Không thể phủ nhận một sự thật là có tới 99,99% phụ huynh vẫn coi chuyện trường lớp là số một trong “hành trình” tới học vấn của con em mình. Và, việc nên cho con đi học “trường điểm” hay “trường làng” đã, đang và sẽ luôn là mối quan tâm chung của những ai làm cha làm mẹ…
|
Hình minh họa |
Trước hết cần nói, “trường điểm” thì rõ rồi, nhưng khái niệm “trường làng” ở đây không còn bó hẹp về một ngôi trường ở một miền làng quê nào đó, với dãy nhà ngói cấp 4 chữ nhật bao bọc sân chơi bằng đất và hàng cây rì rào, nơi rất nhiều người trong chúng ta có “tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường”.
Thời buổi này, “trường làng” trong tư duy so sánh của phụ huynh là những ngôi trường không “điểm”, không nổi tiếng, gần nhà….
Xin cho con học trường làng thì dễ, đôi khi chỉ cần đúng bản hộ khẩu phô tô chứng minh đúng tuyến. Còn xin trường điểm ư?. Quan hệ này, học lực này và cộng thêm rất nhiều tiền. Thế nên, phụ huynh mới luôn “giằng xé” với câu hỏi trường làng hay trường điểm, như câu chuyện của chị Nguyễn Kim Đán dưới đây.
Vốn làm việc trong một cơ quan rất gần gụi với giáo dục là công ty thiết bị trường học, chị Đán có ý thức đầu tư cho con từ những năm cấp 1. Cậu bé Thiện Lương con trai chị sinh năm 2006 nghĩa là tháng 9 năm nay sẽ vào lớp 1 nhưng trước đó hai năm, chị Đán đã âm thầm lựa ra một danh sách trường điểm “hợp nhãn” để đầu tư.
Hai trường chị Đán chọn là trường T. và Đ. Lý do chọn trường thứ nhất vì nghe đâu… một nhân tài thuở bé đã từng theo học ở đấy, chọn trường thứ hai vì nó có kỳ thi vào lớp một khó nhất thành phố, tỷ lệ chọi cao nhất thành phố, hẳn rằng phải ưu việt lắm người ta mới chen vào như thế.
Ngày mua hồ sơ ở ngôi trường thứ nhất, chị Đán đi từ… 1 giờ sáng. Cứ ngỡ mình khôn nhưng đến đấy thì thấy ôi thôi, phụ huynh nằm ngồi la liệt. Và rồi sau đó vài tiếng cánh cổng sắt của ngôi trường đã bị đẩy bật tung với “sức mạnh hiếu học” của người Việt. Dép guốc chiếc đứt quai, chiếc lẻ bộ rơi vãi khắp sân trường. Cầm bộ hồ sơ trên tay chị Đán ra về trong dáng vẻ giống của người vừa đi chen lấn xin ấn Đền Trần, tơi tả.
Ngày nộp hồ sơ thi tuyển ở ngôi trường thứ hai. Dừng xe máy trước cổng chị Đán hoa cả mắt vì nắng gắt, vì địa điểm trường cách xa cơ quan, rồi cả nhà chị quá xa, những gần 12 cây số. Đã thế khung cảnh sư phạm của ngôi trường trông không mấy hấp dẫn và những lời kháo nhau lao xao của phụ huynh rằng năm nay thi lớp một tỷ lệ chọi những 17,18 hơn cả thi đại học, khiến chị Đán bỗng dưng thấy nản.
Để ý thấy bộ dạng thất vọng của vợ, anh Kim chồng chị đoán chắc vợ lo chuyện đi học lớp một của con. Nghe thủng câu chuyện anh cười ngất rồi nghiêm mặt mời vợ ngồi lại nói chuyện nghiêm túc: “Anh hỏi em nhé, trẻ con bắt đầu đi học cần gì?. Cần nếp học, cần sự tự giác, cần biết đọc, biết viết trôi chảy hay cần chứng minh mình là thiên tài không đợi tuổi?. Vậy những thứ cần giản đơn đó thì trường điểm trường làng đáp ứng khác gì nhau?.
Em bảo trường T. đã từng đào tạo một nhân tài à. Thế thì em biết một mà không biết mười rồi. Em có biết nhân tài đó chỉ theo học ở trường đến hết lớp 2 rồi chuyển đi theo công tác của bố mẹ không. Lớp hai với những phép cộng trừ nhân chia đơn giản, những bảng cửu chương ê a liệu đã ra nhân tài chưa. Mà em quên là nhân tài thì có tới 99% là mồ hôi nỗ lực cá nhân và 1% là những thứ khác à.
Con ở trường thứ hai, em cứ thử nghĩ một thằng bé 6 tuổi ngày nào cũng trải qua gần 30 chục cây số xuyên thành phố đi về mưa nắng dãi dầu, tắc đường, khói bụi, sức khỏe con nó có chịu nổi không. Để rồi cuối cùng cũng được học y hệt như những gì đang có trong ngôi trường rộng rãi ngay gần nhà chúng ta đây với đầy đủ trường lớp khang trang sân chơi bóng mát, giáo viên nhiệt tình…”
Câu chuyện của hai vợ chồng kết thúc đã lâu nhưng chị Đán vẫn im lặng ra chiều suy nghĩ. Rồi tối đó, trước khi đi ngủ chị lục tủ lấy sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của cậu con để sẵn lên bàn…
Diệu Liên