Quyết liệt lành mạnh thị trường chứng khoán, bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra những vấn đề có liên quan để lành mạnh thị trường chứng khoán, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến.

Sáng 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, đầu năm 2022, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ những định hướng, gợi mở, chỉ đạo quan trọng, sát sao, toàn diện, xuyên suốt cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 và thời gian tới.

Sau 3 tháng, Hội nghị trực tuyến hôm nay được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,… trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Thủ tướng nêu rõ, so với thời điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, tình hình hiện nay đã có nhiều diễn biến mới khác, phức tạp, khó lường. Tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.

Xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

Ở trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ khi tình hình có những biến động. Vi phạm pháp luật liên quan tới bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề nổi lên.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã bám sát tình hình để có giải pháp linh hoạt, phù hợp. Quan điểm của Việt Nam về tình hình Ukraine được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ. Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực đưa người dân từ Ukraine có nhu cầu về nước và đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác này.

Cũng trong quý I, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92% với các giải pháp tích cực, chủ động, linh hoạt về thuế, phí, giá… Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu năng lượng, cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý, làm lành mạnh hóa thị trường.

Quý I năm 2022 vừa khép lại với nhiều tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả, chúng ta mới đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung phân tích, mổ xẻ những việc đã và chưa làm được trong quý I, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay (cả nội tại lẫn tác động bên ngoài); giải pháp tháo gỡ, những trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng lưu ý một số nội dung cụ thể như việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, kéo dài; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển…

Ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị đều thống nhất đánh giá, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong và ngoài nước nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội quý I đã đạt được những kết quả đáng trân trọng như GDP tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, 5 cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách đạt 33,5% kế hoạch năm.

So với quý I năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tăng 45,5%, trong đó xuất siêu hơn 800 triệu USD, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng hơn 15%. 61 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 8,9%...

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn với những người bị nạn, chia sẻ với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thiên tai bất thường vừa qua.

Về nhiệm vụ trong quý II, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục phòng chống dịch, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh: phát triển thị trường trong nước, chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; thúc đẩy tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch; tăng cường chuyển đổi số.

Thủ tướng lưu ý các địa phương bảo đảm việc đi học của học sinh an toàn, tập trung chỉ đạo tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến chứng khoán, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang nổi lên. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành một số biện pháp ngăn chặn kịp thời và tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra những vấn đề có liên quan để lành mạnh thị trường.

Trước đó, từ tháng 12 năm ngoái, Chính phủ đã dự báo được tình hình, có công điện về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan, địa phương liên quan cần triển khai quyết liệt để ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đọc thêm