Trung Quốc muốn tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân

(PLO) - Trung Quốc phải tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân và phản công để theo kịp chiến lược phát triển hạt nhân của Mỹ và Nga.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Reuters, bình luận trên được đưa ra trong một bài viết vừa được đăng tải trên tờ PLA Daily – cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Lý giải về nhận định của mình, tờ báo trên dẫn thông tin từ dự thảo báo cáo Đánh giá thái độ hạt nhân do tờ Huffington Post tiết lộ, cho hay chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đang theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân mới và có thể công khai mở rộng khả năng trả đũa bằng hạt nhân với những cuộc tấn công phi hạt nhân lớn.

Theo PLA Daily, động thái “chưa từng có tiền lệ” của Mỹ cộng với việc chất lượng của kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga tiếp tục được cải thiện có nghĩa là hai nước này đặt tầm quan trọng lớn hơn vào khả năng ngăn chặn và chiến đấu thực sự.

“Trong thế giới khó đoán định hiện nay, để nâng cấp năng lực của chiến lược ngăn chặn của đất nước nhằm hỗ trợ vị thế siêu cường của chúng ta, chúng ta phải tăng cường sự đáng tin cậy của khả năng ngăn chặn và phản công hạt nhân”, tờ báo viết. 

Theo bài báo, sự thay đổi là cần dù Trung Quốc đã phát triển vũ khí hạt nhân để tránh bị các cường quốc hạt nhân "bắt nạt".

Bài báo cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ luôn luôn gắn bó với nguyên tắc “không sử dụng trước” và mục đích cuối cùng là loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Dẫn thông tin từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chi phí bảo trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong 30 năm tới lên đến hơn 1,2 nghìn tỉ USD, bài viết cũng cho rằng cả Nga lẫn Mỹ đều không từ bỏ vũ khí hạt nhân và đang tìm kiếm các vũ khí công nghệ cao.

Về phía Nga, theo bài viết của PLA Daily, chi phí cho chương trình hiện đại hóa quân đội Nga cũng tương đương với Mỹ, nhằm đẩy mạnh phần vũ khí tiên tiến trong kho vũ khí hạt nhân của Nga lên đến ít nhất 90% vào năm 2021.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang giám sát chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó có việc chế tạo phi đạn mang đầu đạn hạt nhân tiên tiến. Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964.

Bài bình luận này do hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Quân sự của PLA - một viện nghiên cứu hàng đầu trực tiếp chịu trách nhiệm trước Quân Ủy Trung ương Trung Quốc – viết.