Quy định "tạo điều kiện" cho cơ sở dùng chất cấm chăn nuôi?

(PLO) - Điều gây ngạc nhiên là Nghị định Chính phủ hiện hành không buộc cơ sở chăn nuôi phải tiêu hủy vật nuôi đã sử dụng chất cấm, thậm chí còn cho phép tiếp tục nuôi dưỡng, xuất bán, giết mổ nếu kiểm tra không còn tồn dư chất cấm.
Lò mổ hiện là một những “điểm nóng” về việc sử dụng chất cấm trong vật nuôi. Ảnh minh họa
Lò mổ hiện là một những “điểm nóng” về việc sử dụng chất cấm trong vật nuôi. Ảnh minh họa

Theo Bộ NN&PTNT, quy định này hiện không hợp lý và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.

Nghị định đang có “lỗ hổng”

Hàng loạt kết quả kiểm tra của ngành nông nghiệp gần đây đều cho thấy, lò mổ hiện là một trong những tâm điểm mà cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện ra việc sử dụng chất cấm trong vật nuôi.

Thế nhưng, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/ 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (gọi là Nghị định số 119) đang có những kẽ hở liên quan đến hoạt động xử lý đổi với các cơ sở giết mổ động vật.

Cụ thể, Điều 36 Nghị định này mới quy định xử phạt đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ, cơ sở chăn nuôi trang trại và cơ sở sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi mà không có điều khoản xử phạt đối với cơ sở giết mổ.

Thậm chí, nghị định này còn cho phép cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ và chỉ buộc tiêu hủy động vật trong trường hợp tái phạm.

Trao đổi với PLVN, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết: Nghị định 119 cũng như theo thông tư quy định sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nếu vật nuôi sử dụng Sabutamol , cơ sở chăn nuôi được phép giữ lại trong 14 ngày, nếu cơ quan kiểm tra thấy không còn tồn dư chất này thì sẽ được giết mổ.

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các đơn vị có đề xuất là nếu chúng ta quy định giữ vật nuôi lại 14 ngày thì sẽ rất gây khó khăn cho cơ sở giết mổ cũng như tính răn đe không được nghiêm. Chính vì vậy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 119 theo hướng quy định: nếu như phát hiện ra heo nhiễm Sabutamol tại lò mổ thì sẽ tiến hành tiêu hủy ngay”- bà Thủy nói.

Bò xử phạt ngang bằng gà

Theo Bộ NN&PTNT, một số điều khoản trong Nghị định 119 đang phát sinh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật. Vì vậy, trước mắt, để kịp thời xử lý tình trạng nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung nội dung về các hành vi vi phạm liên quan đến cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ được quy định tại Nghị định 119 là hết sức cấp bách.

Phó Cục trưởng Cục thú y cho biết thêm, hiện Bộ NN&PTNT đang trong giai đoạn trình Chính phủ để điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Nghị định này.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ NN&PTNT đánh giá mức xử phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi của chủ cơ sở giết mổ và chủ lô gia súc còn thấp, chưa đủ sức răn đe cũng như chưa hợp lý.

Mặt khác, Bộ luật hình sự 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 đã có những điểm mới về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự 2015.

Đáng chú ý, văn bản trình Chính phủ còn cho biết, việc xử lý hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ theo Nghị định 119 cũng chưa đảm bảo tính hợp lý, răn đe.

Theo quy định tại Nghị định đang nói, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này quy định chung là 5 – 6 triệu đồng. “Điều này có nghĩa rằng: việc cố tình bơm nước vào 2 cá thể động vật là gà và trâu, bò cũng bị phạt cùng một mức phạt, trong khi đó, trọng lượng cũng như giá trị của 2 cá thể này khác nhau. Vì vậy, đề nghị sửa đổi mức xử phạt đối với hành vi này theo hướng phạt theo giá trị động vật, sản phẩm động vật”- Văn bản Bộ NN&PTNT nêu.

Đọc thêm