Quan tham Trung Quốc nhờ đến PR “đen” để làm sạch hình ảnh

(PLO) - Xuất phát từ vai trò quan trọng của internet trong việc vạch mặt các quan chức tham nhũng, một ngành công nghiệp quan hệ công chúng bất hợp pháp (còn gọi là PR “đen”) đang phát triển khá rầm rộ tại Trung Quốc. 
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố chiến dịch chống tham nhũng hồi tháng 1 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra nhằm loại bỏ tệ nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Trong cuộc chiến này có sự đóng góp không nhỏ của người dân trong việc phát hiện và đưa các quan tham ra trước công lý. 
Điển hình như trường hợp của ông Yang Dacai – một quan chức của tỉnh Thiểm Tây. Ông Yang Dacai bị cáo buộc đã sử dụng công quỹ để mua nhiều vật dụng cá nhân như đồng hồ đắt tiền và quần áo sang trọng. Riêng tủ quần áo của ông ta được cho là có giá trị đến 173.250 USD. Sau khi những thông tin này được đăng tải trực tuyến đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên không gian mạng và thu hút sự chú ý của chính quyền Trung ương, kéo theo một cuộc điều tra và ông Yang Dacai bị sa thải ít lâu sau đó. 
Vì hiệu quả của Weibo và các trang mạng xã hội khác trong việc phổ biến thông tin nên đây đang được xem là một công cụ hiệu quả nhằm hạn chế quyền lực của các quan chức địa phương và truy quét nạn tham nhũng tại Trung Quốc. Bối cảnh này chính là cơ hội cho ngành công nghiệp quan hệ công chúng (PR) phát triển mạnh ở Trung Quốc. Một số công ty PR “đen” được cho là đã được các quan chức địa phương ủy quyền để làm sạch hình ảnh của họ trên mạng internet. 
Cụ thể, các “quan tham” đã sử dụng các công ty này để ngăn chặn các cư dân mạng phát hiện các vụ bê bối và ngăn chặn các cuộc phản đối của đám đông trên không gian mạng. Các dịch vụ này vì thế sẽ bảo vệ được họ khỏi những cuộc điều tra của cư dân mạng và chính quyền Trung ương, cho phép họ tiếp tục tham nhũng. Một số công ty PR thuộc dạng này làm ăn phát đạt như Yage Times,  Xinxun Media hay Origin of Brightness. 
Đại diện của một công ty PR “đen” cho biết, các dịch vụ của công ty này không hạn chế trong việc xóa thông tin trên các diễn đàn mà còn trên cả các cổng thông tin. “Chúng tôi xóa tên của quý vị khỏi các blog, diễn đàn, trang tin, Weibo và mọi thứ. Để xóa một câu chuyện trên trang People’s Daily hay Tân Hoa xã sẽ tốn khoảng 2.120 USD” – người này cho hay. 
Theo một báo cáo của tờ Caixin, công ty Yage Times đã kiếm được 7,9 triệu USD lợi nhuận với mức giá từ 160 đến 1.600 USD cho việc xóa một bài đăng hoặc hơn 16.000 USD cho việc chặn một từ khóa tìm kiếm. Cũng theo báo cáo, các công ty PR “đen” thường sử dụng quan hệ của họ với các nhân viên của các trang web hoặc các cổng thông tin có bài viết cần phải xóa, sau đó hối lộ họ để loại bỏ thông tin. Nếu cách này không hiệu quả, họ có thể hối lộ cảnh sát để cảnh sát yêu cầu các trang web xóa bỏ bài viết. Liều lĩnh hơn, các công ty này thậm chí còn giả mạo dấu của chính quyền để gửi các yêu cầu rút bài viết khỏi trang web tới đơn vị chủ quản. 
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc gần đây đã phát hiện hoạt động của các công ty PR “đen” và đã bắt đầu trấn áp các công ty này. Mặc dù vậy nhưng việc truy quét cả một ngành công nghiệp hoạt động bí mật như vậy hẳn không phải là việc dễ dàng.