Mỹ gấp rút đánh giá chiến lược đối phó với Triều Tiên

(PLO) - Đối mặt với phép thử ngày càng mạnh mẽ từ phía Triều Tiên, các cố vấn của Tổng thống Mỹ đang gấp rút hoàn thành đánh giá về cách thức đối phó với đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo Reuters, các vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng và vụ sát hại công dân người Triều Tiên được cho là ông Kim Jong Nam – anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - ở Malaysia khiến cho sự cần thiết phải vạch ra chiến lược để đối phó với các thách thức an ninh đối với Mỹ trở nên cấp bách hơn. 

Theo các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, tất cả các lựa chọn đều đang được cân nhắc, bao gồm từ việc thắt chặt các lệnh trừng phạt để buộc Triều Tiên phải qua trở lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân cho tới việc đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ trở lại Hàn Quốc và thậm chí cả tiến hành không kích nhằm vào các cơ sở lắp đặt tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, hiện các quan chức Mỹ cho rằng việc tiến hành các hành động quân sự phủ đầu là quá nguy hiểm bởi nó có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh trong khu vực và gây thương vong lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như hàng chục nghìn binh lính Mỹ đang đóng quân ở cả 2 nước này. Dù vậy nhưng ý tưởng này có thể sẽ tiếp tục được đưa ra nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể nhắm tới Mỹ.

Ngoài ra, một quan chức tiết lộ, trong số các biện pháp khác đang được đưa ra xem xét có việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố của Mỹ. Đề xuất này được đưa ra dựa trên thông tin cho rằng chất độc thần kinh đã được sử dụng trong vụ sát hại công dân Triều Tiên ở Malaysia hồi tháng trước.

Nếu biện pháp này được thông qua, bên cạnh các biện pháp trừng phạt nặng do LHQ và các nước hiện đang áp đặt, Bình Nhưỡng sẽ phải chịu thêm các trừng phạt tài chính bổ sung vốn đã được hủy bỏ sau khi nước này được đưa ra khỏi danh sách hồi năm 2008. Bên cạnh đó, ông Trump cũng có thể sẽ chọn việc gia tăng các cuộc tấn công mạng và các hành động khác để làm suy yếu giới lãnh đạo Triều Tiên.

Trong tình hình hiện nay, các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, hiện giới chức Mỹ đang dần đạt được sự đồng thuận với giải pháp tăng cường áp lực ngoại giao và kinh tế - đặc biệt là việc thúc đẩy Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn trong vấn đề Triều Tiên, cùng lúc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến tới Hàn Quốc và có thể là cả Nhật Bản. Dự kiến, bản đánh giá này sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 3 này. 

Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tuần tới sẽ có chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức. Trong đó, ông Tillerson sẽ có mặt tại Nhật Bản vào ngày 15/3. Ngày 17/3, ông thăm Hàn Quốc và sau đó có chuyến thăm Trung Quốc trong 2 ngày 18 và 19/3. Trong các chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng như lợi ích an inh và kinh tế của Mỹ trong khu vực.  

Liên quan đến các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, theo AFP, Hội đồng bảo an LHQ ngày 7/3 đã mạnh mẽ lên án các vụ việc này và bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành vi gây bất ổn ngày càng tăng của Bình Nhưỡng. Việc lên án mạnh mẽ này được đưa ra trong tuyên bố của LHQ do Mỹ soạn thảo và được các thành viên trong HĐBA LHQ nhất trí thông qua bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc do việc Washington hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến tới Hàn Quốc. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/3 thì kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự chung để mở đường cho tất cả các bên quay trở lại bàn đàm phán.