Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật: Vì sao chưa được đảm bảo?

(PLVN) - Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do đi lại”, nhưng thực tế hiện nay người dùng xe lăn không thể tự bước lên máy bay với tấm vé đã mua như mọi người khác, bởi bậc thềm máy bay “cao vời vợi”…
Hình minh họa
Hình minh họa

Từ chối phục vụ hành khách khuyết tật

Ngày 4/4/2019, khách hàng Nguyễn Khánh Lâm là người khuyết tật vận động nhận được điện thoại của nhân viên một hãng máy bay với thông tin từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển của vé đã mua chuyến bay ngày 4/4 chặng Hà Nội – Đà Nẵng. Lý do là hãng không có nhân viên hỗ trợ trong trường hợp hành khách khuyết tật cần sử dụng dịch vụ đặc biệt xe lăn. 

Sự việc một lần nữa khơi lại tổn thương đối với cộng đồng người khuyết tật khi mà trước đó từng có nhiều người khuyết tật sử dụng xe lăn không được hãng hàng không cung cấp dịch vụ vận chuyển với các lý do khác nhau.

Đơn cử như câu chuyện về chuyến bay TP HCM – Hà Nội của hành khách Lê Đức Hiền (Đồng Nai). Ngày 29/3/2017, anh Hiền được nhân viên hãng hàng không thông báo từ chối vận chuyển vì khách sử dụng xe lăn không có người đi cùng. “Tại sao tôi lại phải trả tiền vé cho hai người, nghĩa là mất gấp đôi tiền so với hành khách khác, trong khi tôi hoàn toàn có thể độc lập di chuyển một mình bằng xe lăn. Tôi chỉ cần hỗ trợ khi lên xuống máy bay mà hãng hàng không lại từ chối vận chuyển” – anh Hiền bức xúc.

Ở vụ việc này, hãng hàng không đã xin lỗi hành khách, hoàn lại tiền và phạt đại lý bán vé vì theo quy định của hãng trường hợp hành khách sử dụng xe lăn phải có người đi cùng thì mới bán vé.

Thế nhưng, rút kinh nghiệm của anh Hiền, anh Nguyễn Khánh Lâm khi mua vé đã đặt trước dịch vụ xe lăn và có người đi cùng nhưng rốt cuộc vẫn bị hãng hàng không từ chối vận chuyển với lý do “do đặc thù khai thác hàng không”.

Trao cơ hội thực hiện quyền di chuyển cho người khuyết tật

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do đi lại” và trước pháp luật, người khuyết tật cũng có mọi quyền như mọi công dân khác. Nhưng không chỉ trao quyền, thực tế cho thấy, Nhà nước còn cần trao cho công dân là người khuyết tật cơ hội thực hiện quyền bởi điều này là đặc biệt quan trọng để họ có được quyền bình đẳng thực sự và hòa nhập một cách đầy đủ. 

Liên quan đến quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải đều có quy định: Phương tiện giao thông công cộng bao gồm xe buýt, ô tô, chở khách tuyến cố định, tàu bay chở khách, tàu thủy chở khách, phà chở khách phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.

Điều này cũng có nghĩa những đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyện không phân biệt giá rẻ hay không rẻ đều phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật để đảm bảo hành khách khuyết tật được sử dụng dịch vụ. 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số. Và hầu hết người khuyết tật cho rằng phần lớn hệ thống giao thông công cộng hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của họ. Theo thống kê của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải – Bộ Giao thông vận tải, mới chỉ có 6/63 tỉnh thành phố ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật. 

Bà Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Vì ngày mai vốn là người khuyết tật cho biết, hiện người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông, nhất là khi phải di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt, xe khách do không có phương tiện hỗ trợ, đôi khi còn bị lái xe từ chối với lý do người khuyết tật gây bất tiện cho những hành khách khác. Còn câu chuyện người khuyết tật tiếp cận giao thông hàng không thì như đã nói đến ở trên. 

“Văn bản pháp luật có quy định, nhưng thực tế, không phải người khuyết tật cứ ra đường là có thể bắt xe, lên tàu, lên máy bay di chuyển đến nơi mình muốn được. Không có văn bản nào cấm người khuyết tật di chuyển theo cách mình muốn, nhưng nếu phương tiện giao thông công cộng không tiếp cận được hoặc dịch vụ vận chuyển từ chối người khuyết tật vì lý do khuyết tật thì vô hình trung, người khuyết tật đã bị tước đi quyền bình đẳng trong việc sử dụng giao thông công cộng đã được pháp luật quy định và bảo vệ”- bà Nguyễn Thanh Thúy, Chánh Văn phòng Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam cho biết. 

Nói về thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật về tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật, ông Nguyễn Hồng Trường, chuyên viên chính Vụ Vận tải – Bộ Giao thông vận tải cho biết, cả nước hiện có 22 cảng hàng không đang hoạt động khai thác, trong đó cả 22  cảng hàng không  đều có đường tiếp cận, xe lăn và nhà vệ sinh cho người khuyết tật; 7 cảng hàng không có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn ở khu vực nhà ga đi, đến, 6 hãng hàng không đều có quy định quy trình phục vụ hành khách là người khuyết tật.

“Vì một số tồn tại như một số cảng hàng không chưa bố trí được xe nâng hành khách sử dụng xe lăn, một số công ty cung cấp dịch vụ bay từ chối chuyên chở người khuyết tật với lý do không thuyết phục đã để lại những trải nghiệm không tốt với hành khách là người khuyết tật. Bộ Giao thông vận tải đã triển khai Đề án 1019/QĐ-TTg của ngành Giao thông vận tải như đẩy mạnh truyền thông và tập thuấn về giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện chính sách, chương trình, nâng cấp và cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông tiếp cận.

Tới đây, Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường bố trí kinh phí để cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cảng hàng không chưa đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp cận cho người khuyết tật khi tham gia giao thông và các trường hợp từ chối phục vụ người khuyết tật với lý do không chính đáng” - ông Trường nhấn mạnh.

Được biết, trong Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng tất cả các vi phạm như: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng lộ trình cải tạo, nâng cấp hạng mục, công trình của cảng hàng không, sân bay để bảo đảm người cao tuổi, người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; không có xe lưng phục vụ người khuyết tật tại nhà ga của càng hàng không, sân bay; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật đi tàu bay theo quy định; không thực hiện vận chuyển hành khách là người khuyết tật theo quy định thì sẽ bị xử phạt với các mức phạt từ 10-40 triệu đồng. 

Đọc thêm