Quy hoạch dự án Khu du lịch núi Xuân Vân cần tuân thủ Luật Di sản và bảo vệ cảnh quan môi trường

(PLVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho rằng, quá trình thực hiện và triển khai quy hoạch, dự án Khu du lịch núi Xuân Vân phải đảm bảo để nhân dân địa phương dễ dàng tiếp cận các công trình, di tích văn hóa, tôn giáo và bãi biển trong khu vực. Không cản trở các hoạt động đi lại, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và du khách. Tránh làm thay đổi địa hình để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong khu vực.
Núi Xuân Vân nhìn từ bờ biển Quy Nhơn.
Núi Xuân Vân nhìn từ bờ biển Quy Nhơn.

Cần được lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân 

UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn số 3546/UBND-KT ngày 3/6/2020 gửi VH-TT&DL về việc đề nghị thỏa thuận quy hoạch, xây dựng dự án Khu du lịch núi Xuân Vân (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến của Bộ VH-TT&DL tại văn bản số 5222/BVHTTDL-DSVH ngày 26/12/2019 về việc quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp thu, hoàn thiện các nội dung theo đề nghị của Bộ VHTT&DL.

Để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Bình Định kính đề nghị VH-TT&DL xem xét, có ý kiến thỏa thuận về quy hoạch, xây dựng dự án Khu du lịch núi Xuân Vân theo quy định. Trước đó, Bộ VH-TT&DL có văn bản số 5222 gửi UBND tỉnh Bình Định nêu ý kiến về việc quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân.

Theo đó, sau khi nhận được công văn số 6455/UBND-KT ngày 25/10/2019 của UBND Bình Định đề nghị có ý kiến đối với quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân, có đề xuất sử dụng một phần diện tích đất của khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, kèm theo thuyết minh quy hoạch và hồ sơ Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp La Poesie, Bộ VH-TT&DL cho rằng dự án Khu du lịch núi Xuân Vân được triển khai sẽ tạo điểm nhấn về du lịch cho TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, để hạn chế các tác động có thể ảnh hướng tới giá trị, cảnh quan của Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Bình Định cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ quy hoạch dự án. Cụ thể, chỉ rõ phạm vi của quy hoạch, ranh giới các điểm di tích, thắng cảnh quan trọng như: Lầu Bảo Đại, Bãi tắm Hoàng Hậu… trong tổng thể khu vực khoanh vùng bảo vệ của Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng đã được Nhà nước công nhân xếp hạng năm 1991.
Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng đã được Nhà nước công nhân xếp hạng năm 1991. 

Hồ sơ quy hoạch cần miêu tả, đánh giá kỹ hiện trạng Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng bằng thuyết minh, bản vẽ quy hoạch, ảnh chụp hiện trạng khu vực quy hoạch. Trên cơ sở đó, đánh giá tác động của việc triển khai quy hoạch tới cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, các di tích, di sản văn hóa phi vật thể và không gian văn hóa liên quan trong khu vực Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng. Từ đó đề xuất phương án, giải pháp bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản, phương án xử lý nguy cơ tác động đến môi trường như phương án xử lý nước thải, chất thải…

Bên cạnh đó, cần đánh giá sự phù hợp của quy hoạch với các quy hoạch, dự án đã phê duyệt, triển khai trong khu vực, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Ngoài ra, không xây dựng bảo tàng như hồ sơ đã đề xuất. Chủ trương và nội dung đầu tư xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân cần được lấy ý kiến đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương.

Quá trình thực hiện và triển khai quy hoạch, dự án phải đảm bảo để nhân dân địa phương dễ dàng tiếp cận các công trình, di tích văn hóa, tôn giáo và bãi biển trong khu vực. Không cản trở các hoạt động đi lại, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và du khách. Tránh làm thay đổi địa hình để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong khu vực.

Bổ sung vào mục căn cứ lập quy hoạch các văn bản pháp lý: Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 98/2010/ NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐCP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. 

Không nên tác động sâu, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường

Trước đó, vào ngày 10/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã có kết luận số 247-KL/TU, thống nhất nội dung phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch núi Xuân Vân do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cũng lưu ý Ban Cán sự đảng UBND tỉnh này chỉ đạo bảo tồn di tích Lầu Bảo Đại.

Nếu việc xây dựng có ảnh hưởng đến di tích cần xin ý kiến Bộ VH-TT&DL trước khi triển khai thực hiện. Đồng thời, xin ý kiến Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (Bộ Quốc phòng) các vấn đề liên quan đến yếu tố quốc phòng - an ninh khu vực núi Xuân Vân. Không quy hoạch các công trình các yếu tố tôn giáo hiện có trong khu vực dự án.

Yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết và xây dựng hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng địa hình tự nhiên, cảnh quan, môi trường khu vực núi Xuân Vân. Đến tháng 10/2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch núi Xuân Vân - Phân khu A (Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp La Poesie).

Vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của Ghềnh Ráng.
Vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của Ghềnh Ráng. 

Theo đó, ranh giới quy hoạch gồm: phía Bắc giáp Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 1); phía Nam giáp đường giao thông và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa; phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp đường dốc hiện trạng, quốc lộ 1D và đường vào Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Khu quy hoạch được chia thành 4 khu chức năng chính, gồm: khu du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ chung cho cộng đồng (6,84ha); khu biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng (32,42ha); khu khách sạn nghỉ dưỡng, bungalow và các tiện ích phục vụ du lịch (29,13ha); khu lâm viên (54,4ha).

Mục tiêu dự án là xây dựng khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tận dụng cảnh quan đồi núi tự nhiên, làm điểm phát triển du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích, văn hóa tại địa phương gắn với việc tôn tạo, bảo tồn các di tích hiện có. Một số chuyên gia về di tích cho rằng, chủ trương quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch núi Xuân Vân là đúng.

Tuy nhiên, tỉnh Bình Định cần cân nhắc khi xây dựng những công trình nên mang dáng dấp văn hóa nhiều hơn, để tôn vẻ đẹp của Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng. Không nên xây dựng quá nhiều công trình bê tông, đơn cử như các biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp.

Ở góc độ nhìn nhận về bảo tồn di sản, ông Đinh Bá Hòa - nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) cho rằng, điều quan trọng là những dự án xây dựng sát biển, không nên phá vỡ cảnh quan của danh thắng. Tại vị trí Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, có những lớp đá hoa cương hình thành hàng triệu năm ở khu vực bảo vệ I và bảo vệ II rất đẹp, vì thế cần giữ lại những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, không nên tác động sâu, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, vẻ đẹp tự nhiên của di sản, danh lam thắng cảnh. 

Đọc thêm