Quyền lực và sự sát thương

(PLO) - Bị cáo Dương khai trong quá trình điều tra: Nhiều bữa ăn thân mật với lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đều mang rượu đến, số tiền mua rượu lên tới 10 tỷ đồng. Tiền, quà tặng, đất đai, những thứ mà người có quyền lực luôn ham muốn thống lĩnh và nó chính là điểm yếu để người có quyền chết trên địa vị của mình khi họ bị mua chuộc.
Bị cáo Vĩnh.

Sự tha hóa của những người nắm quyền lực, luật pháp trong tay là không có điểm dừng. Thông tin trong vụ án đánh bạc online hàng nghìn tỷ đồng đang xét xử cho ta thấy quyền lực khi bị mua chuộc, lũng đoạn, bảo kê, nó sẽ biến thành thứ “quái vật” khủng khiếp làm băng hoại luật pháp.

Bị cáo Dương khai nhận trong quá trình duy trì Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) đã cho riêng Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 1 chiếc đồng hồ nhãn hiệu Rolex trị giá 7.000 USD và 1,75 triệu USD tiền mặt. Còn Nguyễn Thanh Hóa được Dương cho riêng 22 tỷ đồng.

Lời khai tại cơ quan điều tra cũng là một thông tin cần kiểm chứng đúng sai, nhưng với ý đồ “bảo kê” của các vị từng là tướng công an này thì việc “có đi có lại” là không thể không có.

Khi họ đang ở địa vị đó, cái giá để mua chuộc không phải là nhỏ.

Địa vị là thứ mà con người luôn thèm khát, nó thể hiện đẳng cấp, sự tôn trọng của cấp dưới, xã hội, khẳng định giá trị bản thân thăng tiến, khẳng định cái tôi quyền lực của mình trong mắt mọi người.

Vươn lên đỉnh cao nhất là tham vọng tột cùng và khi con người đã đi vào vòng xoáy quyền lực thì họ sẽ theo đuổi đến cùng để có được ý nguyện đó. Họ không muốn ai hơn mình, vượt qua mình. Họ thích kẻ dưới phải tán dương mình, nó như một niềm vui khoái lạc.

Trong cuốn: Nỗi lo âu về địa vị, tác giả Alan de Botton viết: “Giả sử, nếu ta thấp nhưng sống giữa những người có cùng chiều cao với mình, ta sẽ không bị quấy nhiễu quá mức bởi những câu hỏi về kích thước. Nhưng nếu những người khác trong nhóm chỉ cao lớn hơn ta một chút, rất có thể ta sẽ cảm thấy một nỗi băn khoăn đột ngột và trong lòng chất chứa nỗi bất mãn và đố kỵ, mặc dù chúng ta không hề thấp đi dù chỉ một phần nghìn milimet”.

Nhiều người đặt câu hỏi tự thân: Tại sao họ đủ đầy rồi mà không dừng lại? Địa vị luôn là thứ mà con người không bao giờ muốn đủ và dừng lại, sự phấn đấu của họ trong đám đông là một nỗ lực bền bỉ. Họ muốn chứng tỏ rằng, tôi đang ở địa vị này là xứng đáng và được trọng vọng.

'Cựu tướng' Vĩnh, cũng là con người trận mạc trong ngành điều tra hình sự và ông có được chức sắc đó cũng phải đánh đổi quá nhiều. Nhưng khi quyền lực nắm trong tay ông nghĩ rằng không ai có thể đánh đổi được mình, mình có giá trị của mình và mình phải được hưởng lợi từ những cống hiến đó.

Đó chính là bệnh quan liêu, Cụ Hồ đã nói “lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, chở che cho nạn tham ô, lãng phí”.

Ở địa vị đó, những vị tướng công an mà bây giờ là bị cáo, bảo kê cho đường dây đánh bạc phạm pháp cũng chả bao giờ nghĩ rằng họ có ngày tệ hại như hôm nay. Quyền lực và sự mua chuộc bủa vây mà họ cũng chẳng đoái hoài rằng những kẻ đến cần ta vì gì? Họ quá hiểu điều đó, nhưng thời thế, chọn lựa,lòng tham con người khiến họ cứ vậy mà xuôi dòng tội lỗi.

Tác giả Alan de Botton cũng viết trong cuốn sách trên rằng “quyền lực càng cao thì sự sát thương sẽ luôn lớn”. Sự sát thương có thể đến từ sự tham vọng của cá nhân, cũng có thể đến từ đối thủ. Nhưng cái vòng luẩn quẩn mà dân gian hay gọi “tình, tiền, tù, tội” khi đã mắc kẹt vào đó khó mà thoát ra được.

Quyền lực và cách kiểm soát nó vẫn luôn khó khăn đối với một nhà nước.Luật pháp là rào cản để bảo vệ con người vượt qua ranh giới ham hố quá mức, nhưng lòng người thì khó lường được sự cám dỗ. 

Nên câu chuyện từ phiên tòa là sự cảnh giới cho mọi người trước sức hút địa vị, nhưng làm được điều đó, giữ được mình trong sạch quả là khó khăn./.