Kinh hoàng thiếu nữ 16 tuổi bị bố mẹ đồng thuận cho thiêu sống

Cô gái đã giúp một đôi trai gái bỏ trốn. Cô gái đã bị trói và thiêu chết trong chính chiếc xe được sử dụng để giúp cặp đôi kia trốn thoát. 
Kinh hoàng thiếu nữ 16 tuổi bị bố mẹ đồng thuận cho thiêu sống

Theo Reuters, vụ giết người này xảy ra vào tuần trước tại thị trấn Donga Gali, cách thủ đô Islamabad khoảng 50 km về phía đông bắc.

Vụ giết người được gọi với cái tên "hành quyết vì danh dự" đã diễn ra theo lệnh của các trưởng lão như một hình phạt, vì nạn nhân đã giúp một cặp đôi đến từ ngôi làng Makol gần đó.

Cặp đôi này đã vi phạm luật lệ do bỏ trốn cùng nhau, và các trưởng lão cho rằng sự tham gia của cô gái 16 tuổi trong vụ việc này đã gây ra thiệt hại không thể bù đắp nổi đối với danh tiếng của ngôi làng.

Các trưởng lão đã "đưa cô gái tới một khu vực bị bỏ hoang bên ngoài làng, tiêm một loại thuốc gì đó khiến cô gái bất tỉnh," cảnh sát trưởng quận Saeed Wazir cho biết.

"Sau đó họ cho cô gái ngồi trong chiếc xe mà cặp đôi nọ đã dùng để bỏ trốn. Họ trói tay cô gái vào ghế xe, rồi tưới xăng lên cô gái và cả chiếc xe."

Wazir cho biết sau đó chiếc xe đã bị thiêu cháy và bình luận: "Cả đời tôi chưa từng thấy một vụ tấn công nào dã man tới vậy."

Theo Reuters, 15 thành viên của hội đồng bộ lạc đã bị bắt trong vụ việc này, cùng với đó là mẹ và anh trai của nạn nhân, những người được cho là đã tham dự buổi họp đưa ra quyết định giết nạn nhân và đã đồng thuận với phán quyết.

AP cho biết có 13 người đã bị bắt vì liên quan tới vụ việc. Hãng tin cũng nói rằng cô gái đã bị bóp cổ tới chết chứ không phải bị đánh thuốc mê, trước khi chiếc xe bị thiêu cháy.

Tại Pakistan, hội đồng bộ lạc không có quyền lực pháp lý, nhưng thường được triệu tập để giải quyết các xung đột địa phương. Hiện tượng này diễn ra đặc biệt phổ biến ở khu vực bộ lạc phía tây bắc đất nước.

Hàng trăm vụ hành quyết vì danh dự - một truyền thống cổ xưa với mục đích lấy lại danh dự cho gia đình bằng cái chết của kẻ phạm tội - đã và đang được tiến hành tại Pakistan hằng năm. Người thân của các nạn nhân thường tham gia vào những tội ác này.

Có rất ít những vụ hành quyết như vậy được đưa ra trước tòa án, và nếu được xét xử, các bị cáo cũng thường được thẩm phán ân xá theo một thông lệ xuất phát từ luật sharia Hồi giáo. Các nhà lập pháp Pakistan đang cố gắng giải quyết lỗ hổng này.