Tiền từ thiện 'chạy' đi đâu?
Năm qua là năm quá nhiều thị phi của các nghệ sĩ, trong đó, câu chuyện làm từ thiện thiếu minh bạch là một trong những nguyên do khiến nghệ sĩ chịu nhiều búa rìu dư luận nhất. Thực tế, chuyện nghệ sĩ kêu gọi, làm từ thiện tự phát là câu chuyện đã có hàng chục năm qua. Với sức ảnh hưởng và lượng fan hâm mộ lớn, một khi đứng ra kêu gọi, nghệ sĩ sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của công chúng.
Tuy nhiên, chỉ cho đến gần đây, sau quá nhiều sự cố xảy ra, người ta mới nhận ra rằng, dường như cách làm từ thiện tự phát ấy rất không ổn. Số tiền huy động được để làm từ thiện, có khi vài tỉ, vài chục tỉ, có lúc lên đến cả trăm tỉ đồng, nhưng trước giờ, dường như đều đổ vào tài khoản cá nhân của nghệ sĩ. Để rồi, người đóng góp nhận về những thông tin không rõ ràng, việc từ thiện được liệt kê chỉ bằng những tấm ảnh, video cho thấy quá trình phát quà. Có nghệ sĩ, huy động hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ công bố trên 1 tờ giấy A4, với những gạch đầu dòng và những dòng chữ viết tay.
Có nghệ sĩ, như Hoài Linh, chậm trễ giải ngân 14 tỉ đồng do nhà hảo tâm quyên góp cứu trợ miền Trung đến gần 1 năm trời. Trong thời gian ấy, số tiền từ thiện nằm trong tài khoản Hoài Linh hoặc được dùng làm gì, chưa ai rõ.
Cạnh đó, trên mạng xã hội xảy ra tranh cãi “sao kê từ thiện” liên quan nhiều NS nổi tiếng như: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Trấn Thành... Các nghệ sĩ này đều kêu gọi từ thiện, quyên góp, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020 với số tiền từ vài tỉ đến hàng trăm tỉ đồng. Có người tiến hành sao kê trước sức ép của dư luận, có người đến nay vẫn chưa minh bạch được. Và khi sao kê, lại lộ rõ ra nhiều vấn đề: Nghệ sĩ kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào, nhưng tự ý... chuyển khoản quyên góp cho người khác.
Sau những ồn ào nói trên, Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc. Hàng loạt tỉnh miền Trung từng được nghệ sĩ hỗ trợ lũ lụt đã phải cùng góp tay trong việc xác minh, làm rõ số tiền mà các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, từ thiện tại các địa phương. Các nghệ sĩ cũng đã nhiều lần được mời đến làm việc tại cơ quan điều tra về những tố cáo nói trên.
Sau những sự việc này, uy tín, danh dự của nhiều nghệ sĩ bị “xuống cấp” trầm trọng. Nhiều nghệ sĩ đang từ chỗ có nhiều người hâm mộ, có uy tín, thì nay đã trở thành nghệ sĩ bị chỉ trích, mất đi sự hâm mộ của đa số công chúng.
Thực tế, phải thừa nhận, để sự việc đến mức như hiện nay, không thể không có lỗi của các nghệ sĩ. Lỗi ấy, có thể do cố ý, cũng có thể là vô tình. Khi mà, cách làm từ thiện tự phát, “thủ công” đã tồn tại từ quá nhiều năm qua. Niềm tin vô điều kiện của người dân khiến các nghệ sĩ chủ quan, từ đó sa vào câu chuyện mập mờ, thiếu minh bạch. Và trong đó, cũng có không ít người là cố ý, mờ mắt vì tiền.
Không chỉ có giới nghệ sĩ, thời gian qua, dư luận cúng chứng kiến sự “ngã ngựa” của hàng loạt những cá nhân nổi tiếng về các hoạt động từ thiện. Có nhóm từ thiện hóa ra chuyện dựng lên những câu chuyện cảm động nhằm lấy nước mắt người dân, trục lợi tiền từ thiện. Có nhóm từ thiện, huy động rất nhiều từ người dân, nhưng trao cho người nghèo lại rất ít.
Nhưng về phần mình, công chúng cũng không hẳn là không có lỗi. Để cho lòng hâm mộ người nổi tiếng, để tình thương che mờ lý trí, nhiều người đã sẵn sàng chuyển tiền mà không cần kiếm chứng thông tin, không đòi hỏi sự minh bạch. Để rồi, có những người đã lợi dụng sự tin tưởng ấy, trục lợi cho bản thân một thời gian dài, sống sung sướng trên cảnh khổ của người nghèo.
Chuẩn hóa hoạt động từ thiện
Việc nhập nhằng tài khoản cá nhân trong làm từ thiện dẫn đến thiếu minh bạch và hàng loạt vấn đề khác đã ảnh hưởng không hay đến rất nhiều phía. Về phần người làm từ thiện, điều này khiến nhiều người làm từ thiện chân chính bị “hàm oan”, khi mà họ làm việc thiện xuất phát từ tâm, nhưng chỉ vì thiếu chuyên nghiệp, không rõ ràng nên bị dư luận ném đá, cộng đồng quay lưng.
Trấn Thành kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng rồi lại chuyển cho người khác, không có sự đồng ý của người ủng hộ. |
Ở một chiều khác, giờ đây, công chúng đã thất vọng với nhiều hoạt động từ thiện tự phát từ nghệ sĩ và nhiều cá nhân có tiếng. Xuất phát từ sự thiếu rõ ràng về tiền bạc, giờ đây, người ta lo lắng rằng số tiền chuyển qua các “trung gian từ thiện” sẽ không đến được tay người cần giúp, và chùn tay khi ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn.
Cơn bão “sao kê” vừa qua chính là một cuộc đại phẫu lớn. Để rồi, dư luận xã hội nhìn nhận ra những lổ hổng trong công tác từ thiện của nghệ sĩ, của cá nhân. Từ đó, dẫn đến nhiều thay đổi trong hoạt động từ thiện.
Mới đây, ngày 11/12/2021, Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được ban hành đã chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, trong Nghị định ghi rõ các cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp; bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện.
Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; các cá nhân phải có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Dự thảo Thông tư nêu rõ về nguyên tắc kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động này đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định của thông tư này.
Đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động xã hội từ thiện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị.
“Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hàng năm phải lập báo cáo cho hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định, thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị minh bạch và rõ ràng” - dự thảo thông tư nêu rõ.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư cũng quy định việc cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản tiếp nhận và sử dụng cho mục đích xã hội từ thiện, lập báo cáo sau khi kết thúc đợt vận động theo quy định, đồng thời thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác kế toán của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kế toán.
Như vậy, có thể thấy, theo các Nghị định và dự thảo thông tư mới, hành lang pháp lý đã khá rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện có thể dựa vào đó để quản lý tài chính. Dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước có chức năng kiểm tra, giám sát, dòng tiền sẽ được thể hiện rõ đi từ những đâu và đã đến được những “điểm rơi nào”. Với những quy định mới này, những kẻ manh nha lợi dụng tổ chức quyên góp từ thiện trục lợi sẽ chùn tay trước sự trừng trị thích đáng của pháp luật.