Tại buổi giám sát, PGĐ Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Thanh Khiết nhấn mạnh khó khăn trong việc xác định tình trạng của người nghiện trước khi lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Thống kê từ 2016-2019, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại TP HCM tăng bình quân hơn 5,7%/năm. Số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ 70-80% và số người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm 25-35%.
Đặc biệt, số lượng vũ khí thu được từ các vụ án ma túy tại TP trong năm luôn cao hơn so với các án hình sự (từ năm 2016-2019). Hiện tại, chính quyền quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có 865 người.
Tính đến thời điểm báo cáo, các địa phương ở TP HCM đã tiếp nhận 10.983 người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Theo luật, muốn xác định tình trạng nghiện phải giữ không cho họ sử dụng ma túy 48-72 giờ tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện không có quy định về cơ quan tạm giữ người nghiện trong thời gian này.
Thêm vào đó, với trường hợp TAND quận, huyện đưa ra quyết định cai nghiện bắt buộc, người nghiện có 3 ngày chờ kháng cáo. Trong 3 ngày này, nhiều đối tượng đã bỏ trốn do không ai giám sát.
Song song với đó, hiện không thể xác định tình trạng nghiện vì nhiều loại ma túy người nghiện sử dụng không thuộc danh mục quy định của Bộ Y tế, như bồ đà, các chất hướng thần khác. “Xác định được tình trạng nghiện thì tòa mới xử. Bao nhiêu người bị bắt vào nhưng không xác định được tình trạng nghiện, cuối cùng phải trả về địa phương”, ông Khiết thông tin.
Giai đoạn sau cai nghiện cũng tồn tại vướng mắc gây khó cho ngành chức năng.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy 2008 quy định người nghiện ma túy sau thời gian cai nghiện bắt buộc phải chịu sự quản lý sau cai nghiện 1-2 năm. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 lại không quy định biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy dẫn đến nhiều trường hợp tái nghiện.
Ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Kiểm soát phòng chống ma túy, Cục Hải quan TP HCM chỉ ra việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, dẫn đến giảm kiểm tra hàng hóa hơn 90%, trong khi máy móc không được trang bị đầy đủ dẫn đến nguy cơ bỏ sót ma túy ra, vào cửa khẩu ngày càng cao.
“Đường chuyển phát nhanh đang được tội phạm sử dụng rất nhiều vì hàng gửi về có code giúp theo dõi hàng đi đến đâu. Nếu sau 2-3 giờ họ thấy không được thông quan là biết hàng không qua và bỏ luôn”, ông Nam chia sẻ.
Đội trưởng Kiểm soát phòng chống ma túy cũng cho biết thêm các đối tượng buôn ma túy đều sử dụng dịch vụ trung gian như đại lý dịch vụ hoặc công ty dịch vụ bưu điện để gửi, nhận hàng nên khi phát hiện ma túy ở cửa khẩu cũng rất khó bắt đối tượng chính.
Nhận định tương tự, PGĐ Công an TP HCM, Đại tá Đinh Thanh Nhàn cho biết, nhiều đối tượng phát hiện Việt Nam có sơ hở trong xuất, nhập khẩu hàng hóa nên đã lợi dụng để vận chuyển ma túy bằng cách đội lốt DN xuất nhang, phế liệu... để đưa ma túy thông quan.
Đại diện ngành hải quan và công an TP đều kiến nghị cần tăng cường máy móc, thiết bị cho hải quan, tránh để lọt đối tượng buôn bán ma túy.
Tang vật trong một vụ buôn bán vận chuyển ma túy phát hiện tại TP HCM hồi tháng 3/2019 |
Đại tá Đinh Thanh Nhàn cho biết thêm, hiện TP HCM có 9 địa bàn, 6 tụ điểm, 7 điểm phức tạp về ma túy. Các tụ điểm, điểm phức tạp về mua bán ma túy thường có nhiều hẻm nhỏ chằng chịt, thông với nhau ra nhiều đường, nhiều hẻm khác; là những khu dân cư đông đúc, thành phần lao động nghèo; số đối tượng mua bán nhỏ lẻ thường thuê mướn phòng trọ, nhà nghỉ để mua bán, có mối quan hệ trong gia đình hoặc kẻ mua, người bán trao đổi tiền và ma túy qua cửa sổ, khe cửa của căn nhà. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng trẻ em, người già cất giấu và trực tiếp giao nhận ma túy.
Đại diện các cơ quan của TP đã nêu nhiều điểm bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định về phòng chống ma túy. Trong đó, theo Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính không có quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là đối tượng cần phải được quan tâm đặc biệt hơn. Nếu đợi đến khi người nghiện đủ 18 tuổi mới điều trị thì tình trạng nghiện sẽ càng nặng, khó điều trị hơn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bổ sung chất ma túy mới; bổ sung tiêu chuẩn chẩn đoán và điều trị các chất ma túy như ketamine, cocain, cần sa, bồ đà…
Tại TP HCM, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy được trang bị từ những năm 2008, được cho là không còn phù hợp với tình hình thực tế. “Các nước bạn họ có những máy soi rất hiện đại ở các cửa khẩu, phương tiện chỉ chạy qua là soi được ngay. Chúng ta xuất nhập đến hàng triệu container nhưng chỉ có bốn máy soi nên việc phát hiện ma túy ở các cửa khẩu thực tế là rất khó”, Đại tá Nhàn nói.
Đại tá Nhàn cũng cho rằng việc xử lý người nghiện, người sử dụng các loại ma túy tổng hợp gặp khó vì các quy định xác định tình trạng nghiện, phác đồ điều trị… chưa cụ thể. Cùng đó là có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của Luật Phòng, chống ma túy với các quy định pháp luật khác, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế.
Ông Nhàn cũng cho hay có thực trạng người sử dụng nhiều loại ma túy nhưng không thể xác định được tình trạng nghiện do không thuộc nhóm ma túy kiểu dạng tự nhiên (opiate) hay tổng hợp (ATS). Muốn xác định tình trạng nghiện thì phải giữ người trong thời gian 48 giờ với nhóm opiate và 72 giờ với nhóm ATS tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, không có quy định nào, cơ quan nào tạm giữ người sử dụng ma túy trong khoảng thời gian này.