Tòa bác kiến nghị về lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump: Nhiều người vội vã đến Mỹ

(PLO) - Một tòa án phúc thẩm liên bang của Mỹ bác bỏ kiến nghị của chính phủ đề nghị khôi phục lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, kéo theo việc nhiều người từ 7 nước trong lệnh cấm vội vã tới nước này trước các diễn biến pháp lý tiếp theo.
Sinh viên người Iran Sara Yarjani tới Mỹ sau khi bị đưa trả về Vienna hồi tuần trước theo lệnh cấm của ông Trump. Ảnh: Reuters
Sinh viên người Iran Sara Yarjani tới Mỹ sau khi bị đưa trả về Vienna hồi tuần trước theo lệnh cấm của ông Trump. Ảnh: Reuters

Theo AFP, phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang Mỹ là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi bắt đầu hôm 27/1 vừa qua, khi ông Trump ban hành lệnh cấm người tị nạn và hành khách từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Thẩm phán liên bang James Robart ở bang tây bắc Washington sau đó đã ra phán quyết tạm thời ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump. 

Đến đêm 4/2, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình kiến nghị lên tòa phúc thẩm liên bang, cho rằng việc đình chỉ lệnh cấm của ông Trump sẽ gây ra “tổn hại không thể khắc phục” với công chúng Mỹ. Bộ này cũng cho rằng phán quyết của ông Robart đã đụng chạm tới vấn đề phân quyền theo hiến pháp và mang tính võ đoán về phán đoán về an ninh quốc gia của tổng thống. 

Tuy nhiên, rạng sáng 5/2, Tòa phúc thẩm khu vực 9 đã bác bỏ kiến nghị của Bộ Tư pháp mà không nêu lý do. Tòa này yêu cầu các bang Washington và Minnesota – là những nơi đã đệ đơn kiện liên quan đến lệnh cấm - cung cấp thêm các tài liệu trong ngày 6/2. Bộ Tư pháp Mỹ cũng được cho thời hạn đến 23h00 GMT cùng ngày để hoàn tất hồ sơ pháp lý của Bộ về vấn đề.

Theo Reuters, ngay sau khi phán quyết của tòa được công bố, ông Trump đã có một loạt những phát biểu tấn công giới chức tư pháp của Mỹ. Trong đó, ông nói rằng Thẩm phán James Robart và hệ thống tòa án của nước này sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra. Ông cũng cho biết đã yêu cầu Bộ An ninh nội địa “kiểm tra những người tới Mỹ một cách cực kỳ cẩn thận”. “Tòa án đã khiến công việc trở nên vô cùng khó khăn” – ông nói. 

Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump, gọi phán quyết của tòa là một quyết định “gây bực bội”. “Chúng tôi sẽ sớm có những động thái để giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi này vì chúng tôi sẽ có những bước đi cần thiết để bảo vệ đất nước – điều mà tổng thống của nước Mỹ có thẩm quyền thực hiện” – ông Pence tuyên bố. 

Việc một tổng thống tại nhiệm chỉ trích một thành viên của cơ quan tư pháp – người được chỉ định theo Hiến pháp để giám sát việc thực thi quyền lực của nhánh hành pháp và quốc hội – là một việc làm hiếm khi xảy ra. Thượng nghị sỹ Patrick Leahy – một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban tư pháp của Thượng viện – nói rằng ông Trump dường như đang có ý định tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Mỹ.

Một số thành viên của đảng Cộng hòa cũng tỏ ra không hài lòng với tình hình hiện nay. “Tôi nghĩ tốt nhất không nên chỉ trích các thẩm phán. Chúng ta đều thất vọng hết lần này đến lần  khác về những phán quyết của tòa đối với những vấn đề mà chúng ta quan tâm. Nhưng tôi nghĩ tốt nhất là nên tránh chỉ trích những thẩm phán” – lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nói.

Trong khi đó, AFP đưa tin, theo phán quyết của ông Robart, những hành khách từ 7 nước trong sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump và đang có thị thực còn giá trị đã bắt đầu tới Mỹ, nhiều người khác cũng đang chuẩn bị tới. Tại New York, bác sỹ 33 tuổi người Sudan Kamal Fadlalla đã hào hứng trở lại hội ngộ các đồng nghiệp và bạn bè sau khi bị chặn ở quê nhà trong 1 tuần. “Thật tuyệt. Đó thực sự là 1 tuần khó khăn” – anh nói.

Tại Syria, một luật sư 25 tuổi cũng cho biết sẽ tới Beirut để đáp máy bay tới New York. Tại Iran, một phụ nữ 30 tuổi cũng đã mua lại vé máy bay để khởi hành tới Mỹ từ đêm 5/2. “Sau thông tin này, chúng tôi có thể đón nhận những thông tin khác. Mọi việc vẫn chưa được đoán định nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro” – người này cho hay.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những người tại 7 nước trên nếu có thị thực tới Mỹ sẽ vẫn được tới nước này nếu giấy tờ của họ chưa bị hủy bỏ. Trước đó, Bộ này đã thu hồi thị thực của khoảng 60.000 người theo lệnh của ông Trump.