Có hẳn một làng ở Hướng Hóa, Quảng Trị với gần 300 nhân khẩu đã 17 năm nay chưa có quốc tịch Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc họ không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào và đương nhiên những đứa trẻ sinh ra cũng không được khai sinh. Thêm một chuyện khó tin nữa trong lĩnh vực quản lý nhà nước và sự thờ ơ đối với quyền nhân thân của chính nhân dân đất nước ta.
Không chỉ ở cái làng được tách ra sau khi phân chia biên giới với Lào đó phải chịu cảnh này do cán bộ còn đang thương thuyết với Lào để xác định mà còn ở nhiều địa phương khác như Bình Dương, Long An cũng tồn tại những “xóm liều” ven sông, những căn lều phủ bạt trong rừng cao su, nơi ấy tá túc những gia đình hồi hương từ Biển Hồ Cam-pu-chia về vẫn chưa được nhập quốc tịch Việt Nam. Theo luật, họ phải định cư trên lãnh thổ quê hương của họ tối thiểu 20 năm mới được xem xét nhập quốc tịch.
Không quốc tịch, đương nhiên những người này không có quyền và nghĩa vụ công dân và họ bị tách rời ra với cộng đồng xã hội. Họ chịu đã đành một đời nhưng điều đặc biệt quan tâm là những đứa trẻ không được khai sinh. Không có khai sinh đồng nghĩa với việc không được đi học, một thế hệ mù chữ nối tiếp ông cha và không thể khẳng định là tương lai của những đứa trẻ đó là tươi sáng, bất chấp đất nước chúng ra đời và lớn lên phát triển đến đâu.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới ký vào Công ước quyền trẻ em. Quyền được khai sinh là nội dung đầu tiên, quan trọng được quy định trong Công ước nhân đạo, nhân bản, nhân tính đó. Bất kể vì lý do gì, trẻ em sinh ra phải được khai sinh, cho dù bố mẹ chúng là kẻ tha hương, là người không chấp hành chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con. Trẻ em có những quyền nhân thân bất khả xâm phạm, phải được tôn trọng chứ không để tình trạng trẻ em trở thành nạn nhân đáng thương của xã hội, xuất phát từ những sai lầm của người lớn!