụ án mạng - Trung tâm Nghệ thuật đương đại Ankara, nơi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị sát hại 1 ngày trước đó.
Thi thể Đại sứ Andrei Karlov đã được đưa về nước
Thi thể Đại sứ Andrei Karlov đã được đưa về nước

Điều tra hỗn hợp

Nhóm điều tra, với thành phần gồm đại diện Ủy ban Điều tra Nga, Bộ Tình trạng khẩn cấp và các cơ quan sức mạnh khác đã chia thành hai tốp đến xem xét kỹ hiện trường vụ án mạng và Cơ quan quản lý pháp y Ankara, nơi hiện bảo quản xác nhà ngoại giao xấu số Nga. 

Trong khi đó, phát biểu cùng ngày tại lễ khai trương tuyến đường hầm ngầm qua eo biển Bosphorus, nối liền phần châu Á và châu Âu của thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định ủy ban điều tra hỗn hợp Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đã bắt đầu công tác điều tra vụ án mạng này. Ông đồng thời cũng tuyên bố thay mặt cho đất nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ vụ sát hại Đại sứ Nga và khẳng định thủ phạm sẽ phải đền tội đích đáng. Tổng thống Erdogan nêu rõ "tất cả những đối tượng liên quan vụ việc đều sẽ bị đưa ra xét xử dưới ánh sáng công lý". Theo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng nhất trí rằng vụ sát hại Đại sứ Nga sẽ không cản trở hợp tác giữa hai nước, trong đó có vấn đề Syria.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/12, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tại Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik gọi vụ giết hại Đại sứ Nga là hành động khủng bố và cam kết tìm bằng được các thủ phạm, cũng như cung cấp mọi thông tin cần thiết cho phía Nga để vụ việc sớm được đưa ra ánh sáng. 

Đại sứ Nga Karlov bị bắn tử thương ngày 19/12 trong khi phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật về nước Nga tại thủ đô Ankara. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết kẻ tấn công đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Trong vụ ám sát, còn có 3 người khác bị thương. Hiện nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 7 người được cho là có liên quan đến vụ án mạng nghiêm trọng này.

Cơ mưu sau vụ ám sát?

Trang mạng "Expert.ru" đã đăng bài phân tích cho rằng mục tiêu thật sự của vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm giáng một "đòn chí tử" vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. 

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị bắn chết khi vừa kết thúc lời phát biểu khai mạc buổi triển lãm ảnh “Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ”. Vụ việc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy trong giới lãnh đạo cấp cao thế giới. Họ gọi đây là “tội ác” (lời của Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini), là “nhục nhã” (lời của Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski) và "hèn hạ” (lời của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson). 

Giả thuyết chính thức mà Moskva và Ankara đưa ra là vụ việc nhằm chia rẽ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Chavutoglu nói: “Cả lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều hiểu rất rõ rằng vụ khủng bố không chỉ nhắm vào ông Karlov mà còn nhắm vào hai nước. Đây là vụ tấn công nhắm vào ý chí chính trị của Nga và Thổ Nhĩ  Kỳ khi hai nước đang muốn đặt hợp tác lên hàng đầu”. Nếu thực tế đúng như vậy thì có thể hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không phá vỡ mối quan hệ Nga-Thổ chỉ vì ông Erdogan đã không "bảo vệ được tính mạng" của đại sứ Nga. 

Thủ phạm Altytash từng bị đuổi khỏi ngành cảnh sát trong quá trình Thổ Nhĩ Kỳ thanh lọc các cơ quan bảo vệ pháp luật khỏi những thân tín của giáo sỹ Fethullah Gulen, người đã âm mưu tiến hành cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Erdogan là người chịu thiệt hại nhất từ vụ khủng bố, mất không chỉ uy tín mà cả không gian để hành động trong đàm phán với Moskva. Thứ nhất, có thể ông Erdogan sẽ phải trao vô điều kiện cho Nga những nhân vật mà ủy ban điều tra yêu cầu. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhượng bộ Moskva trong vấn đề Syria, ví dụ trong việc cung cấp tay súng từ Idlib. Có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn phải "đền bù" Nga bằng nhiều hình thức khác mà dư luận sau này mới biết hoặc sẽ không bao giờ biết được. 

Về giả thuyết mà Moskva đưa ra, đó là vụ ám sát ông Karlov “nhằm phá vỡ tiến trình hòa bình tại Syria mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và nhiều nước khác đang tiến hành”, hòng buộc Nga phải có những hành động nào đó, giới phân tích cho rằng khả năng này cũng ít xảy ra vì thứ nhất, vụ sát hại đại sứ Karlov chỉ càng làm tăng vị thế của Nga tại Syria. Thứ hai, thật ngây thơ khi nghĩ rằng ông Putin sẽ sợ hãi sau vụ ám sát đại sứ Karlov và rút quân khỏi Syria. Thứ ba, nếu cho rằng sau vụ ám sát nói trên, Moskva sẽ từ chối đàm phán với phe đối lập Syria thì cũng thật nực cười vì Nga không dễ dao động và thường có khuynh hướng suy tính rất kỹ trước khi thực hiện một quyết định nào đó. 

Vì vậy, giả thuyết thực tế nhất là mục tiêu của kẻ khủng bố không phải là ông Karlov mà là ông Erdogan. Vụ giết hại đại sứ Nga sẽ giáng một đòn toàn diện vào vị thế của Tổng thống Erdogan ở cả trong lẫn ngoài nước. Vụ sát hại này phơi bày những điểm yếu của ông Erdogan khi ông không thể kiểm soát nổi tình huống trong nước (điều mà cả nhà đầu tư lẫn khách du lịch, trong đó có khách du lịch Nga, đều sẽ nhìn thấy), và buộc ông Erdogan phải siết chặt kỷ luật tại Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này sẽ gây nên sự phản kháng của người dân, làm mất uy tín của Ankara trong con mắt của Nga cũng như toàn thế giới. 

Nga tăng cường an ninh

Ngày 20/12, sau vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho các cơ quan đặc nhiệm phải tăng cường phối hợp với các đồng nghiệp tại các nước khác để đảm bảo an ninh.

Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày truyền thống các cán bộ cơ quan an ninh quốc gia, Tổng thống Putin đã đề nghị các cơ quan đặc nhiệm thi hành các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh ở trong và bên ngoài nước Nga, tăng cường an ninh của các cơ quan Nga tại nước ngoài và các nhân viên của những cơ quan này. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ thị cho các cơ quan an ninh quốc gia và ủy ban chống khủng bố quốc gia phải “duy trì sự cảnh giác tối đa và khả năng cơ động”.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, cần hành động rõ ràng và thành thục trên tất cả các tuyến chống khủng bố, bao gồm vô hiệu hóa các tay súng và các thủ lĩnh, ngăn chặn các tội phạm có khuynh hướng khủng bố và phá vỡ các kênh tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Theo ông Putin, cũng cần phải chú ý hơn đến chủ nghĩa cực đoan, bao gồm ngăn chặn hoạt động tuyên truyền bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc, kể cả trên các mạng xã hội, không để thanh niên bị lôi kéo vào các nhóm cấp tiến vì đây chính là nguy cơ thực tế đe dọa sự ổn định xã hội đa dân tộc của Nga...